Thứ 7, 23/11/2024, 04:09[GMT+7]

Vũ Thư: Chăn nuôi lợn chịu ảnh hưởng lớn từ “bão kép”

Thứ 3, 28/03/2023 | 15:55:04
3,329 lượt xem
Ảnh hưởng của việc giá lợn hơi liên tiếp giảm trong nhiều ngày qua trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng từng ngày khiến chăn nuôi lợn hiện nay rơi vào tình trạng càng nuôi càng lỗ. Các trang trại, gia trại ở Vũ thư đang sản xuất cầm chừng, thậm chí giảm đàn nhằm giảm thua lỗ do ảnh hưởng của “bão kép”.

Gia trại của ông Lê Tiến Dũng.

Xã Bách Thuận được coi vùng chăn nuôi lợn trọng điểm của huyện Vũ Thư. Từ bao đời nay người dân trong xã vốn sống chủ yếu dựa vào chăn nuôi, chính vì thế mà vào những thời điểm bão giá hay dịch bệnh không khí ở đây trầm lắng hơn, thiếu hẳn vẻ nhộn nhịp của những xe tải đến mua, bán lợn.

Dẫn tôi đi một vòng quanh xã, ông Trịnh Xuân Mạnh, Trưởng ban Chăn nuôi Thú y xã phân trần: Từ vị thế của một xã chăn nuôi lợn lớn nhất huyện, thậm chí thuộc tốp nhất tỉnh với số hộ nuôi xấp xỉ 400 hộ và quy mô đàn thường xuyên khoảng 20.000 con. Vậy mà sau dịch tả lợn châu Phi, rồi “bão” giá, bây giờ Bách Thuận chỉ còn khoảng 12.000 con lợn, tập trung ở các trang trại lớn, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bây giờ chuồng trại đa số bỏ không.

 “Cơn bão” mà ông Mạnh nói đến là cơn bão kép. Giá lợn hơi hiện tại dao động quanh mức 48.000 đồng/kg. Mức giá không đến mức quá rẻ so với quãng thời gian trước, nhưng cái chính là bởi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng vọt từ khoảng hai năm nay khiến người chăn nuôi đã lỗ lại càng lỗ hơn.

Giữ vững được đàn lợn trong đợt dịch tả lợn châu Phi năm 2019, anh Trần Văn Bẩy, thôn Bình Minh, xã Bách Thuận thường xuyên duy trì nuôi 1.000 con lợn thịt, 200 con lợn nái, nhưng với tình hình hiện tại, trang trại đang phải giảm đàn xuống mức thấp nhất có thể. Anh Bẩy chia sẻ: Nếu gia đình không kiêm thêm làm đại lý thức ăn chăn nuôi thì cũng không thể cầm cự được đến bây giờ.

Vũ Đoài cũng là xã chăn nuôi lợn tốp đầu của huyện. Cái nóng đầu mùa khiến ông Lê Tiến Dũng, thôn 2, xã Vũ Đoài ướt đẫm áo sau một vòng đi kiểm tra chuồng trại. Gần 50 con lợn trong 2 chuồng của ông đang kêu inh ỏi đòi ăn. Ông Dũng cho biết: Vài năm trước có nhiều hộ trong xã thậm chí lấp bớt ao, đầu tư chuồng trại để nuôi lợn. Đàn lợn giúp họ có nhà cửa khang trang, có tiền nuôi con cái ăn học đủ đầy. Nhưng đó là dĩ vãng. Sau dịch tả lợn châu Phi, khi dịch lắng xuống thì hai năm liên tục giá cám tăng, giá lợn giảm khiến các hộ chăn nuôi như ông gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Dũng nhẩm tính: “Như một con lợn không dính dịch bệnh thì nuôi từ lúc nhỏ đến lúc bán được tốn 10 bao cám, khoảng 3 triệu 500 nghìn đồng. Đầu tư con giống hết 1,5 triệu, hòm hòm 5 triệu rồi. Chưa kể tiền vaccine, tiền điện, các loại phí khác, rẻ 300 nghìn đi. Thế thì giá lợn phải 53.000 đồng/kg mới có lãi”.

Ngoài các trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn thì xã Vũ Đoài giờ còn lác đác vài người nuôi gia trại như ông Dũng. Đa phần bỏ chuồng trại đi làm thợ xây, công nhân, nghề nông khác vì càng nuôi càng lỗ.  

Theo thống kê của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, tính đến hết tháng 2, tổng đàn lợn trên địa bàn huyện ước khoảng 75.000 con. So với thời điểm trước tết Nguyên đán Quý Mão, tổng đàn tăng chậm do ảnh hưởng của giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá bán lại giảm nên đã ảnh hướng đến tâm lý tái đàn của người chăn nuôi. Ở điều kiện bình thường, thức ăn chăn nuôi chiếm 70% giá thành gia súc, gia cầm. Như hiện tại, giá thức ăn chăn nuôi đang chiếm hơn 85% giá thành, gây ra áp lực rất lớn với các hộ chăn nuôi trong việc quay vòng vốn tái đàn. Giá lợn hơi hiện duy trì dưới mức 50.000 đồng/kg. Trong khi thực tế với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, giá thành cho mỗi con lợn đã ở mức 55.000 đồng/kg. Vậy nên, nhiều hộ đang chịu lỗ từ 500.000 đồng - 600.000 đồng/con. Ngay cả với các hộ chăn nuôi quy mô lớn hiện cũng đang phải lấy công làm lãi.

Phạm Dung

(Đài TT-TH Vũ Thư)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày