Thứ 6, 10/05/2024, 08:06[GMT+7]

Nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất

Chủ nhật, 07/05/2023 | 23:08:28
2,092 lượt xem
Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh theo hướng hàng hóa, bền vững đang được nhiều địa phương trong tỉnh chú trọng. Nhờ đó đã xuất hiện nhiều mô hình của nông dân bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người nông dân vẫn còn nhiều hạn chế.

Chị Phạm Ngọc Mai, xã Thượng Hiền (Kiến Xương) ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất các sản phẩm mây tre đan.

Bài toán đầu tư

Anh Hoàng Văn Vượng, xã Song An (Vũ Thư), Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Bảo An T&V là người tiên phong sản xuất các sản phẩm xúc xích, giò, chả theo hướng chuyên nghiệp hóa với số lượng lớn. Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trung bình mỗi tháng Công ty xuất ra thị trường trong và ngoài tỉnh từ 15 - 20 tấn xúc xích, giò, chả các loại. Nhưng để chuyển đổi từ phương thức sản xuất thủ công truyền thống sang sản xuất hàng hóa với công nghệ hiện đại, anh Vượng phải đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị hàng tỷ đồng. Anh Vượng cho biết: Hiện tại, trên 90% công đoạn sản xuất, chế biến, đóng gói sản phẩm được thực hiện bằng máy. Vì vậy, Công ty phải đầu tư trên 3 tỷ đồng lắp đặt máy móc, trang thiết bị hiện đại như máy xay thịt công suất lớn, máy làm xúc xích, lò xông, lò hấp, lò tuần hoàn, kho bảo quản... Ngoài ra, để có nguồn nguyên liệu đầu vào an toàn và chất lượng, việc tìm kiếm, lựa chọn nguyên liệu các lò mổ uy tín, các hộ chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP trong tỉnh cũng không thể trong một sớm một chiều.

Nếu như trước đây, hầu hết các cơ sở sản xuất trong làng nghề mây tre đan truyền thống ở xã Thượng Hiền (Kiến Xương) đều làm thủ công, sử dụng máy móc công nghệ cũ, bán tự động khiến hiệu suất lao động thấp thì đến nay một số gia đình đã đưa máy móc vào và ứng dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ để gia tăng số lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Vợ chồng chị Phạm Ngọc Mai, xã Thượng Hiền đã đầu tư trên 1 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, mua máy móc hiện đại, kho đối lưu để bảo đảm sản xuất ổn định. Chị Mai cho biết: Khí hậu miền Bắc là rào cản khiến các sản phẩm phẩm mây, tre đan không được ưa chuộng tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, các mặt hàng này lại nhận được sự quan tâm rất lớn của khách hàng quốc tế. Mỗi năm, chúng tôi xuất ra thị trường hàng trăm nghìn sản phẩm mây tre đan các loại và cho doanh thu khoảng 20 tỷ đồng. Thế nhưng để đáp ứng những yêu cầu khắt khe của khách hàng nước ngoài, doanh nghiệp của chúng tôi buộc phải đầu tư máy móc, kho chứa hàng hóa hiện đại và đào tạo nhân công có tay nghề kỹ thuật cao. Việc mẫu mã của hàng hóa liên tục thay đổi theo xu hướng thị trường cũng khiến chúng tôi phải “dốc hầu bao” để tham gia “cuộc đua” đổi mới công nghệ rất tốn kém.

Mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất cây hẹ của chị Nguyễn Thị Vân Anh, xã An Đồng (Quỳnh Phụ).

Rào cản của nông dân

HTX Kinh doanh nông sản làng Keo, xã Duy Nhất (Vũ Thư) thành lập tháng 10/2021 và được đầu tư nhà xưởng, trang bị, máy móc hiện đại với tổng kinh phí 800 triệu đồng chế biến sản phẩm bảo đảm chất lượng. HTX hiện đang phát triển 2 sản phẩm chủ lực là gạo nếp bể và lạc đỏ. Sau hơn 2 năm ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình bảo quản, chế biến sản phẩm, HTX đã đưa ra thị trường 80 tấn gạo nếp, cho lợi nhuận trên 150 triệu đồng/năm. 

Ông Nguyễn Hữu Cảnh, Giám đốc HTX Kinh doanh nông sản làng Keo cho biết: Mặc dù sản lượng đã được nâng lên nhưng sản phẩm của HTX vẫn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ do chịu sự cạnh tranh của các sản phẩm trôi nổi trên thị trường, chưa thể chủ động về đầu ra. Ngoài ra, khó khăn trong việc mở rộng diện tích sản xuất và biến động về giá cả cũng là rào cản rất lớn ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.

Cũng gặp khó khăn về đầu ra cho sản phẩm rau sạch nên vợ chồng chị Nguyễn Thị Vân Anh, HTX Nông sản và dược liệu Đồng Tâm, xã An Đồng (Quỳnh Phụ) đã buộc lòng phải tháo dỡ hệ thống nhà màng sau 3 năm kiên trì hoạt động. 

Chị Vân Anh cho biết: Năm 2019, chúng tôi đã học hỏi và lắp đặt hệ thống nhà màng, hệ thống tưới nước tự động với kinh phí trên 150 triệu đồng để phát triển mô hình trồng rau sạch. Có thể khẳng định, việc áp dụng khoa học kỹ thuật mang lại nhiều thuận lợi trong quá trình sản xuất. Tỷ lệ sâu bệnh giảm hẳn so với trước đây. Chúng tôi cũng giảm được tiền thuê nhân công, tiết kiệm được sức lao động và nâng cao sản lượng, cho ra đời sản phẩm rau an toàn. Tuy nhiên, mặt hàng rau sạch có giá thành cao nên khá kén khách. Bên cạnh đó, quy trình, thủ tục để sản phẩm rau sạch vào được kệ hàng của các siêu thị, trung tâm thương mại là vô cùng khó khăn.

Một vấn đề nữa khiến người nông dân Thái Bình chưa thực sự hết lòng với ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất là do các hộ đa phần sản xuất trên diện tích đất nhỏ lẻ, manh mún. Về nguồn lực tài chính, lượng vốn tiết kiệm để đầu tư tái sản xuất thấp, cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay cũng ít do thiếu tài sản bảo đảm. Đối với nguồn lực lao động, đa phần lao động ở các hộ là người cao tuổi và phụ nữ, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo khá cao. Bên cạnh đó, những yêu cầu cao hơn về truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã, chất lượng sản phẩm mà người tiêu dùng mong muốn khiến nhiều nông dân chưa đủ tự tin để áp dụng khoa học kỹ thuật vào mô hình của mình.

Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi tư duy, tạo chuyển biến trong nếp nghĩ, cách làm của nông dân theo nhu cầu thị trường, xu hướng lựa chọn, tiêu dùng nông sản sạch, an toàn. Nhằm hỗ trợ các hộ dân, doanh nghiệp, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức ký thỏa thuận hợp tác với Bưu điện tỉnh nhằm đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử postmart.vn. Cùng với đó, các cấp hội nông dân cũng chủ động phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân; hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, GlobalGAP.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh không chỉ giúp nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Hy vọng trong thời gian tới, các ban, ngành và hội nông dân các cấp sẽ có những hoạt động thiết thực để hỗ trợ nông dân dễ dàng tiếp cận với khoa học kỹ thuật, thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra các sản phẩm an toàn từ sản xuất tới tiêu thụ nhằm mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với phương thức sản xuất truyền thống.

Hợp tác xã Kinh doanh nông sản làng Keo ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. 

Nguyễn Triệu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày