Thứ 5, 26/12/2024, 21:37[GMT+7]

Di sản văn hóa hội tụ tại Festival Ninh Bình 2022

Thứ 6, 18/11/2022 | 07:44:23
16,640 lượt xem
Tối 17/11, tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình diễn ra Lễ khai mạc “Festival Ninh Bình 2022 - Tràng An kết nối di sản”.

Chương trình khai mạc là bức tranh nghệ thuật đầy hấp dẫn.

Sự kiện do UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức, nhằm kết nối các di sản văn hóa giữa các vùng miền, quốc gia, cùng chung định hướng cốt lõi là bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự.   

Lễ khai mạc “Festival Ninh Bình 2022 - Tràng An kết nối di sản” mở màn bằng chương trình nghệ thuật đặc sắc có chủ đề "Hoa Lư vang mãi ngàn năm" với 4 phần trình diễn, là: Tinh hoa di sản Ninh Bình, Di sản văn hóa Bắc Bộ, Di sản văn hóa Trung Bộ và Tây Nguyên, Di sản văn hóa Nam Bộ.

Hòa vào sắc màu rực rỡ của di sản văn hóa hội tụ tại Festival, còn có màn trình diễn của đoàn nghệ thuật từ tỉnh Udomxay - Lào, phần trình diễn trang phục dân tộc Việt Nam của 71 người đẹp tham gia vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Du lịch thế giới 2022 diễn ra tại Việt Nam, đem đến bức tranh nghệ thuật lộng lẫy và mãn nhãn cho công chúng và du khách trong, ngoài nước. 

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, tỉnh Ninh Bình được thiên nhiên và con người dành tặng nhiều di sản văn hóa giá trị, trong đó tiêu biểu là Quần thể danh thắng Tràng An - hình mẫu nổi bật về tương tác giữa con người và môi trường, được UNESCO chính thức ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại sự kiện.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vui mừng đón nhận sáng kiến của tỉnh Ninh Bình trong tổ chức Festival lần thứ nhất với tên gọi “Tràng An kết nối di sản”, nhằm từng bước xây dựng một thương hiệu văn hóa đặc sắc, sáng tạo trên nền tảng các giá trị văn hóa căn cốt của dân tộc; tạo cơ hội kết nối di sản văn hóa tới các địa phương trong cả nước và các nước láng giềng anh em.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kỳ vọng: “Thông qua các hoạt động trong khuôn khổ Festival, Ninh Bình tiếp tục dành ưu tiên cho xây dựng văn hóa, con người, tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị các văn hóa, tôn vinh những giá trị văn hóa Việt Nam nói chung và của “vùng đất cố đô Ninh Bình” nói riêng; đặc biệt, chú trọng các giải pháp để huy động nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tham gia công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng và phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn, Trưởng ban Tổ chức “Festival Ninh Bình 2022 - Tràng An kết nối di sản”, Ninh Bình là một vùng văn hóa độc đáo, có nhiều đóng góp trong bức tranh đa sắc của văn hóa dân tộc Việt Nam. Những năm qua, địa phương đã rất tích cực nghiên cứu, nhận diện, làm rõ và thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, để di sản văn hóa thực sự là nguồn lực và động lực trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. 

“Để tiếp tục đẩy mạnh quảng bá di sản văn hóa Ninh Bình nói riêng, và các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung đến bạn bè trong nước và quốc tế, tỉnh Ninh Bình tổ chức “Festival Ninh Bình 2022 - Tràng An kết nối di sản”, với phương châm các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế có di sản văn hóa tiêu biểu cùng tham gia trên tinh thần kết nối, giao lưu, chia sẻ và quảng bá; tạo mối liên hệ khăng khít, đồng cảm trong việc chung tay giữ gìn, phát huy các giá trị di sản. Thông qua sự kiện, tỉnh Ninh Bình cũng mong muốn đưa sự kiện trở thành hoạt động văn hóa du lịch quy mô lớn, có tính chất thường niên, hướng tới xây dựng một sản phẩm văn hóa, một thương hiệu mới cho văn hóa Ninh Bình”, ông Tống Quang Thìn nói. 


Di sản văn hóa hội tụ trong Festival Ninh Bình 2022.


Tinh hoa Bắc Bộ được tôn vinh tại Festival Ninh Bình.

“Festival Ninh Bình 2022 - Tràng An kết nối di sản” diễn ra trong 3 ngày 17, 18 và 19/11, với sự tham dự của 14 tỉnh, thành phố trên cả nước, bao gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, Bạc Liêu, Cà Mau và Ninh Bình.

Tại đây, các tỉnh, thành phố cùng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn, nhằm tôn vinh, quảng bá tinh hoa di sản văn hóa, thúc đẩy du lịch di sản phát triển. Có thể kể đến lễ hội đường phố “Hành trình theo miền di sản” với 26 đoàn nghệ thuật các tỉnh, thành phố, đoàn hoa hậu du lịch thế giới… tham gia diễu hành; chương trình đại nhạc hội; các hoạt động diễn xướng: Múa rồng, múa lân, biểu diễn cồng chiêng, biểu diễn hoạt cảnh “Cờ lau tập trận”, hát xẩm, nghệ thuật trống nhảy, hát múa Ải Lao, khèn Lào…

Theo hanoimoi.com.vn