Chủ nhật, 24/11/2024, 08:50[GMT+7]

Nâng cao thu nhập từ sản xuất vụ đông

Thứ 7, 17/12/2022 | 08:29:30
1,999 lượt xem
Vụ đông năm 2022 diễn ra trong điều kiện hết sức khó khăn: Thời tiết đầu vụ diễn biến phức tạp, giá vật tư đầu vào tăng cao. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp linh hoạt, diện tích gieo trồng vẫn đạt và vượt kế hoạch.

Nông dân xã An Ninh (Quỳnh Phụ) thu hoạch ớt vụ đông.

Do yếu tố thời tiết, khí hậu, vụ đông là vụ sản xuất khó khăn nhất trong năm. Đặc biệt, ở vụ đông năm nay thời tiết diễn biến phức tạp. Đợt mưa lớn cuối tháng 9, đầu tháng 10 kéo dài nửa tháng với lượng mưa lên đến hàng trăm mi-li-mét đúng vào thời kỳ gieo trồng cây màu ưa ấm đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất. Những nơi ruộng trũng, ngập nước, bà con không thể làm đất, gieo trồng được; nơi đất cao ráo hơn, nông dân xuống giống được thì sau cây trồng cũng bị thối hỏng, sinh trưởng, phát triển kém.

Không chỉ đối mặt với những bất lợi về thời tiết, vụ đông năm nay còn gặp vấn đề nan giải về quỹ đất dành cho sản xuất. Nguyên nhân do vụ lúa xuân thu hoạch muộn hơn so với cùng kỳ nhiều năm từ 10 - 15 ngày dẫn đến thời vụ vụ mùa bị đẩy lùi, khó khăn cho việc giải phóng quỹ đất gieo trồng cây vụ đông ưa ấm. Ngoài ra, khâu bảo quản, chế biến sản phẩm vụ đông còn nhiều bất cập, thị trường đầu ra còn khó khăn, phổ biến tình trạng được mùa mất giá. Giá các loại vật tư đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao. Các đối tượng dịch hại diễn biến phức tạp, đặc biệt là chuột... cũng là những thách thức chung trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Tuy nhiên, những khó khăn trên cũng được xem như phép thử để sàng lọc, loại bỏ những mô hình sản xuất theo phong trào, hình thức, đưa vụ đông phát triển theo hướng thực chất, hiệu quả, bền vững với sự liên doanh, liên kết của nông dân - HTX - doanh nghiệp. Về các địa phương nơi vụ đông “trụ vững”, các loại rau củ vụ đông như cải bắp, su hào, cà chua, khoai tây, hành, mùi… đang độ sinh trưởng, phát triển mạnh. Và để đón một mùa vụ bội thu, những người nông dân chăm chỉ đang miệt mài sớm tối ra đồng chăm sóc hoa màu.

Ông Mai Đức Nhường, Giám đốc HTX SXKD DVNN Thụy An, xã An Tân (Thái Thụy) cho biết: Vụ đông năm nay, thành viên HTX SXKD DVNN Thụy An gieo trồng trên 240ha cây màu các loại, trong đó chủ lực là hành, tỏi, dưa chuột xuất khẩu. Mặc dù thời vụ gieo trồng hành tỏi bị đẩy lùi từ 7 - 10 ngày so với cùng kỳ mọi năm do khó khăn về thời tiết nhưng với truyền thống sản xuất cũng như giá trị vụ đông mang lại, chúng tôi vẫn đạt chỉ tiêu về diện tích.

Đối với xã An Ninh (Quỳnh Phụ), toàn xã gieo trồng được trên 150ha vụ đông, vượt kế hoạch đề ra. Theo bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc HTX DVNN xã, trong bối cảnh thiếu lao động, chi phí sản xuất tăng cao như hiện nay, để có kết quả này là điều không đơn giản. Thứ nhất, phải bảo đảm cho nông dân có lãi; thứ hai, cán bộ HTX phải đứng ra làm trước để nêu gương. Bản thân bà Mai cũng mượn 2ha ruộng của người dân không có nhu cầu sản xuất để trồng khoai tây, liên kết với hộ nông dân trồng gần 2ha hành. “Ngoài ra, việc xây dựng kế hoạch sản xuất cũng phải được thực hiện một cách bài bản, linh hoạt và sáng tạo. Điều quan trọng nữa là phải tìm ra phương thức canh tác phù hợp để nông dân làm ruộng một cách nhàn nhất, đưa máy làm đất, máy lên luống vào. HTX đứng ra chịu trách nhiệm và ký kết hợp đồng diệt chuột với công ty để nông dân yên tâm sản xuất” - Giám đốc HTX DVNN xã An Ninh chia sẻ. 

Bà Đào Thị Thu, nông dân thôn An Ninh, xã An Ninh cho biết: Tùy thuộc vào thời tiết, giá cả mỗi vụ khác nhau nhưng một sào ớt tối thiểu chúng tôi cũng thu được khoảng 2 triệu đồng. Năm nào được giá lên tới 5, 6 triệu đồng. HTX cũng quan tâm khâu tưới, tiêu, bảo vệ đồng ruộng nên năm nào chúng tôi cũng duy trì sản xuất tăng thu nhập.

Trong những năm qua, sản xuất vụ đông luôn được ngành nông nghiệp, cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người sản xuất. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất sớm, sát đúng với tình hình thực tế xây dựng và tổ chức thực hiện bằng các giải pháp cụ thể, chủ động trong chỉ đạo sản xuất. Các địa phương cũng tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn; có các cơ chế mang tính kích cầu; rà soát, đánh giá nhu cầu thị trường, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xác định các sản phẩm trồng trọt có lợi thế trên địa bàn để định hướng phát triển sản xuất hợp lý theo nhu cầu thị trường nhằm hạn chế tình trạng dư thừa nông sản, gây khó khăn cho người sản xuất.

Rau vụ đông được mùa, được giá tạo động lực để nông dân phát triển sản xuất.

Vụ đông năm 2022, toàn tỉnh gieo trồng khoảng 37.000ha với những loại cây chủ lực như ngô, khoai tây, khoai lang, ớt, rau đậu các loại... Tổng giá trị sản xuất vụ đông phấn đấu đạt từ 2.800 tỷ đồng trở lên, bình quân đạt 75 triệu đồng/ha gieo trồng. Hiện những cánh đồng rau củ xanh mướt, tươi tốt đang cho thu hoạch rộ. Được mùa, được giá, các loại rau màu vụ đông đang hứa hẹn góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày