Thứ 6, 22/11/2024, 18:41[GMT+7]

Chống rét cho vật nuôi

Thứ 2, 19/12/2022 | 21:07:07
5,032 lượt xem
Thời điểm này, hoạt động chăn nuôi đang diễn ra sôi động, đàn gia súc, gia cầm ở mức cao do tăng đàn chuẩn bị xuất bán dịp tết. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm dễ xảy ra nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm, đồng thời nhiệt độ thời tiết giảm sẽ ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi, việc hấp thụ thức ăn cũng bị ảnh hưởng, là cơ hội cho các loại vi rút, vi khuẩn xâm nhập.

Người chăn nuôi xã Vũ Đoài (Vũ Thư) chăm sóc đàn gà chuẩn bị xuất bán dịp tết.

Ông Lê Văn Chiến, hộ chăn nuôi lợn thôn Lại Xá, xã Minh Lãng (Vũ Thư) cho biết: Gia đình tôi hiện nuôi 30 con lợn nái và khoảng 500 con lợn thịt. Ngay từ đầu mùa rét, tôi đã chủ động sửa lại chuồng trại chăn nuôi, thay hệ thống bạt mới để che chắn chuồng được kín đáo, nhất là khu chuồng có lợn nái mang thai, lợn nái mới sinh. Trong chuồng sử dụng thông gió tự nhiên, có hệ thống bóng đèn sưởi để sử dụng khi cần, nhất là những thời điểm như đêm, sáng sớm hoặc khi trời rét đậm, rét hại để đàn lợn không bị lạnh do chênh lệch nhiệt độ.

Ngoài điều kiện chăn nuôi, việc bảo đảm thức ăn và dinh dưỡng phù hợp là yếu tố quan trọng để nâng sức đề kháng, bảo đảm sức tăng trưởng cho từng đối tượng vật nuôi. Mặc dù hiện nay, hầu hết các trang trại, gia trại chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp có sự hỗ trợ về nguồn thức ăn công nghiệp, song đối với một số vật nuôi, nguồn thức ăn tự nhiên thô, xanh đóng vai trò không thể thiếu.

Ông Hoàng Cao Cường, hộ chăn nuôi bò thịt tại xã Đoan Hùng (Hưng Hà) cho biết: Đặc tính của bò là bữa ăn hàng ngày đều phải có thức ăn thô, xanh nên cùng với các loại thức ăn tinh bột giàu dinh dưỡng như cám công nghiệp, cám ngô, cám gạo, gia đình tôi đã chuẩn bị một kho chứa rơm khô, đồng thời duy trì diện tích trồng cỏ để có thể bổ sung cỏ tươi cho bò khi cần thiết, không để bò bị thiếu đói thức ăn thô, xanh, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.

Các hộ chăn nuôi gia cầm cũng đang chủ động các giải pháp chống rét cho đàn vật nuôi. Sở hữu 5.000 con gà thịt trọng lượng khoảng 2kg/con chuẩn bị xuất bán dịp tết, ông Bùi Văn Thịnh, xã Quỳnh Hoàng (Quỳnh Phụ) trang bị bóng điện để sưởi ấm, tăng cường thức ăn, bổ sung các loại vitamin, điện giải... để tăng sức đề kháng cho gà. Ông Thịnh cho biết: Để tránh các loại dịch bệnh xâm nhập, ảnh hưởng đến đàn vật nuôi, đều đặn mỗi ngày tôi vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Những ngày nhiệt độ xuống thấp, tôi thắp bóng điện để sưởi ấm và theo dõi sát sao tình hình sức khỏe của vật nuôi để có biện pháp tăng cường sức đề kháng qua thức ăn, nước uống.

Hiện toàn tỉnh có tổng đàn lợn gần 600.000 con, bò khoảng 51.500 con, trâu 7.100 con, gia cầm 14,5 triệu con. Để chống rét cho vật nuôi, ngành chuyên môn khuyến cáo người dân cần chủ động gia cố, che chắn chuồng trại đủ ấm, luôn khô ráo, sạch sẽ. Cần dự trữ chất đốt để sưởi ấm cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại. Đối với chăm sóc, nuôi dưỡng, cần cho vật nuôi ăn đủ no, bảo đảm dinh dưỡng; bổ sung các loại vitamin, Bcomplex... để vật nuôi tăng sức đề kháng, phòng, chống dịch bệnh tốt hơn. Lưu ý, những ngày nhiệt độ dưới 15oC hạn chế chăn thả gia súc. Ngành chuyên môn cũng khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện tốt vệ sinh, khử trùng, tiêu độc; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho gia súc, gia cầm theo đúng lịch phòng bệnh để tăng khả năng miễn dịch cho vật nuôi. Thường xuyên giám sát và thực hiện quy định về khai báo dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm như: bệnh dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc... là những bệnh có nguy cơ phát sinh trong điều kiện thời tiết rét, ẩm. Khi gia súc, gia cầm có biểu hiện ốm, chết nghi mắc dịch bệnh nguy hiểm phải báo ngay cho chính quyền cơ sở và cán bộ thú y để có biện pháp xử lý kịp thời.

Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân cần chủ động gia cố, che chắn chuồng trại đủ ấm, luôn khô ráo, sạch sẽ. 

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày