Thứ 2, 06/05/2024, 18:44[GMT+7]

Chủ động chăm sóc lúa xuân

Thứ 3, 14/03/2023 | 08:51:47
2,549 lượt xem
Thời tiết vụ xuân năm nay được nhận định diễn biến phức tạp hơn mọi năm đã tác động trực tiếp tới sản xuất lúa xuân. Để sản xuất vụ xuân giành thắng lợi, ngành nông nghiệp đang cùng các địa phương tích cực theo dõi, hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc lúa đúng kỹ thuật.

Nông dân huyện Đông Hưng dặm tỉa bảo đảm mật độ lúa xuân.

Nhìn chung, vụ xuân năm nay, nông dân trong tỉnh cơ bản tuân thủ đúng lịch thời vụ, gieo cấy khá tập trung. Đến ngày 25/2, toàn tỉnh cơ bản đã gieo cấy xong lúa xuân với diện tích 75.019ha, trong đó diện tích cấy bằng máy đạt 18.507ha, tập trung ở các huyện: Đông Hưng, Kiến Xương, Quỳnh Phụ, Tiền Hải. Lúa xuân sớm tập trung ở hai huyện Đông Hưng, Hưng Hà đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ, nông dân đã tiến hành các biện pháp chăm sóc, tỉa dặm bảo đảm mật độ. Lúa xuân đại trà và xuân muộn đang trong giai đoạn đẻ nhánh.

Ông Trần Quốc Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Vụ xuân năm 2023, thời tiết có những diễn biến phức tạp. Từ cuối tháng 12/2022 đến tháng 2/2023 có nhiều đợt rét đậm, rét hại, ảnh hưởng tới một số diện tích mạ xuân trà sớm, lúa xuân sớm và mạ trà xuân muộn. Nhiệt độ trung bình từ tháng 12/2022 đến tháng 1/2023 là 17,50C, thấp hơn trung bình nhiều năm 0,340C; lượng mưa cũng thấp hơn trung bình nhiều năm 31,2ml. Tổng tích ôn hữu hiệu từ tháng 12/2022 đến tháng 2/2023 là 497,40C, thấp hơn trung bình nhiều năm là 30,20C; tổng số giờ nắng là 232,6 giờ, cao hơn trung bình nhiều năm 15,4 giờ. Với điều kiện thời tiết như trên thuận lợi cho công tác phơi ải, làm đất, tạo tiền đề cho việc gieo cấy tập trung và đúng lịch thời vụ. Tuy nhiên, từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 2, thời tiết có những diễn biến bất thuận, độ ẩm không khí thấp, lượng mưa thấp, biên độ ngày đêm lớn, ban ngày trời nắng to làm cho một số diện tích lúa mới gieo cấy có hiện tượng sinh trưởng kém. Ngoài ra, năm 2023 nhuận tháng 2 âm lịch, thời tiết sẽ có những diễn biến bất thuận, nhiều khả năng tiếp tục xuất hiện rét đậm kéo dài có thể ảnh hưởng tới diện tích trà xuân sớm giai đoạn làm đòng đến trỗ bông. Dự báo, từ trung tuần đến cuối tháng 3, thời tiết Bắc Bộ chuyển ấm nóng, đây là thời điểm cao điểm cho lúa xuân đại trà đẻ nhánh rộ, lúa trà sớm trong giai đoạn tích lũy chất khô có thể rút ngắn thời gian sinh trưởng, phát triển. Một số diện tích lúa có thể trỗ bông trong khung không an toàn, có thể giảm năng suất, giá trị.

Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí hậu, đánh giá tình hình sinh trưởng của các trà lúa để có biện pháp chăm sóc. Với diện tích lúa hồi xanh, bén rễ, bắt đầu ra lá mới cần tiến hành bón thúc bằng các loại phân tổng hợp NPK chuyên thúc có hàm lượng đạm cao để lúa đẻ nhánh thuận lợi, tập trung, bón thúc cho lúa xuân trước ngày 25/3. Với vùng có khả năng ảnh hưởng do xâm nhập mặn, hướng dẫn nông dân sử dụng các loại phân bón dễ tiêu, có hàm lượng lân cao. Với diện tích lúa trà sớm cấy trước tết Nguyên đán đang trong giai đoạn đẻ nhánh, đẻ nhánh rộ, cần bón bổ sung thêm phân bón để kéo dài thời gian sinh trưởng (mỗi sào từ 1 - 2kg phân NPK tổng hợp), tránh hiện tượng lúa trỗ bông trong tháng 4/2023. Thường xuyên giữ nước nông trong giai đoạn lúa đẻ nhánh, giúp lúa đẻ nhánh sớm, đẻ khỏe, tập trung; không để ruộng khô ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa. Khi lúa đẻ nhánh kín đất tháo cạn nước để nứt chân chim giúp rễ lúa ăn sâu, tăng khả năng chống đổ của cây. Khuyến cáo nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen, bệnh đạo ôn trên lá, chủ động phòng trừ khi còn ở diện hẹp. Từ cuối tháng 4 trở đi, khi lúa trỗ cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khi có mưa hoặc khi không khí lạnh cần phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông trên giống nhiễm.

Bà Lê Thị Nhạn, xã Bắc Sơn (Hưng Hà) cho biết: Kinh nghiệm sản xuất nhiều năm cho thấy, sản xuất lúa xuân trong thời tiết rét thì được mùa, trời ấm thì năng suất thường giảm. Thời tiết ấm như năm nay, lúa phân hóa đòng sớm sẽ ảnh hưởng năng suất nên những ngày này tôi thường xuyên thăm đồng theo dõi diễn biến sinh trưởng cây lúa để có biện pháp chăm sóc kịp thời, đặc biệt là cung cấp đủ nước tưới cho các chân ruộng.

Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo các địa phương thực hiện kế hoạch diệt chuột bảo đảm đồng loạt, liên tục và có sự tham gia của cả cộng đồng, luân phiên các biện pháp hóa học, sinh học, đặt bẫy thủ công, đào bắt... bảo đảm an toàn cho người, động vật nuôi; nghiêm cấm sử dụng điện, thuốc cấm, thuốc không có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật để diệt chuột.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương thực hiện tốt kế hoạch diệt chuột.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày