Chủ nhật, 24/11/2024, 14:56[GMT+7]

Kiến Xương: Rác thải sinh hoạt quá tải

Thứ 6, 12/05/2023 | 19:24:45
2,861 lượt xem
Hiện nay, hầu hết các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kiến Xương bắt đầu quá tải, gây ô nhiễm môi trường.

Đường vào khu xử lý rác thải tập trung xã Vũ Ninh (Kiến Xương) tràn ngập rác.

Theo ông Đỗ Xuân Khu, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương, khối lượng CTRSH trên địa bàn huyện đang có xu hướng tăng nhanh, trong khi đó, việc thu gom và xử lý lại đang quá tải nên dễ xảy ra các sự cố về môi trường. Mỗi ngày, toàn huyện phát sinh khoảng 110 tấn CTRSH, tỷ lệ thu gom đạt 93%. Hầu hết các lò đốt CTRSH hư hỏng, xuống cấp sau thời gian hoạt động hiệu quả, 2/14 lò đốt đã dừng hoạt động; các khu xử lý bằng hình thức chôn lấp cũng gần hết diện tích đã quy hoạch. Do rác thải sinh hoạt không được phân loại, phương pháp xử lý chỉ là đốt hoặc chôn lấp thông thường nên các bãi chôn lấp rác thải tập trung trở thành điểm ô nhiễm môi trường lớn. Các loại rác hữu cơ, vô cơ, thậm chí chất thải nguy hại đều được chôn chung vào một chỗ có thể phát sinh nhiều hệ lụy tiêu cực cho môi trường và sức khỏe người dân. Nhiều bãi rác quá tải, nước thải từ bãi rác chảy ra kênh mương, đồng ruộng, ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động sản xuất. Mặc dù UBND huyện thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các xã làm tốt tuyên truyền, vận động để người dân phân loại rác thải tại nguồn, xử lý rác đúng quy định nhưng vẫn chưa triệt để. Huyện đã quy hoạch 2 khu vực xử lý rác thải tập trung nhưng việc triển khai thực hiện còn khó khăn do chưa có cơ chế thu hút các nhà đầu tư.

Khu xử lý CTRSH xã Vũ Ninh mặc dù nằm cách xa khu dân cư khoảng 400m theo quy định nhưng do CTRSH lượng rác thải phát sinh nhiều, việc xử lý bằng hình thức đốt lộ thiên, sau đó trám lấp nên đã ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân xung quanh khu vực bãi rác. 

Ông Lại Đức Quynh, Chủ tịch UBND xã Vũ Ninh cho biết: Xã có 10 thôn thì có 10 tổ thu gom rác thải. Công tác thu gom được thực hiện tốt, rác thải được thu gom triệt để nhưng việc xử lý CTRSH còn phức tạp, chưa có giải pháp khả thi về lâu dài. Chủ yếu xử lý tại chỗ bằng cách đốt, sau đó trám lấp khiến cho môi trường ngày càng ô nhiễm. Khí thải gây hại đến sức khỏe nên nhân dân rất bức xúc. 

Ông Lại Quang Tuyến, thôn Trung Hòa, xã Vũ Ninh bức xúc: CTRSH bằng thủ công đốt, mỗi khi gió thổi về là nhà chúng tôi phải ngửi mùi nồng nặc. Vì vậy, chúng tôi mong các cơ quan có thẩm quyền sớm có biện pháp giải quyết phù hợp để không còn bãi rác quá tải, gây ô nhiễm môi trường tại xã nông thôn mới nâng cao.

Xã Vũ Thắng có 8 thôn với 5.200 nhân khẩu, ước tính mỗi ngày có khoảng 3 tấn CTRSH thải ra môi trường. Năm 2016, xã đầu tư xây dựng khu xử lý CTRSH theo công nghệ lò đốt với diện tích 4.500m2. Hiện nay, công tác thu gom CTRSH trong khu dân cư được địa phương thực hiện rất tốt. Người dân có ý thức phân loại rác thải tại nguồn. Nhưng khu xử lý CTRSH đang gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Sau nhiều năm đi vào hoạt động, lò đốt tuy vẫn còn vận hành nhưng lượng rác đốt chỉ đạt khoảng 20 - 30%. 

Ông Đặng Xuân Thường, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Thắng cho biết: Những năm gần đây, lò đốt xuống cấp nghiêm trọng, nguồn kinh phí của địa phương khó khăn. Ngoài nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ và nhân dân đóng góp, mỗi năm xã sử dụng trên 50 triệu đồng cho công tác xử lý CTRSH. Mong các cấp chính quyền sớm đầu tư khu xử lý CTRSH công nghệ cao, hiện đại để bảo đảm việc vận chuyển, xử lý CTRSH tại cơ sở. 

Bà Tô Thị Liên, thôn 8, xã Vũ Thắng chia sẻ: Rác trong khu dân cư được người dân phân loại tốt, tổ thu gom rác hoạt động hiệu quả nên môi trường trong khu dân cư luôn sạch sẽ, trong lành. Tuy nhiên, tại khu xử lý CTRSH lại chưa triệt để. Ruộng nhà tôi ở gần bãi rác, cứ vài ngày tôi lại phải ra đồng để thu gom túi nilon bay xuống ruộng để lúa được phát triển.

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu xử lý CTRSH, chính quyền các địa phương đã tích cực vào cuộc. Tuy nhiên, hầu hết chỉ là các giải pháp tình thế, trước mắt. Về lâu dài, rất cần đầu tư các khu xử lý CTRSH tập trung, quy mô hiện đại để đáp ứng được yêu cầu xử lý lượng rác thải phát sinh ngày càng tăng trên địa bàn huyện.

Lò đốt rác xã Vũ Thắng xuống cấp chỉ đốt đạt 20 - 30% nên rác tràn ngập, ô nhiễm. 

Minh Nguyệt