Thứ 4, 27/11/2024, 15:44[GMT+7]

Nếp Tam Xuân hướng tới OCOP

Thứ 7, 22/10/2022 | 08:13:00
2,891 lượt xem
Đưa gạo nếp Tam Xuân, đặc sản nức tiếng của địa phương thành sản phẩm OCOP tạo đột phá trong chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giúp người dân nâng cao thu nhập là mục tiêu của HTX DVNN xã An Thanh (Quỳnh Phụ).

Vùng quy hoạch gieo cấy lúa nếp Tam Xuân tại xã An Thanh (Quỳnh Phụ).

Dù đã ngoài 70 tuổi song vợ chồng ông Hoàng Văn Vượng, thôn Thượng vẫn gieo cấy 4 sào lúa nếp Tam Xuân bởi hiệu quả kinh tế mà giống lúa này mang lại. Ông Vượng chia sẻ: Nếp Tam Xuân là giống lúa truyền thống của An Thanh, tương truyền có từ thế kỷ XIII. Tam Xuân có nghĩa là ba năm vẫn còn thơm, ý chỉ chất lượng, mùi thơm của gạo Tam Xuân hiếm có giống nếp nào sánh được. Nếp Tam Xuân có chất lượng gạo rất ngon, thơm nhưng đòi hỏi thổ nhưỡng và thời vụ canh tác phù hợp. Cũng giống lúa ấy nhưng mang đi các vùng khác gieo cấy tuy cho năng suất tương đương nhưng chất lượng gạo không ngon như được cấy tại An Thanh. Con em xa quê mà được cho, biếu gạo nếp Tam Xuân là trân quý lắm. Khi nấu xôi, hạt gạo trong và ráo, mềm nhưng không nát, thơm đậm đà; bánh chưng được làm từ gạo nếp Tam Xuân có độ dẻo chặt mà không bị nhão, ướt bánh như những giống nếp khác, rất thơm, ngon, để được lâu mà không bị cứng... Với năng suất trung bình đạt 130 - 150kg/sào lúa khô, giá bán ổn định đạt 22.000 - 28.000 đồng/kg gạo, nếp Tam Xuân cho thu nhập cao gấp 1,5 lần lúa thường. Trước đây, tôi cấy cả mẫu giống nếp này nhưng giờ sức khỏe hạn chế nên tôi duy trì 4 sào.

Với mong muốn đưa gạo nếp Tam Xuân trở thành sản phẩm OCOP, vụ mùa năm 2022, HTX DVNN xã An Thanh đã quy vùng 30ha tại cánh đồng Nội gieo cấy giống lúa này. 

Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, Giám đốc HTX cho biết: Tuy mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao hơn lúa tẻ nhưng do là giống cảm quan, chỉ cấy được ở vụ mùa, lại cao cây, dễ đổ nên lúa nếp Tam Xuân thường được nông dân tự để giống, cấy với diện tích nhỏ phục vụ tiêu dùng của gia đình, mua làm quà biếu, tặng. Được UBND huyện lựa chọn, hỗ trợ tham gia chương trình OCOP, đây sẽ là thuận lợi rất lớn giúp nông dân xã An Thanh quảng bá, tiêu thụ nông sản đặc sản của địa phương. Đến nay, chúng tôi đã có bao bì sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, tạo lập được trang web bán và giới thiệu sản phẩm, đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Chúng tôi cũng vận động nông dân từng bước xóa bỏ bờ ngăn để tạo thuận lợi, giảm chi phí sản xuất khi áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trên vùng gieo cấy lúa nếp Tam Xuân. Tuy nhiên, do tồn tại lâu, giống nếp này đã phần nào bị thoái hóa, chúng tôi mong được các cấp, ngành hỗ trợ phục tráng giống.

Mượn ruộng cấy với diện tích 10 mẫu, vụ mùa này, anh Nguyễn Duy Khải, thôn Thượng cấy 6 mẫu nếp Tam Xuân trong vùng quy hoạch của HTX. Anh Khải cho biết: Được sự tuyên truyền, vận động của HTX, tôi bỏ hết các bờ ngăn nhỏ, tạo thành thửa ruộng lớn rộng 6 mẫu cấy lúa nếp Tam Xuân. Giống lúa này đẻ nhánh tốt, ít sâu bệnh, chăm bón cũng chỉ bằng một nửa lúa tẻ. Tôi đầu tư máy làm đất, máy gặt, máy bón phân đạm nên chi phí sản xuất giảm được khá nhiều. Năm nay năng suất dự kiến đạt 150 - 160kg lúa tươi/sào, trừ chi phí thu lãi khoảng 700.000 đồng/sào. Trước đây, mỗi nhà chỉ cấy một vài sào, thu hoạch đến đâu thương lái mua hết đến đó. Tuy nhiên, để tạo thành sản phẩm hàng hóa với khối lượng lớn, chúng tôi mong muốn gạo nếp Tam Xuân sớm trở thành sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị hạt gạo từ đó giúp chúng tôi nâng cao thu nhập.

Nhận thấy giá trị, hiệu quả kinh tế của lúa nếp Tam Xuân, diện tích gieo cấy giống lúa này tăng dần trong vài năm trở lại đây, đạt 50ha ở vụ mùa này. Dự kiến, vụ mùa năm 2023 tăng lên trên 100ha. Tự tin với chất lượng sản phẩm khi bước vào “sân chơi” OCOP, người dân xã An Thanh mong muốn chương trình OCOP sẽ trở thành đòn bẩy giúp tài nguyên bản địa tiêu thụ hiệu quả hơn.

Sản phẩm gạo nếp Tam Xuân tham gia trưng bày tại hội nghị kết nối cung cầu do Liên minh HTX tỉnh tổ chức.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày