Thứ 5, 16/01/2025, 17:55[GMT+7]

Thúc đẩy thực hiện Đề án 06, chuyển đổi số mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa

Chủ nhật, 25/12/2022 | 15:28:40
7,620 lượt xem
Sáng ngày 25/12, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 1 năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) và tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 với các điểm cầu trên cả nước. Đồng chủ trì hội nghị có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an; Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số.

Các đồng chí: Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Bình.

Video: 251222_-_TRUC_TUYEN_CHUYEN_DOI_SO_-_WEB.mp4?_t=1671977495

Dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình có các đồng chí: Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 của tỉnh; Trần Văn Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh, Tổ phó Tổ công tác Đề án 06 của tỉnh; Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ phó Tổ công tác Đề án 06 của tỉnh; các thành viên Tổ công tác Đề án số 06 của tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Thái Bình.  

Triển khai Đề án 06, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao 225 nhiệm vụ, năm 2022 có 59 nhiệm vụ các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành; 166 nhiệm vụ đang triển khai. Đối với hoạt động của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ đã giao 56 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, đến nay, 45 nhiệm vụ đã cơ bản hoàn thành, còn 11 nhiệm vụ đang triển khai, 9/12 chỉ tiêu đã hoàn thành. Với ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đến nay đã xác thực, đồng bộ dữ liệu dân cư với trên 68 triệu dữ liệu về bảo hiểm xã hội; 26 triệu dữ liệu giáo viên, học sinh; 28 triệu dữ liệu thuế, đã giúp người dân không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh, thay đổi thông tin cá nhân, mà được các hệ thống tự động điều chỉnh. Việc tích hợp và khám chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân thay thẻ bảo hiểm y tế tại các bệnh viên đã giúp người bệnh giảm giấy tờ tùy thân... Đối với hạ tầng số, tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 79,95 Mbps, tăng 29,6% so cùng kỳ năm 2021, xếp thứ 45 và cao hơn mặt bằng chung của thế giới là 71,39 Mbps. Tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 39,48 Mbps, tăng 11,1% so cùng kỳ năm 2021, xếp thứ 52 và cao hơn so với mặt bằng chung của thế giới là 33,17 Mbps. Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp các bộ, ngành chỉ đạo phát triển, đánh giá và công bố 50 nền tảng số; 43/63 địa phương đã công bố lựa chọn nền tảng số triển khai năm 2022 lồng ghép trong kế hoạch chuyển đổi số; 11/63 địa phương đã công bố lựa chọn nền tảng số triển khai năm 2022 bằng một văn bản riêng của UBND tỉnh, thành phố. Nhân lực cho chuyển đổi số cũng được quan tâm đầu tư hiệu quả.

Các báo cáo, tham luận, phát biểu tại hội nghị đã nêu rõ những kết quả cụ thể, đáng ghi nhận trong chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 năm 2022. Đồng thời, nhận diện những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; qua đó đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và công dân số thời gian tới.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng, giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý điều hành. Đảng, Nhà nước rất coi trọng và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Năm 2023 tiếp tục là năm có nhiều khó khăn, thách thức cần phải thúc đẩy triển khai Đề án 06 và chuyển đổi số mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa, vì vậy các cấp, các ngành, các địa phương bên cạnh việc tập trung hoàn thành dứt điểm, sớm nhất những nhiệm vụ còn chậm tiến độ của năm 2022 phải đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện chuyển đổi số. Tiếp tục hoàn thiện thể chế tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho triển khai Đề án 06 và chuyển đổi số. Nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến; triển khai số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, cập nhật vào kho dữ liệu thủ tục hành chính. Đẩy mạnh phát triển công dân số, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết nối dùng chung, đặc biệt là xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia. Khẩn trương khắc phục hạn chế, lỗ hỏng bảo mật, lộ, lọt thông tin. Làm tốt công tác đào tạo, tuyển dụng nhân lực cho chuyển đổi số. Các bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch thực hiện chuyển đổi số sát thực tiễn, gắn kết với các nguồn lực để thực hiện; trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình chủ động triển khai Đề án 06, chuyển đổi số mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa.

Thu Hiền

Ảnh: Thành Tâm