Thứ 6, 22/11/2024, 16:58[GMT+7]

Về thăm đền Bổng Điền, nơi thờ nữ tướng Quế Hoa công chúa

Thứ 6, 28/04/2023 | 08:54:47
15,923 lượt xem
Những ngày tháng 3 âm lịch, người dân Vũ Thư nói riêng, du khách thập phương nói chung hướng về vùng đất cổ trang Bổng Điền xưa, xã Tân Lập ngày nay để tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Quế Hoa công chúa - nữ tướng tài ba dưới thời Hai Bà Trưng. Người dân nơi đây còn lưu truyền những câu ca như: “Hội làng truyền thống tháng ba/Nhớ ngày quân tướng Quế Hoa khởi hành/Đền ơn công đức anh linh/Quê hương giữ trọn sử xanh muôn đời”...

Nữ tướng Quế Hoa công chúa được tôn thờ tại đền Bổng Điền.

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng - cuộc khởi nghĩa chống Bắc thuộc đầu tiên trong lịch sử Việt Nam do hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị lãnh đạo vào những năm đầu Công nguyên (40 - 43) tuy không xuất phát từ Thái Bình nhưng đây lại là địa phương có nhiều di tích lịch sử liên quan đến cuộc khởi nghĩa. Trong số đó có đền Bổng Điền, xã Tân Lập (Vũ Thư) thờ bà Quế Hoa - một tướng tài trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

Theo sử sách lưu truyền lại, ở trang Bổng Điền xưa có ông Đỗ Công là người nhân đức, hiền lành. Ông lấy vợ cùng làng, tên là Trần Thị. Sau mộng lành được Tiên ông trao cành hoa quế, bà Trần Thị mang thai. Ngày 15 tháng 8 năm 26 (sau Công nguyên) bà sinh được một người con gái, mày ngài, mắt phượng, mặt hoa da phấn, nhan sắc tuyệt vời, đặt tên là Quế Hoa nương.

Ngày tháng trôi qua, mới lên 8 tuổi Quế Hoa đã đi tầm sư học đạo, tuổi ít nhưng học rộng tài cao, kinh sử tinh thông, lại có chí lớn, với thiên tài bẩm sinh bà đã vượt lên trên tầm vóc của những người thường, tuy là con gái nhưng chí như nam nhi. Năm 16 tuổi, nhiều người dạm ngõ đều không ưng mà để tâm trí vào làm việc lớn. Thái thú Tô Định nghe tiếng đồn nàng Quế Hoa tài sắc nên đem lòng muốn bắt về làm vợ. Khi đến trang Bổng Điền - quê hương của Quế Hoa thì ở nhà chỉ có cha và mẹ, chúng đã bắt cha của Quế Hoa về tra tấn, mục đích buộc người cha phải giao nộp Quế Hoa cho chúng. Nhưng mặc những đòn tra tấn dã man, cha của Quế Hoa vẫn không chịu khuất phục, chúng đã dẫn cha của bà đi hành quyết. Bà Trần Thị vì thương chồng và căm tức kẻ thù không ăn, không ngủ nên mắc bệnh trọng, thuốc thang không khỏi.

Được tin cha bị quân thù sát hại, mẹ lâm vào cảnh buồn phiền đau yếu, với tài nghệ của mình, Quế Hoa đã tập hợp trai tài gái giỏi trong vùng tập luyện để “đền nợ nước, trả thù nhà”. Được chiếu chỉ vua phê chuẩn, bà được phong là Quế Hoa công chúa và được lập doanh trại tại trang Bổng Điền, một dạ nuôi chí lớn quét sạch quân thù.

Cảm phục tài đức của Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục, nữ tướng Quế Hoa đã đem toàn bộ quân binh của mình cùng Bát Nạn tướng quân về với Hai Bà Trưng, tham gia khởi nghĩa và lập nhiều chiến công. Trong trận huyết chiến, quyết không để sa vào tay giặc, Quế Hoa đã nhảy xuống sông tự vẫn. Thi thể bà trôi về khúc sông Hương Điền. Dân làng thương xót xây mộ và hương khói phụng thờ.

Ông Nguyễn Văn Hán, Trưởng ban quản lý quần thể di tích lịch sử văn hóa quốc gia đình đền Bổng Điền chia sẻ: Lăng mộ nữ tướng Quế Hoa công chúa lúc đầu nằm trên đất Bổng Điền trang, tới năm 1880 lăng mộ nằm cạnh sông Hồng bị sạt lở nên đến năm 1923 lăng mộ được nhân dân đưa vào phía trong đê chấn thủy gần làng Hương Điền, nay thuộc xã Việt Hùng. Nhân dân các xã quanh lăng mộ của bà góp công góp của xây lăng mộ và đền thờ bà. Đền Bổng Điền ngày nay - nơi thờ Quế Hoa công chúa được nhân dân địa phương, du khách thập phương chung tay tu sửa, ngày thêm khang trang, đẹp đẽ.

Ông Nguyễn Song Toàn, Phó trưởng ban tổ chức lễ hội truyền thống Bổng Điền năm 2023 thông tin: Hàng năm, lễ hội truyền thống được dân làng chung tay tổ chức để tưởng nhớ ngày nữ tướng Quế Hoa xuất quân đánh giặc. Đây là truyền thống quý giá được cha ông truyền lại. Lễ rước với những đoàn rước đi dài ven đê tạo nên khung cảnh tráng lệ, du khách thập phương về với lễ hội ai ai cũng cố gắng ghi lại những hình ảnh thật đẹp. Vậy nên, từ xa xưa đã lưu truyền câu ca: “Hội làng truyền thống Bổng Điền/Có đoàn rước kiệu như tiên giáng trần/Xin mời quý khách xa gần/Về dự lễ hội góp phần đông vui”...

Đền Bổng Điền được trùng tu, tôn tạo ngày thêm khang trang.

Sẵn sàng cho lễ hội truyền thống Bổng Điền

Ông Vũ Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh


Trên địa bàn tỉnh hiện nay du lịch tâm linh là một trong những thế mạnh phát triển du lịch, trong đó quần thể di tích đình đền Bổng Điền, xã Tân Lập (Vũ Thư) là điểm đến ấn tượng, đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1989. Với vị trí địa lý thuận lợi, cảnh quan không gian đẹp, là nơi thờ nữ tướng tài giỏi dưới thời Hai Bà Trưng, di tích Bổng Điền thường xuyên đón du khách thập phương từ các tỉnh, thành phố khác tới dâng hương, tế lễ. Lễ hội truyền thống Bổng Điền năm 2023 là cơ hội quảng bá vẻ đẹp của mảnh đất và con người nơi đây, đồng thời cho thấy tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch tâm linh. Hiện nay, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã lên lịch trình các tour, tuyến du lịch tâm linh, kết nối các điểm đến ở các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, trong đó có quần thể di tích đình đền Bổng Điền, giới thiệu với hiệp hội du lịch các tỉnh bạn. Hy vọng, với sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân, di tích Bổng Điền sẽ là điểm đến ấn tượng, không chỉ trong dịp lễ hội truyền thống.  


Ông Đỗ Ngọc Trung, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Vũ Thư

Chú trọng phát triển du lịch văn hóa tâm linh, huyện Vũ Thư đặc biệt quan tâm duy trì, phát huy bản sắc văn hóa các lễ hội truyền thống. Lễ hội truyền thống Bổng Điền năm 2023 là cơ sở để chúng tôi làm hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là nguyện vọng, mong muốn chính đáng của nhân dân địa phương trong việc phục dựng, bảo lưu, phát huy giá trị lễ hội truyền thống trong đời sống văn hóa tinh thần. Đình, đền, chùa Bổng Điền với kiến trúc cổ kính, giữ được gần như nguyên vẹn về sắc phong, thần phả và các đồ thờ cổ, không bị hư hỏng, mất mát. Vì thế, các hãng lữ hành và khách du lịch thường dừng chân tham quan quần thể di tích lịch sử văn hóa tâm linh này trong tour du lịch tâm linh tại tỉnh Thái Bình.


Ông Trần Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Vũ Thư


Để chuẩn bị cho lễ hội truyền thống Bổng Điền năm 2023, UBND xã đã ban hành quyết định thành lập ban tổ chức lễ hội, từ đó thành lập các tiểu ban và chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để các hoạt động phần lễ và phần hội diễn ra thành công. Việc tuyên truyền về lễ hội Bổng Điền được thực hiện trên hệ thống truyền thanh của xã, của huyện để mọi người dân đều nắm bắt thông tin tham gia lễ hội. Ngoài ra, các hoạt động diễn ra trong lễ hội cũng được phổ biến đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã, trong làng Bổng Điền, tạo sự đồng thuận cao, mọi tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng. Trong lễ hội truyền thống năm nay, UBND xã đã mời cơ quan có thẩm quyền về lập hồ sơ đề nghị công nhận lễ hội truyền thống Bổng Điền là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Mỗi kỳ lễ hội là dịp giáo dục cho các thế hệ hôm nay về truyền thống yêu nước, đồng thời là cơ hội quảng bá vẻ đẹp mảnh đất và con người Bổng Điền nói riêng, Tân Lập nói chung.


Ông Nguyễn Văn Hán, Trưởng ban quản lý quần thể di tích lịch sử văn hóa quốc gia đình đền Bổng Điền

Nhân dân địa phương luôn có lòng mến phục, thương xót và cảm động trước nữ tướng Quế Hoa công chúa - người con gái xả thân vì đất nước, hy sinh khi mới 16 tuổi. Hàng năm, truyền thống dân làng đều tham gia lễ rước rất đông, từ các bậc cao niên tới trung niên, thanh niên, trẻ nhỏ đều một lòng thành kính hướng về cội nguồn. Tương truyền, trước và sau ngày mở hội, ở khu vực Bổng Điền đều có mưa và gió rất lộng nhưng trong ngày hội chính chưa năm nào trời đổ mưa. Mưa trước ngày hội là mưa rửa kiệu, sau ngày hội là mát mẻ tâm can, cho cây cối đâm chồi nảy lộc. Còn gió lộng to làm cờ thần bay phấp phới như hình tượng vẫy gọi đoàn quân tiến ra trận của nữ tướng Quế Hoa. Trong lễ hội, ngoài tục rước nước còn có rước kiệu từ quần thể di tích đình đền Bổng Điền lên đến lăng mộ của bà ở làng Hương Điền, xã Việt Hùng.


Ông Trần Bá Phúc, Trưởng ban du lịch tâm linh tỉnh,
thủ nhang quần thể di tích lịch sử văn hóa quốc gia đình đền Bổng Điền


Tôi rất vui mừng, phấn khởi khi lễ hội truyền thống Bổng Điền được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, sự chung tay hưởng ứng của bà con nhân dân, quý khách thập phương đã đem tâm của mình với tịnh tài, tịnh vật về đóng góp vào chương trình lễ hội. Cũng rất mong các năm tiếp theo, tại quần thể di tích đình đền Bổng Điền luôn được tổ chức lễ hội truyền thống, mỗi năm một trang trọng hơn để tưởng nhớ công ơn của Thánh Mẫu nữ tướng Quế Hoa công chúa. Việc tổ chức lễ hội không chỉ góp phần giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, quảng bá những giá trị lịch sử văn hóa, xây dựng ý thức, trách nhiệm đối với việc bảo vệ, phát huy các giá trị di tích mà còn thiết thực đáp ứng nhu cầu du lịch văn hóa tâm linh của các tầng lớp nhân dân.

Gia Phú