Thứ 5, 16/01/2025, 03:49[GMT+7]

Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn

Thứ 6, 04/11/2022 | 19:18:11
8,643 lượt xem
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 4/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất, đồng thời tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tham gia chất vấn.

Đối với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết: Phiên chất vấn đã có 61 đại biểu đăng ký, 36 đại biểu đã chất vấn, 1 đại biểu tranh luận trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Đặt vấn đề chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho biết, hiện nay ở Hà Nội có rất nhiều dự án nhà ở, dự án khu đô thị sau một thời gian sử dụng thì hạ tầng xuống cấp… nhưng không thể nâng cấp. Đại biểu cho biết, qua phản ánh cửa cử tri, điều này làm mất cảnh quan đô thi và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm rõ vấn đề này có thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng không và nếu có đề nghị Bộ trưởng làm rõ sẽ giải quyết như thế nào trong thời gian sắp tới.

Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng, các câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội đã bám sát nội dung thuộc phạm vi chất vấn cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn. Quốc hội đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Xây dựng tuy lần đầu trả lời chất vấn nhưng với kinh nghiệm quản lý lĩnh vực, Bộ trưởng đã có sự chuẩn bị khá tốt về nội dung, trả lời thẳng thắn các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm. Giải trình đầy đủ các vấn đề còn bất cập, đề xuất một giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua.

Kết thúc nhóm vấn đề thứ nhất, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, gồm các nội dung: Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số. Công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia; Việc tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; Việc quản lý các thuê bao, đầu số của các nhà mạng; công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác. Việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trả lời chất vấn chính. Cùng với đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Công an, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Trần Khánh Thu đặt vấn đề: Trong thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước xây dựng Chính phủ số, chính quyền số là bước đột phá của khoa học, kỹ thuật. Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để kết nối với nền tảng tích hợp ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia. Đây có thể coi là cuộc cách mạng đối với việc giải quyết mối quan hệ giữa người dân với các cơ quan nhà nước. Đối với ngành y tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân trong công tác khám, chữa bệnh đã đạt nhiều thành tựu to lớn. Tuy nhiên, việc tiếp cận với các ứng dụng này của người dân còn có những khó khăn do các nguyên nhân như sau: cơ sở dữ liệu giữa các nền tảng chưa có sự hỗ trợ, liên thông nhau; cơ sở hạ tầng, cơ sở đường truyền chưa bảo đảm; các cơ sở y tế sử dụng đa dạng các phần mềm quản lý khác nhau và đặc biệt người dân không có đủ điều kiện để có các thiết bị hỗ trợ. Ví dụ, trong báo cáo 158, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm do cơ quan Bảo hiểm xã hội thu thập và xây dựng nhưng tỷ lệ ứng dụng VSSID mới đạt được 30% số tài khoản giao dịch điện tử cá nhân và số tài khoản sử dụng VSSID để thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy mới đạt 0,3% lượt khám, chữa bệnh. Vậy, với vai trò là bộ chủ quản, xin hỏi Bộ trưởng các biện pháp hiện nay để giúp người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, người già, người nghèo có thể thuận lợi tham gia tiếp cận và các nền tảng số như thế nào?

Đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tham gia chất vấn. 

Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ 2, đồng thời tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực nội vụ.

Kết thúc phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thông tin và truyền thông, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, lĩnh vực thông tin và truyền thông có vai trò rất quan trọng trong đời sống. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin đã có tác động rất lớn tới đời sống người dân và toàn xã hội. Tại phiên chất vấn, có 33 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, 10 đại biểu phát biểu tranh luận. Còn 54 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu, 3 đại biểu đăng ký tranh luận nhưng chưa được đặt câu hỏi, đề nghị gửi câu hỏi bằng văn bản theo quy định.

Sau phần kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thứ 2, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực nội vụ, gồm: Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và việc triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức. Việc ban hành các văn bản thực hiện quy định của Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức; Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nhận xét, đánh giá, xử lý vi phạm; nguyên nhân, giải pháp trước tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là lĩnh vực, vị trí địa bàn đông dân cư, chịu nhiều áp lực công việc (như viên chức y tế…). Việc bảo đảm biên chế cho ngành giáo dục, đáp ứng yêu cầu dạy - học; giải pháp giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố (về số lượng người làm việc, về chế độ, chính sách…), nhất là công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm chính phần trả lời chất vấn. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ trưởng các bộ: Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.


Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)