Ngưu tất - cây phụ thu nhập chính
Có mặt tại cánh đồng thôn An Mai, chúng tôi cảm nhận được niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt những hộ dân nơi đây vì năm nay ngưu tất được mùa, được giá, từng hàng ngưu tất vừa mới thu hoạch còn thơm mùi dược liệu lan tỏa khắp cánh đồng. Nhổ khóm cây ngưu tất lên cho chúng tôi xem, chị Nguyễn Thị Tuyết, thôn An Mai phấn khởi chia sẻ: Năm nay, gia đình tôi tiếp tục gieo trồng 1 mẫu ngưu tất, đến nay thu hoạch được 50% diện tích. Sản lượng ước đạt 7 - 8 tạ củ/sào; giá bán từ 14.000 - 15.000 đồng/kg củ tươi cân tại ruộng, cao hơn mọi năm. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả sau khi thu hoạch xong, chúng tôi rửa sạch, phơi và sấy khô bán với giá 65.000 - 70.000 đồng/kg, tính ra mỗi sào đạt trên 14 triệu đồng. Với hiệu quả kinh tế cao, cây ngưu tất đã giúp gia đình tôi trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học.
Còn tại ruộng của gia đình anh Vũ Văn Sinh, thôn An Mai, hàng chục lao động hăng say thu hoạch cho kịp tiến độ. Anh Sinh cho biết: Ngưu tất dễ trồng, sinh trưởng, phát triển mạnh, đầu ra cũng rất thuận lợi, thương lái về tận ruộng thu mua cả củ tươi, củ khô. So với vụ trước, củ ngưu tất năm nay to hơn, mẫu mã đẹp hơn nên giá cao hơn. Trên 1,2 mẫu trồng ngưu tất, trừ chi phí gia đình tôi thu lãi gần 100 triệu đồng. Chúng tôi rất phấn khởi nên chắc chắn vụ tới gia đình tôi vẫn tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng cây dược liệu quý này.
Khác với mọi năm, năm nay, sau khi thu hoạch ngưu tất, ông Nguyễn Văn Nghĩa, thôn An Mai không còn gặp phải cảnh khuân vác vất vả để chở ngưu tất về nhà mà thay vào đó là tuyến đường nội đồng được mở rộng 3,5m và được đổ bê tông ra đến tận ruộng nên rất thuận lợi cho bà con sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ nông sản. Ông Nghĩa cho biết: Trước đây mỗi khi thu hoạch ngưu tất, người nông dân phải khiêng, gánh xa 200m mới ra tới đường chính để cho lên xe chở về nhà, đường đi nhỏ, trời mưa trơn trượt rất vất vả. Nhờ có tuyến đường mới mà máy làm đất, xe ô tô đã đến được tận chân ruộng nên việc gieo trồng, thu hoạch bảo đảm theo đúng kế hoạch, ai cũng phấn khởi. Đường đẹp, ngưu tất lại được giá, tạo động lực cho chúng tôi tiếp tục sản xuất.
Các hộ dân xã Thống Nhất thu hoạch ngưu tất.
Được mệnh danh là “thủ phủ” của cây ngưu tất, vụ đông năm nay xã Thống Nhất gieo trồng trên 90ha, tập trung chủ yếu ở hai thôn An Mai và An Khoái. Với lợi thế thổ nhưỡng phù hợp, người dân có kinh nghiệm, kiến thức nên diện tích cây ngưu tất trên địa bàn xã ngày càng được mở rộng, cho giá trị kinh tế cao. Năm nay, toàn xã dự kiến sẽ thu về trên 20 tỷ đồng từ trồng cây ngưu tất. Đây là nguồn thu đáng mơ ước của người dân xã Thống Nhất. Lộ trình tới, xã Thống Nhất tiếp tục xác định cây ngưu tất là cây trồng chủ lực, mũi nhọn của xã giúp bà con vươn lên làm giàu. Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc HTX DVNN Thống Nhất chia sẻ: Cây ngưu tất chiếm 40% diện tích cây vụ đông, là nguồn thu chính của nhiều hộ dân trong xã. Để duy trì và phát triển cây ngưu tất, chúng tôi đã thành lập HTX với 12 thành viên làm nhiệm vụ hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh đúng cách, đúng thời điểm. Đồng thời, là đầu mối bao tiêu sản phẩm, giải quyết nỗi lo về đầu ra và quảng bá thương hiệu cho bà con. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng huy động các nguồn lực nâng cấp hệ thống đường sá, mương máng, đầu tư máy móc cỡ lớn vào làm đất, lên luống và thu hoạch để giảm ngày công lao động, tăng năng suất sản phẩm. Trong quá trình sản xuất, chúng tôi vận động bà con chủ động đổi mới phương thức sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm phát triển cây ngưu tất trở thành sản phẩm OCOP của địa phương. Đây là một trong những lợi thế giúp bà con yên tâm mở rộng diện tích gieo trồng nhằm hướng đến sản xuất nông sản sạch đáp ứng nhu cầu thị trường, từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm đặc thù của địa phương.
Cây ngưu tất đã bén rễ trên đồng đất Thống Nhất hơn 30 năm, trở thành cây trồng không thể thiếu trong mỗi vụ đông, mang lại no ấm cho người dân. Nhờ có ngưu tất, cuộc sống của bà con nơi đây ngày một khấm khá hơn, góp phần xây dựng xã Thống Nhất sớm về đích nông thôn mới nâng cao theo đúng lộ trình.
Thanh Thủy
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Quỳnh Phụ: Triển khai cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai 07.12.2023 | 16:09 PM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam