Hiệu quả mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình
Rác thải sinh hoạt hàng ngày được bà Nguyễn Thị Huê (người bên phải) ở xã Tây Ninh (Tiền Hải) phân loại ngay khi sử dụng xong.
Trước kia, bà Nguyễn Thị Huê ở thôn Đại Hữu, xã Tây Ninh (Tiền Hải) thường có thói quen thu gom hết các loại rác thải của gia đình vào một chỗ. Đến ngày nhân viên thu rác của thôn làm vệ sinh thì tự họ sẽ gom những chiếc bao bì mà bà đã để sẵn ở đầu cổng để đưa ra bãi tập kết. Tuy nhiên, từ khi gia đình bà được chọn làm thí điểm thực hiện mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình thì thói quen đó đã thay đổi.
Bà Huê chia sẻ: Tham gia mô hình, gia đình tôi được nhận 1 thùng chứa rác vô cơ, 1 thùng chứa rác tái chế, 1 thùng ủ phân hữu cơ cùng 4 gói chế phẩm Fito-Biomix. Nhờ có các thùng chứa rác đã được phân loại nên với lượng rác thải hàng ngày tôi đều xử lý theo đúng hướng dẫn. Tôi thấy đây là mô hình rất thiết thực và hiệu quả vì nó góp phần bảo vệ môi trường. Đặc biệt, với thùng chứa rác hữu cơ, tôi có thể tận dụng các loại rác thải hàng ngày, vừa không mất công phải mang đi chỗ khác đổ như trước lại vừa tận dụng làm phân hữu cơ bón cho ruộng vườn.
Xã Tây Ninh có 150 gia đình được chọn để thí điểm mô hình, qua hiệu quả tích cực mà mô hình mang lại, ông Phạm Đức Nghĩa, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thời gian tới, xã sẽ cân đối nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ các gia đình khác trên địa bàn được tham gia thực hiện mô hình này. Tây Ninh phấn đấu đến đầu năm 2023 có thêm 200 hộ được hỗ trợ vật tư để triển khai mô hình.
Bà Nguyễn Thị Thoa, xã Minh Quang (Vũ Thư) tận dụng rác thải sinh hoạt để làm phân hữu cơ, bón lót cho cây trồng.
Gia đình bà Nguyễn Thị Thoa, thôn La Uyên, xã Minh Quang cũng là một trong những hộ được chọn để thực hiện mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình. Bà Thoa cho biết: Tôi thấy mô hình này rất hữu ích, nó đã thay đổi hoàn toàn thói quen về việc xử lý rác thải không chỉ của tôi mà còn của tất cả những thành viên trong gia đình. Ngày trước, mọi người không có thói quen phân loại rác thải mà lại hay vứt rác bừa bãi, gần đến ngày nhân viên vệ sinh môi trường của thôn làm việc thì mới thu gom lại để xử lý. Tuy nhiên, từ khi mô hình được áp dụng, mọi người đã quen với việc rác thải ra đến đâu là phân loại ngay đến đó. Đặc biệt, với những loại thức ăn thừa thì được ủ ngay nên không khí, môi trường sống xung quanh nhà sạch sẽ hơn rất nhiều. Tôi thấy ít ruồi, muỗi đi hẳn.
Để mô hình đạt hiệu quả tốt, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tiến hành thu thập số liệu, biên soạn tài liệu và tổ chức tập huấn cho 630 hộ dân tại 3 xã. Người dân được cung cấp một số thông tin cơ bản về các vấn đề liên quan đến môi trường nông thôn; nghĩa vụ, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường; được hướng dẫn thu gom, phân loại rác thải tại nguồn và hướng dẫn kỹ thuật ủ phân vi sinh có sử dụng chế phẩm sinh học theo quy mô hộ gia đình. Ngoài ra, các hộ dân còn được hướng dẫn kỹ thuật ủ phân vi sinh tại gia đình và tại vườn, ruộng. Kiến thức tập huấn được trang bị cho 100% hộ dân tham gia và các thôn trưởng, tổ tự quản tại các xã, bảo đảm cho quá trình nhân rộng mô hình khi có điều kiện. Để mô hình được thành công, đều đặn mỗi tháng cán bộ kỹ thuật của Liên hiệp Hội về các thôn kiểm tra và hướng dẫn người dân xử lý kỹ thuật. Cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương nên hiệu quả mô hình đạt được rất tốt.
Ông Nguyễn Ngọc Dư, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho biết: Tham gia mô hình, ý thức về phân loại rác tại nguồn của các hộ dân đã được nâng cao, giúp cho việc gìn giữ vệ sinh môi trường trong cộng đồng dân cư đạt hiệu quả. Việc ủ rác thải hữu cơ thành phân vi sinh không chỉ biến rác thành một loại tài nguyên giúp người dân tiết kiệm tiền mua phân bón cho cây trồng mà còn góp phần cải tạo đất một cách tự nhiên và bền vững. Tại các gia đình tham gia mô hình, lượng rác thải ra môi trường đã giảm trên 60%, tỷ lệ này tăng dần qua các tháng. Lượng rác thu gom hàng tháng của thôn, xã có hộ dân tham gia mô hình cũng giảm trên 45%. Các thôn, xã tiết kiệm được chi phí xử lý rác thải sinh hoạt, góp phần hoàn thành tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Đỗ Hồng Anh
Tin cùng chuyên mục
- Người dân chung tay để thành phố thêm đẹp 11.04.2023 | 15:12 PM
- Cần giải pháp xử lý triệt để rác thải sinh hoạt 11.04.2023 | 08:36 AM
- Vì một thành phố sáng, xanh, sạch, đẹp 06.04.2023 | 08:26 AM
- Thành phố: Đầu tư cho “lá phổi xanh” 28.03.2023 | 09:26 AM
- Tắt đèn hưởng ứng chiến dịch “Giờ Trái đất" từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút, ngày 25/3 24.03.2023 | 16:00 PM
- Lãnh đạo các nước cam kết ủng hộ nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học 21.09.2022 | 21:48 PM
- Nâng cao kỹ năng xử lý rác 15.09.2022 | 18:08 PM
- Kiến Xương: Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường 28.07.2022 | 17:56 PM
- Kiểm tra việc khai thác cát tại khu vực vùng biển xã Thụy Trường 16.07.2022 | 22:30 PM
- Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hưng Hà: Ra mắt mô hình phân loại, xử lý rác thải tại gia đình 15.01.2022 | 20:01 PM
Xem tin theo ngày
-
Ban hành bảng giá đất hằng năm để bảo đảm giá đất phù hợp nguyên tắc thị trường
- Tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước
- Quốc hội nhất trí giám sát tối cao kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở xã hội trong năm 2024
- Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa XV
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án phát triển đô thị ven sông Trà Lý
- Họp Thường trực HĐND tỉnh
- Kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng trưởng
- Tiếp tục tái cơ cấu thị trường vận tải theo hướng tăng thị phần đường thủy, đường sắt
- Công ty TNHH Compal Electronics Việt Nam chính thức ký kết hợp tác đầu tư vào KCN Liên Hà Thái
- Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn