Thứ 6, 03/05/2024, 03:12[GMT+7]

Đẩy nhanh tiến độ thi công công trình phòng, chống thiên tai

Thứ 2, 22/05/2023 | 08:49:01
1,079 lượt xem
Bước vào mùa mưa bão năm 2023, song song với việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm phục vụ phòng, chống lụt bão, tỉnh Thái Bình yêu cầu các đơn vị thi công phải bảo đảm chất lượng cũng như sự an toàn cho người, thiết bị.

Công trình cống Mang (Quỳnh Phụ) đã cơ bản hoàn thành, bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai năm 2023.

Hiện nay, các công trình phục vụ công tác phòng, chống thiên tai (PCTT), sản xuất nông nghiệp được chủ đầu tư và đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ như công trình tu bổ, nâng cấp đê hữu Trà Lý, đoạn từ Km7+00 đến Km7+700, tại địa phận xã Hiệp Hòa (Vũ Thư). Tuy đây ko phải là dự án cấp bách, đáp ứng yêu cầu phòng, chống lụt bão năm nay nhưng chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp tỉnh đã yêu cầu đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, thi công theo hình thức cuốn chiếu và lập phương án PCTT trong mùa mưa bão năm 2023. Được khởi công từ cuối tháng 12/2022, hiện tại đơn vị thi công đang triển khai các hạng mục bóc đất phong hóa, đào giật phong cấp, đắp đất mái đê, đắp đất khuôn đường, gia cố mặt đê... 

Ông Nguyễn Trọng Hạp, chỉ huy trưởng công trình, Công ty Cổ phần Xây dựng Hải Phong cho biết: Hiện khối lượng hoàn thành đạt gần 40%. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, chúng tôi tập trung huy động tối đa nhân lực, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng, tiến độ công trình theo kế hoạch được giao.

Đơn vị thi công đang hoàn thiện láng nhựa mặt đê, công trình xử lý cấp bách cống xả qua đê tại Km192+270 đê tả Hồng Hà II, thuộc địa phận xã Minh Tân (Kiến Xương).

Huyện Hưng Hà có 3 tuyến đê chính là đê tả Hồng Hà I, đê tả Trà Lý, đê hữu Luộc với tổng chiều dài trên 40km. Qua kiểm tra, đánh giá, phân loại các trọng điểm đê, kè xung yếu trước mùa mưa bão năm nay, huyện có 1 trọng điểm xung yếu cấp tỉnh tại đê Nhật Tảo từ Km139+300 đến Km140+300 đê tả Hồng Hà I; 9 trọng điểm xung yếu cấp huyện. Với mục tiêu bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai, huyện Hưng Hà chủ động chuẩn bị sớm, đầy đủ nhân lực, vật tư cho công tác PCTT theo phương châm “4 tại chỗ”. 

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê huyện Hưng Hà cho biết: Để bảo đảm an toàn công tác phòng, chống lụt bão, đơn vị đã tham mưu Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) huyện quán triệt đến các địa phương nắm vững phương châm “4 tại chỗ”; căn cứ tình hình thực tế để lập phương án hộ đê, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện bảo đảm xử lý kịp thời sự cố xảy ra. Qua kiểm tra, đánh giá, các công trình đê điều trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng yêu cầu phòng, chống lụt bão.

Ông Tô Xuân Đạt, Trưởng phòng Điều hành dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Ban Quản lý dự án phối hợp đơn vị thi công xây dựng phương án bảo vệ công trình đang thi công, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện để xử lý sự cố xảy ra trong suốt mùa mưa, bão; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thi công bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ. Đến nay, cơ bản các công trình do Ban làm chủ đầu tư đã hoàn thành đúng kế hoạch, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phòng, chống lụt bão.

Công trình tu bổ, nâng cấp đê hữu Trà Lý, đoạn từ Km7+00 đến Km7+700, tại địa phận xã Hiệp Hòa (Vũ Thư) hoàn thành 40% khối lượng.

Toàn tỉnh hiện có 12 công trình thủy lợi, đê điều đang được triển khai thi công. Nhằm bảo đảm tiến độ, đưa công trình vào phục vụ phòng, chống lụt bão theo đúng kế hoạch, chủ đầu tư, các đơn vị thi công đang tập trung huy động nhân lực, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện các công trình trước mùa mưa bão. 

Ông Nguyễn Mạnh Khương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều trong mùa mưa bão, là cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh phân công nhiệm vụ tới các thành viên của Ban. Trong đó, tiến hành kiểm tra, phân loại các trọng điểm xung yếu của đê, kè, cống ở từng tuyến đê. Toàn tỉnh hiện có 3 trọng điểm xung yếu cấp tỉnh, 40 trọng điểm xung yếu cấp huyện. Trên cơ sở đó, các huyện, thành phố và các ngành liên quan lập phương án hộ đê, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện bảo đảm xử lý kịp thời sự cố xảy ra. Ngoài ra, đối với các công trình đê điều đang được tu bổ, nâng cấp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều trước mùa mưa bão. Căn cứ diễn biến, chất lượng các cống dưới đê, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh giao ban chỉ huy PCTT và TKCN các huyện kiểm tra các cống đã hoành triệt dưới đê, xét thấy không an toàn phải hoành triệt lại; kiểm tra các cửa khẩu, băng két qua đê, chuẩn bị sẵn đất và bao tải dự trữ để xử lý khi có sự cố.


Nguyễn Thơi

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày