Thứ 5, 10/10/2024, 20:46[GMT+7]

Thông điệp mùa xuân về

Thứ 3, 03/01/2023 | 08:39:07
10,068 lượt xem
Hòa chung vào tiến trình phát triển của đất nước, Thái Bình đang tiếp tục chặng đường mới vững bước đi lên, phát huy tinh thần đoàn kết, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phấn đấu xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Thành phố Thái Bình rực rỡ đón chào năm mới.

Cùng chung khát vọng của đất nước theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, qua nửa nhiệm kỳ đại hội đảng, Thái Bình đã tạo được những điểm nhấn với những bước đi đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2045 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Thái Bình đã có những quyết đáp tích cực tạo đột phá mở ra hướng phát triển toàn diện và bền vững. Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tranh thủ thời cơ thuận lợi, kinh tế của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng khá trong nhiều năm liền; sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện, chuyển dịch tích cực trong cơ cấu các ngành. Xây dựng nông thôn mới được thực hiện đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh. Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Thành công trong các lĩnh vực thời gian qua ở Thái Bình khẳng định niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào chủ trương, hướng đi của tỉnh, sự lãnh đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền. Đó cũng chính là điểm tựa tạo quyết tâm, động lực đối với các tổ chức chính trị - xã hội, người dân và doanh nghiệp nhằm đưa Thái Bình theo kịp sự phát triển của các tỉnh, thành phố lân cận và của cả khu vực đồng bằng sông Hồng.

Thực hiện khát vọng to lớn của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình, tỉnh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ cấu nền kinh tế và các ngành sản xuất gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hiệu quả gắn với yêu cầu của thị trường. Việc cơ cấu lại các ngành công nghiệp theo hướng phát triển các ngành có hàm lượng kỹ thuật, khoa học - công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, ít gây ô nhiễm môi trường; tập trung phát triển du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển du lịch sinh thái bền vững. Nông nghiệp của tỉnh theo hướng khai thác lợi thế của từng địa phương để tạo ra sản phẩm, gia tăng sản lượng và tốc độ tăng trưởng, tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt, giá thành rẻ, đáp ứng nhu cầu thị trường. Trên cơ sở đó, các địa phương trong tỉnh sẽ đẩy mạnh các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với từng loại hình, trong đó kết hợp triển khai chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP). Đồng thời, chú trọng phát triển các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng kết hợp chuỗi giá trị nông sản với du lịch và ngành công nghiệp chế biến; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao phạm vi rộng và theo từng khâu, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên cơ sở tích tụ và tập trung đất đai, hình thành quỹ đất sạch để thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư. Tiếp tục quan tâm phát triển kinh tế nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, khôi phục ngành nghề thủ công truyền thống, triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Định hướng phát triển công nghiệp của Thái Bình là tính đến chiều sâu, chất lượng và sử dụng công nghệ hiện đại, ít ô nhiễm môi trường; chú trọng khai thác các lợi thế của tỉnh, trong đó chú trọng lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao. Tạo lập một nền tảng vững chắc dựa trên sự liên kết chuỗi giữa các ngành trong tỉnh và mô hình doanh nghiệp lớn đầu tàu có tính lan tỏa.

Tỉnh tiếp tục quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, chú trọng tạo lập môi trường thể chế công khai, minh bạch và thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, kêu gọi một số nhà đầu tư có tiềm lực trong và ngoài nước nhằm hình thành mô hình doanh nghiệp lớn đầu tàu, có tính lan tỏa, làm bệ phóng cho sự phát triển bền vững, đồng thời định hướng và tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp tư nhân, xây dựng một số mạng lưới doanh nghiệp liên kết đa ngành theo chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hóa thuận lợi nội tỉnh và với bên ngoài, có khả năng kết nối cao với vùng và cả nước.

Thực hiện mục tiêu xây dựng Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh và khu vực, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế và hạ tầng kết nối các khu công nghiệp, bảo đảm hạ tầng đi trước để tạo sức hấp dẫn cho việc kêu gọi đầu tư. Đẩy mạnh quảng bá các tiêu chí ưu tiên, chọn lọc các dự án đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, ít gây ô nhiễm môi trường và phục vụ xuất khẩu.

Tích cực tham gia cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư và phát triển, xây dựng nét đẹp văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân Thái Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, kịp thời phản ánh, kiến nghị và đề xuất nhiều giải pháp giúp UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương giải quyết, tháo gỡ. Nét đẹp văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp Thái Bình với 3 đặc trưng tiêu biểu, đó là bản lĩnh, trách nhiệm, nghĩa tình. Giữ gìn và bảo vệ hình ảnh, uy tín của Việt Nam, của Thái Bình trên thị trường; kinh doanh hiệu quả gắn với chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp quyết tâm duy trì sản xuất tạo việc làm, thu nhập, ổn định cuộc sống cho hàng vạn người lao động, tiêu biểu phải kể đến Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao Chi nhánh Thái Bình (Công ty Tân Đệ), Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen, Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng, Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, Công ty Cổ phần Sợi Trà Lý, Công ty Cổ phần Hải sản Thái Bình, Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu. Có doanh nghiệp như DragonGroup là hiện thân của văn hóa kỷ luật, quyết liệt trong hành động, thích ứng nhanh, đề cao tốc độ, sự chi tiết, ham học hỏi, tận tâm và nỗ lực không ngừng... Hướng đi của Thái Bình là tiếp tục thu hút đầu tư với quy mô lớn, “doanh nghiệp văn hóa”, hướng tới các doanh nghiệp tầm cỡ tham gia vào sản xuất nông nghiệp, tăng cường cơ giới hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển bền vững.

Một giải pháp bền vững của Thái Bình là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, giáo dục, nhất là phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương. Hướng đến chăm lo xây dựng con người phát triển toàn diện, phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nuôi dưỡng và nhân lên tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, sống có trách nhiệm và làm việc hiệu quả, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục, lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Nâng cao khả năng tự vệ của mỗi người dân trước sự xâm nhập của các văn hóa phẩm độc hại, mặt trái của mạng xã hội; ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tệ nạn xã hội trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Một mùa xuân mới đang về với muôn ngàn sắc hoa hòa cùng thanh âm muôn tiếng máy, giữa những làng quê nông thôn mới nâng cao, giữa những cánh đồng bát ngát màu xanh đang tỏa hương cho trái ngọt, giữa những con đường thơm nồng mùi nhựa mới đang cõng trên mình nặng trĩu cá tôm từ biển, báo hiệu Khu kinh tế của Thái Bình đầy khởi sắc. Phát huy kết quả đạt được, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, Thái Bình tiếp tục gắn việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành, từng cán bộ, công chức mà đồng chí Nguyễn Khắc Thận - Chủ tịch UBND tỉnh đã lan tỏa trước mùa xuân mới đó là “Trách nhiệm, kỷ cương, tăng cường cải cách, tận dụng cơ hội, bứt phá đi lên”. Sức xuân dồi dào và mạnh mẽ khơi dậy ý chí tự lực, tự cường cùng niềm khát vọng cháy bỏng đổi mới, chúng ta tin rằng mảnh đất và con người Thái Bình sẽ tiếp bước cùng cả nước trên đường đổi mới.

Dương Văn Lễ
(Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)