Thứ 5, 16/01/2025, 13:01[GMT+7]

Nhiều vấn đề được đại biểu quan tâm trao đổi tại phiên thảo luận tổ trước kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh

Thứ 4, 07/12/2022 | 17:10:20
8,418 lượt xem

Đại biểu HĐND tỉnh tổ Thành phố thảo luận tại tổ.

Video: 071222-TH%E1%BA%A2O_LU%E1%BA%ACN_T%E1%BB%94_V%C3%80_%C3%9D_KI%E1%BA%BEN_%C4%90%E1%BA%A0I_BI%E1%BB%82U.mp4?_t=1670417760

Nhằm đóng góp ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh và các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, chiều ngày 7/12, HĐND tỉnh chia 8 tổ thảo luận trước kỳ họp. Dự thảo luận tổ có các đồng chí: Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII.

Đại biểu HĐND tỉnh tổ Vũ Thư thảo luận tại tổ.

 Đại biểu HĐND tỉnh tổ Hưng Hà thảo luận tại tổ. 

Đại biểu HĐND tỉnh tổ Quỳnh Phụ thảo luận tại tổ.

Đại biểu HĐND tỉnh tổ Tiền Hải thảo luận tại tổ.

Đại biểu HĐND tỉnh tổ Kiến Xương thảo luận tại tổ. 

Đại biểu HĐND tỉnh tổ Thái Thụy thảo luận tại tổ.

Đại biểu HĐND tỉnh tổ Đông Hưng thảo luận tại tổ.  

Các đại biểu đã tham gia góp ý kiến bổ sung thêm những nội dung còn thiếu hoặc chưa được làm rõ trong báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2022; mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu năm 2023, đặc biệt là phần đánh giá về những tồn tại, hạn chế trong công tác chỉ đạo điều hành. Trên cơ sở đó điều chỉnh, bổ sung thêm các nhóm giải pháp và phương hướng chủ yếu để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và các năm tiếp theo. Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian thảo luận và đánh giá công tác điều hành ngân sách năm 2022, nhiệm vụ năm 2023; giải pháp về đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực; hoạt động khuyến công, khuyến thương; công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; công tác quản lý xăng dầu trên địa bàn tỉnh hiện nay. Lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, vấn đề về giá đất đền bù khi thu hồi giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án; kiểm soát hoạt động xả thải chưa qua xử lý của các nhà máy, trang trại gây ô nhiễm môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm; công tác công tác phòng, chống dịch bệnh, đấu thầu, cung cấp vật tư y tế, thuốc cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cũng được đại biểu quan tâm thảo luận.

Các đại biểu đã tập trung phân tích về việc thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cấp sở, ngành, huyện, thành phố; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình, cá nhân; công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giải tỏa, chống lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường và hành lang giao thông trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Về lĩnh vực văn hóa - xã hội, đại biểu nêu ý kiến về việc bảo đảm chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư, công tác bố trí cán bộ, việc luân chuyển điều động chức danh công chức xã cho hợp lý. 

Đại biểu Nguyễn Văn Giang, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, tổ Hưng Hà

Các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, UBND thảo luận kỹ lưỡng trên cơ sở đánh giá đúng, thực chất những kết quả đạt được trong năm 2022, dự báo bối cảnh tình hình và những dư địa mà Thái Bình còn có thể khai thác để tạo sự bứt phá. Năm 2023 dự báo tiếp tục sẽ là năm có rất nhiều khó khăn, vì vậy theo tôi muốn thực hiện các mục tiêu đề ra, cùng với thực hiện tốt các giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, các ngành, địa phương cần phải vào cuộc quyết liệt tháo gỡ ngay những vướng mắc, tồn tại, điểm nghẽn đã chỉ ra; đặc biệt là trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Rà soát, đánh giá lại một số nghị quyết, các cơ chế, chính sách đã ban hành xem  có còn phù hợp không nếu chưa hiệu quả tiến hành điều chỉnh kịp thời. Mỗi cán bộ, công chức, người đứng đầu các sở, ngành và địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới tư duy, đổi mới cách nghĩ, cách làm, tập trung cao cho các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, tất cả hướng đến mục tiêu chung là sự phát triển của tỉnh.

Đại biểu Vũ Xuân Hùng, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Quỳnh Phụ, tổ Quỳnh Phụ

Hiện nay một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, tích tục ruộng đất của tỉnh chưa phù hợp với tình hình thực tế, chưa đáp ứng được sự mong mỏi và kỳ vọng của người dân. Một số chính sách thay vì hỗ trợ đơn lẻ nên tập trung kinh phí hỗ trợ hạ tầng các vùng sản xuất quy mô lớn, xây dựng các công trình thủy lợi, giao thông phục vụ tưới tiêu, sản xuất tốt hơn; hỗ trợ các hộ đi tiên phong trong tích tụ ruộng đất với quy mô vừa và nhỏ. Cùng với đó sự phối hợp giữa các sở, ngành với các huyện, thành phố trong thực hiện nhiệm vụ còn nhiều bất cập, một số cán bộ chưa tích cực hỗ trợ cơ sở giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Chính điều này là “rào cản” lớn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị tại các địa phương. Đề nghị tỉnh tiếp tục có giải pháp quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành quán triệt đội ngũ cán bộ, công chức nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ. Cùng với đó, cử tri cũng kiến nghị sớm có giải pháp giải quyết tình trạng gây ô nhiễm môi trường của một số cơ sở chăn nuôi sát khu dân cư, đặc biệt là việc xả khí thải gây ô nhiễm môi trường của Công ty Công ty TNHH Thép đặc biệt Shengli Việt Nam, tạo tiền đề thu hút nhiều nhà đầu tư vào khu công nghiệp Cầu Nghìn.

Đại biểu Bùi Văn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu, tổ Tiền Hải

Năm 2023, Thái Bình đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 11% trở lên là phù hợp. Bởi trong điều kiện nhiều khó khăn song với hạ tầng chúng ta đã tạo dựng, với tiềm năng và nỗ lực thu hút đầu tư cùng với các giải pháp UBND tỉnh đặt ra tôi tin tưởng kinh tế của tỉnh sẽ phát triển mạnh. Việc tăng trưởng của tỉnh đã xác định rõ vào 2 nhóm đó là tập trung khai thác những cơ sở đã đầu tư và thứ hai là thu hút đầu tư mới. Hiện nay, Khu kinh tế Thái Bình đang được đầu tư hạ tầng, khu công nghiệp Liên Hà Thái đã tiếp nhận nhiều nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực. Vừa qua, các đoàn xúc tiến đầu tư của tỉnh Thái Bình đã mời gọi các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Đài Loan… và qua tiếp xúc đối thoại, các doanh nghiệp đều rất quan tâm đến Thái Bình, chắc chắn họ sẽ đến với tỉnh ta trong tương lai gần. Vì vậy, cùng với đầu tư hạ tầng, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ thực chất những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để tạo sự đột phá trong thu hút đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Dư, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh, tổ thành phố

Tôi cơ bản nhất trí với báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của UBND tỉnh. Tuy nhiên, cần làm rõ thêm hạn chế liên quan đến lĩnh vực dịch vụ du lịch. Bởi báo cáo nêu tổng lượng khách du lịch đến Thái Bình năm 2022 ước đạt 705.567 lượt người, tăng 140% (chủ yếu khách nội địa), doanh thu ước đạt 423 tỷ đồng, tăng đáng kể so với năm trước song so với mục tiêu trong Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh đến năm 2025 thì chưa đạt 50% chỉ tiêu năm 2020. Cũng cần bổ sung nguyên nhân về nguồn lực tài chính và nhân lực cho lĩnh vực này còn hạn chế. Theo tôi muốn phát triển du lịch thành ngành kinh tế có đóng góp đáng kể trong GRDP của tỉnh cần có những giải pháp chỉ đạo kịp thời, mạnh mẽ hơn. Trong đó, tập trung phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phát triển du lịch sinh thái bền vững; hoàn thiện kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Thái Bình; duy trì, phát triển nâng cao chất lượng Cổng du lịch thông minh và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động tỉnh Thái Bình; tăng cường quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch trên không gian mạng.

Đại biểu Đào Đức Hưng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng, tổ Vũ Thư

Tôi và cử tri đánh giá cao cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy lĩnh vực thương mại, xúc tiến đầu tư. Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức thành công hội nghị kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu của tỉnh năm 2022 với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng và kết nối trực tuyến với 19 điểm cầu các tỉnh thành trong nước, 4 điểm cầu quốc tế. Đồng thời tổ chức các đoàn công tác của tỉnh đi xúc tiến đầu tư tại một số nước trên thế giới. Các đối tác nước ngoài đánh giá cao tiềm năng của tỉnh, có nhiều cơ hội hợp tác sẽ được mở ra cho doanh nghiệp của tỉnh với doanh nghiệp quốc tế. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại cũng như hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, nhất là đầu tư từ nước ngoài vào tỉnh. Tuy nhiên, việc siết chặt tín dụng của các ngân hàng vừa qua đã làm ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh cuối năm của các doanh nghiệp. Vì vậy, tôi đề nghị tỉnh có giải pháp tháo gỡ khó khăn, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư vào tỉnh.

Mạnh Cường - Thu Hiền

Thu Hiền

Ảnh: Thành Tâm