Thứ 4, 01/05/2024, 23:43[GMT+7]

Mùa vàng trên những cánh đồng liên kết ở Kiến Xương

Thứ 3, 06/06/2023 | 19:42:16
1,819 lượt xem
Những ngày này, trên khắp các cánh đồng ở huyện Kiến Xương nói chung, vùng liên kết sản xuất nói riêng, người dân đang hối hả thu hoạch lúa vụ lúa xuân 2023. Tiếng máy gặt hòa chung niềm phấn khởi của người dân đã tạo nên bầu không khí rộn ràng, ai nấy đều vui vì có một mùa vàng bội thu.

Thu hoạch lúa trong vùng liên kết cấy lúa giống ở xã Bình Định.

Ở xã Bình Định từ cuối những ngày tháng 5 trên 220ha diện tích lúa giống trong vùng liên kết của xã đã bắt đầu cho thu hoạch. Đây là vùng lúa liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed với gần 2.000 hộ tham gia. 

Ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Bình Định cho biết: Vùng liên kết sản xuất lúa giống được tổ chức sản xuất cấy cùng một loại giống, cùng trà, thu hoạch cùng thời điểm. Để thu hoạch đúng thời vụ, xã đã huy động 23 máy gặt tỏa ra khắp các cánh đồng, do đó đến nay diện tích vùng lúa liên kết đã thu hoạch trên 80% diện tích, dự kiến tới ngày 12/6 toàn bộ diện tích lúa xuân trên địa bàn xã sẽ thu hoạch xong. Cả cánh đồng lúa ngả màu vàng óng, bông to, hạt mẩy đã cho năng suất đạt 71 tạ/ha, riêng vùng liên kết sẽ cung cấp cho doanh nghiệp 550 tấn thóc. Người dân phần lớn là được thu mua thóc khô, một phần được thu mua tươi ngay tại ruộng với giá 7.200 đồng/kg. 

Một trong những hộ cấy lúa giống nhiều nhất trong vùng lúa liên kết ở Bình Định là hộ bà Trần Thị Phin, thôn Tân Đông. Bà Phin cho biết: Với tổng diện tích gieo cấy trên 7ha đến nay tôi đã huy động máy gặt thu hoạch xong, năng suất đạt 2,3 tạ thóc khô/sào, có tới 70% số thóc thu hoạch đã hoàn thành khâu sấy. Do cấy nhiều nên tôi đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc thực hiện đồng bộ từ khâu gieo mạ khay, cấy máy, làm đất đến thu hoạch và sấy sản phẩm do đó mùa vụ diễn ra rất nhanh và nhàn. Toàn bộ số thóc thu được tôi đều bán cho doanh nghiệp với giá cao hơn gấp 1,3 lần so với cấy thông thường, trừ chi phí ước tính tôi sẽ thu về trên 300 triệu đồng. Thu hoạch xong diện tích của nhà tôi còn tranh thủ thu hoạch lúa và sấy thóc cho người dân ở trong và ngoài xã.

Tới cánh đồng liên kết tại thôn An Cơ Bắc, xã Thanh Tân, ông Nguyễn Thế An, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: HTX đã thực hiện liên kết sản xuất với Công ty TNHH Hưng Cúc từ năm 2017 cấy giống lúa hoa cúc vàng với diện tích hơn 20ha. Với mô hình này, người dân được hưởng lợi, không phải lo về giống, đầu ra sản phẩm, được thu mua thóc tươi theo giá thị trường, thuận tiện trong thu hoạch. Riêng vùng liên kết doanh nghiệp tự huy động máy gặt xuống đồng thu hoạch lúa từ ngày 3/6. Năm nay năng suất đạt cao hơn năm ngoái, khoảng 72tạ/ha, doanh nghiệp thu mua với giá 6.000 đồng/kg. Dự kiến đến ngày 12/6 toàn bộ lúa xuân trên địa bàn xã sẽ thu hoạch xong. Không chỉ thu mua trong vùng liên kết, Công ty TNHH Hưng Cúc còn thu mua thóc tươi cho những hộ tích tụ ở xung quanh khu vực liên kết với khoảng hơn 10ha.

Nông dân xã Bình Thanh bán thóc cho doanh nghiệp thu mua sau thu hoạch.

Tới xã Minh Quang, ông Trần Xuân Lưỡng là người có diện tích tích tụ liên kết với doanh nghiệp lớn nhất xã cho biết: Vụ lúa xuân năm 2023 tiếp tục là vụ thắng lợi của tôi, đánh dấu thêm sự thành công trong việc liên kết cấy lúa giống cho doanh nghiệp. Hàng chục năm qua tôi đã duy trì cấy mỗi vụ gần 13 ha lúa giống nhị ưu 986 cho Công ty Cổ phần Công nghệ cao Hải Phòng. Đây cũng là giống lúa chịu rét và chống đổ tốt, chống chịu sâu bệnh, chất lượng gạo ngon và thu hoạch sớm hơn những giống lúa thường. Vì thế tranh thủ thời tiết thuận lợi những ngày qua tôi đã huy động 3 máy gặt, gặt đến đâu cho vào lò sấy khô tới đó và đóng bao cấp cho doanh nghiệp. Với diện tích đó từ khâu thu hoạch đến sấy sản phẩm tôi chỉ làm vẻn vẹn trong 1 tuần là hoàn thành. Với năng suất đạt 1,7 tấn/ha, bán với giá 45.000 đồng/kg thóc khô, tôi cầm chắc trong tay trên 800 triệu đồng.

Thu hoạch lúa xuân ở xã Quang Trung.

Qua thực tế những vùng liên kết trên cho thấy Kiến Xương đã khai thác thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, nhất là việc giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm thông qua liên kết với doanh nghiệp. Hiện nay có hơn 10 doanh nghiệp thực hiện liên kết với các địa phương để bao tiêu đầu ra sản phẩm lúa gạo cho nông dân trên địa bàn huyện. Kiến Xương luôn xác định đẩy mạnh việc sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Trên tinh thần đó, vụ lúa xuân năm 2023 toàn huyện đã tiếp tục duy trì trên 1.140 ha diện tích liên kết với các doanh nghiệp. Việc sản xuất gắn với tiêu thụ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và doanh nghiệp, giải quyết được bài toán trúng mùa được giá, mà còn góp phần thay đổi phương thức, thói quen sản xuất cũ, giúp nông dân tiếp cận kỹ thuật canh tác tiên tiến. Cũng từ đó nhiều địa phương đã hướng tới xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất lúa gạo hữu cơ, xây dựng thương hiệu gạo đặc thù của địa phương và đóng túi sản phẩm bán ra thị trường, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm.

HTX Sản xuất kinh doanh nông sản Quang Lanh đầu tư hệ thống máy gặt hiện đại thu hoạch lúa.

Hiện nay đang là thời kỳ cao điểm thu hoạch vụ lúa xuân năm 2023 của huyện Kiến Xương. Các xã, thị trấn đã đẩy mạnh tuyên truyền tới bà con nông dân huy động nhân lực, phương tiện thu hoạch lúa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để giảm thiệt hại do thời tiết bất thuận gây ra. Theo đánh giá của huyện, năng suất lúa vụ xuân năm 2023 ước đạt trên 71 tạ/ha.

                                                                      Thu Thủy

 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày