Chủ nhật, 24/11/2024, 23:08[GMT+7]

Hỏi đáp Luật liên quan đến tiêu chí đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Thứ 2, 20/03/2023 | 09:04:48
3,431 lượt xem

(Tiếp theo số 8788, ngày 13/3/2023)

Câu 4. Các tiêu chí đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg được xác định theo những yêu cầu và nguyên tắc nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, có 5 tiêu chí và 20 chỉ tiêu đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Các tiêu chí, chỉ tiêu này được xác định dựa vào các yêu cầu, nguyên tắc như sau:

- Đánh giá mức độ thực hiện các nhiệm vụ của chính quyền cấp xã trong thi hành Hiến pháp và pháp luật, không phát sinh nhiệm vụ mới. Trên cơ sở đó, các tiêu chí tập trung vào các lĩnh vực về xây dựng và ban hành văn bản theo thẩm quyền, tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, thủ tục hành chính...

- Bảo đảm cho người dân được thụ hưởng quyền, lợi ích theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, tên gọi và nội dung của mỗi tiêu chí, chỉ tiêu đều yêu cầu thực hiện theo đúng pháp luật.

- Bảo đảm tính khả thi, kế thừa, phù hợp với yêu cầu, bối cảnh thực tiễn. Theo đó một số tiêu chí, chỉ tiêu theo Quyết định số 619/QĐ-TTg tiếp tục được kế thừa tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg.

- Có cơ sở, tài liệu đánh giá, kiểm chứng nhằm tạo cơ sở cho việc đánh giá, chấm điểm, xét công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được chính xác, phản ánh đúng kết quả thực tế đạt được trong thực hiện các nhiệm vụ của chính quyền địa phương cấp xã.

Câu 5. Việc thực hiện đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hiện nay phải bảo đảm những nguyên tắc thực hiện nào?

Trả lời:

Để bảo đảm tổ chức triển khai đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được đồng bộ, thống nhất, đúng mục đích, Điều 2 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định 3 nguyên tắc thực hiện như sau:

Thứ nhất, lấy người dân làm trung tâm trong việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đây là nguyên tắc mới khẳng định việc đặt ra các tiêu chí và đánh giá, công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật đối với xã, phường, thị trấn nhằm hướng tới sự phục vụ người dân, coi trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Thứ hai, bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, công bằng, đúng quy định pháp luật. Nguyên tắc này được kế thừa và tiếp tục thực hiện theo hướng các hoạt động đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải được tổ chức triển khai nghiêm túc trên cơ sở các quy định của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, phải được công khai bằng hình thức phù hợp, đầy đủ, rõ ràng, cụ thể, tránh hình thức, chạy theo thành tích, dẫn đến kết quả đạt được chưa phản ánh đúng thực chất của công tác tổ chức thi hành pháp luật tại cơ sở.

Thứ ba, việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường dân chủ ở cơ sở, vận động nhân dân thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nguyên tắc này có điểm kế thừa và điểm mới bổ sung nhằm đảm bảo tính toàn diện, coi trọng vai trò làm chủ của nhân dân và vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật.

Câu 6. Để đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg thì xã, phường, thị trấn phải đáp ứng những điều kiện cụ thể nào?

Trả lời:

Xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật khi có đủ 3 điều kiện sau đây:
Thứ nhất, tổng số điểm của các tiêu chí đạt từ 80 điểm trở lên. Điều kiện này được áp dụng chung cho tất cả các đơn vị cấp xã, không dựa vào sự phân loại cấp xã loại I, loại II, loại III theo Nghị quyết số 1211/NQ-UBTVQH ngày 25/5/2016. Qua đó đảm bảo sự công bằng trong thực hiện trách nhiệm được giao của chính quyền cấp xã và sự thụ hưởng các quyền, lợi ích hợp pháp của người dân tại các vùng, miền, địa bàn khác nhau.

Thứ hai, tổng số điểm của từng tiêu chí đạt từ 50% số điểm tối đa trở lên. Theo đó tiêu chí 1 đạt từ 5 điểm trở lên; tiêu chí 2 đạt từ 15 điểm trở lên; tiêu chí 3 đạt từ 7,5 điểm trở lên; tiêu chí 4 đạt từ 10 điểm trở lên; tiêu chí 5 đạt từ 12,5 điểm trở lên.

Thứ ba, trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó người đứng đầu cấp ủy, chính quyền bao gồm Bí thư Đảng ủy cấp xã, Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

(còn nữa)

Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp