Thứ 7, 18/05/2024, 18:55[GMT+7]

Ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất cho vay

Thứ 7, 25/02/2023 | 19:45:57
1,200 lượt xem
Gần đây, một số ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, kích thích tăng trưởng tín dụng đầu năm. Cụ thể, Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) giảm 1%/năm lãi suất cho khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.

Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) giảm 1%/năm lãi suất cho vay đối với tất cả khách hàng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm 0,5%/năm lãi suất đối với tất cả các khoản vay của khách hàng cá nhân, doanh nghiệp có dư nợ hiện hữu và dư nợ phát sinh mới tại Vietcombank…

Theo đại diện các doanh nghiệp, việc giảm lãi suất là một động thái quan trọng giúp thị trường vốn lưu thông hơn, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp được tiếp cận dòng vốn rẻ hơn để tăng sự cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cho vay chưa thực sự diễn ra trên diện rộng, mới chỉ xuất hiện ở một số ngân hàng với từng sản phẩm được thiết kế riêng dành cho một số ngành, doanh nghiệp hay hoạt động kinh doanh cụ thể và phần lớn là kỳ hạn ngắn.

Đối với các khoản vay kỳ hạn dài hơn, doanh nghiệp vẫn phải trả lãi suất cao như kỳ hạn 6 tháng sẽ ở mức 10-10,5%/ năm, trên 12 tháng sẽ ở mức 11-12%/ năm. Trong khi đó, doanh nghiệp kỳ vọng mức lãi suất khoảng 9%/năm với thời hạn 6-12 tháng để ổn định sản xuất, kinh doanh. Nếu vay ngắn hạn để phục vụ cho kế hoạch dài hạn, doanh nghiệp phải tính toán kỹ, bởi khi vay nhiều, doanh nghiệp có thể phải chịu lãi suất khi đáo hạn nợ.

Các chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp mạnh hơn nữa để tất cả các ngân hàng thương mại giảm đồng loạt lãi suất cho vay phù hợp với nhu cầu thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và ổn định sản xuất, kinh doanh.

Theo hanoimoi.com.vn