Thứ 6, 22/11/2024, 05:21[GMT+7]

Xử lý triệt để rác thải sinh hoạt bảo đảm cho nông thôn phát triển bền vững

Thứ 7, 08/04/2023 | 18:00:53
4,608 lượt xem
Cùng với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế, lượng rác thải sinh hoạt đô thị, nông thôn ngày một tăng lên. Giải quyết bài toán môi trường, bảo đảm cho nông thôn phát triển bền vững là vấn đề bức thiết và ý nghĩa đối với các địa phương, trong đó có Thái Bình. Phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với GS, TS Đặng Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam về vấn đề này.

Nhà máy đốt rác phát điện huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh được đầu tư công nghệ hiện đại.

Phóng viên: Thưa bà, công nghệ đốt rác phát điện có những ưu việt gì?

GS, TS Đặng Kim Chi: Công nghệ đốt rác phát điện là công nghệ tiên tiến, an toàn và mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội: đốt rác phát điện là công nghệ xử lý rác thải tiên tiến, đang được áp dụng ở các nước phát triển theo hướng “tài nguyên hóa” nhằm tạo ra nguồn năng lượng và sản phẩm có ích từ rác thải. Công nghệ đốt rác phát điện có thể vô hại hóa rác thải do rác thải được đốt ở nhiệt độ cao, có thể đốt hầu hết các chất, bao gồm cả một số chất có hại. Xét từ hiệu quả lâu dài và tiêu chí tổng hợp, lợi ích xã hội và kinh tế của việc xử lý rác thải theo công nghệ xanh đốt rác phát điện mang lại là rất lớn. Lợi ích quan trọng đầu tiên dự án mang lại là lợi ích xã hội, đó là: giải quyết nhu cầu cấp bách về xử lý rác thải, tiết kiệm tối đa diện tích đất chôn lấp rác theo phương pháp truyền thống, từ đó cải thiện môi trường sống cho người dân và nâng cao cảnh quan đô thị, nông thôn. Ngoài ra, dự án còn tạo thêm việc làm trong lĩnh vực xử lý môi trường, tạo cơ hội tiếp cận công nghệ tiên tiến cho nguồn nhân lực của địa phương. Về mặt lợi ích kinh tế: biến rác thành nguồn tài nguyên sản xuất ra điện và tổng hợp tái chế ra sản phẩm có ích cho cuộc sống.

Phóng viên: Hiện nay, ở Việt Nam đã có nhà máy xử lý rác sinh hoạt theo những công nghệ nào, thưa bà?

GS, TS Đặng Kim Chi: Hiện nay, ở Việt Nam đã có nhà máy xử lý rác sinh hoạt theo những công nghệ đốt rác phát điện (điển hình có khu xử lý ở ấp Trường Thọ, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai của Cần Thơ; nhà máy đốt chất thải phát điện công suất 4.000 tấn/ngày tại khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, Hà Nội... và nhiều địa phương khác đang trong quá trình đầu tư xây dựng như Hà Nội với nhà máy đốt chất thải phát điện công suất 1.500 tấn/ngày tại khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, dự kiến vận hành từ tháng 4/2023; Thành phố Hồ Chí Minh với dự án nhà máy đốt chất thải phát điện Tâm Sinh Nghĩa tại khu xử lý chất thải Tây Bắc, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, có công suất xử lý đốt chất thải phát điện 2.000 tấn/ngày đêm; Đồng Nai với dự án điện chất thải Vĩnh Tân, có công suất xử lý 600 tấn chất thải/ngày, công suất phát điện 30MW; Bắc Ninh có 2 dự án nhà máy điện rác tại huyện Lương Tài và huyện Thuận Thành; Phú Thọ có nhà máy điện rác Trạm Thản, huyện Phù Ninh; Quảng Nam có nhà máy điện rác Bắc Quảng Nam; Thanh Hóa có nhà máy điện rác tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn...). Tỉnh Thái Bình chưa có nhà máy xử lý rác thải áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, vì vậy việc đầu tư xây dựng và vận hành thành công nhà máy xử lý rác sinh hoạt theo công nghệ đốt rác phát điện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh.

Phóng viênBà có thể chia sẻ cụ thể những tiêu chí đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt?

GS, TS Đặng Kim Chi: Tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt thực hiện theo quy định tại Điều 28 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT, ngày 10/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Quy trình công nghệ đốt rác phát điện được khép kín từ khâu tiếp nhận, xử lý đến khâu xả thải cuối cùng, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến môi trường, phù hợp với điều kiện rác chưa qua phân loại tại đầu nguồn trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiện nay. Rác thải đầu vào được đưa đến hầm chứa rác; trong hầm có hệ thống hút khí liên tục để hút khí vào buồng đốt, tạo áp lực âm tại hầm chứa rác do đó giảm thiểu mùi tại hầm chứa rác và tận dụng được khí mê tan sinh ra tại hầm chứa để làm khí đốt tại buồng đốt, nhờ vậy ngăn cản được việc rác thải, mùi rác bị phân tán bừa bãi khắp nhà máy gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan. Dưới lòng hầm có hệ thống thu gom nước rỉ rác đưa đến trạm xử lý nước thải, nước thải sau khi xử lý có thể sử dụng tuần hoàn. Rác thải từ hầm chứa rác sau khi ủ được đưa vào buồng đốt (hầm chứa rác liền cạnh buồng đốt). Tại đây sử dụng lò ghi đốt tịnh tiến, buồng đốt chia làm 3 khu vực gồm: khu vực sấy để tiếp nhận chất thải, làm khô và đốt một phần; khu vực đốt chính chất thải; cuối cùng là khu vực đốt kiệt là phần đốt cuối cùng để bảo đảm chất thải được đốt hết. Sản phẩm sau khi đốt rác gồm: sản phẩm đầu ra của dự án là điện được sinh ra từ quá trình đốt chất thải được sử dụng trong vận hành nhà máy, lượng còn lại sẽ được truyền tải lên lưới điện quốc gia, phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Xỉ phát sinh trong quá trình đốt chất thải được tận dụng làm vật liệu san lấp hoặc vật liệu gạch không nung.

Phóng viên: Còn yêu cầu về bảo vệ môi trường thì như thế nào, thưa GS, TS?

GS, TS Đặng Kim Chi: Theo quy định về thu gom và xử lý toàn bộ nước thải phát sinh trong quá trình hoạt động của dự án đạt QCVN 40:2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp, cột A. Xử lý khí thải lò đốt chất thải đạt QCVN 61-MT:2016/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt. Đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng đối với tiếng ồn, độ rung của cơ sở: QCVN24:2016/BYT: quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn - mức cho phép tiếng ồn tại nơi làm việc, vị trí làm việc, lao động, sản xuất trực tiếp; QCVN 26:2010/BTNMT: quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn; QCVN27:2010/BTNMT: quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về độ rung. Lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục, có camera theo dõi sau hệ thống xử lý nước thải, khí thải, có màn hình hiển thị kết quả quan trắc tại cổng nhà máy cho người dân theo dõi, truyền số liệu trực tiếp đến Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định của pháp luật.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Đức Dũng

(thực hiện)