Thứ 2, 13/01/2025, 06:36[GMT+7]

Bổ sung quy định giao dịch trên 100 triệu đồng được giải quyết theo thủ tục rút gọn nếu đủ điều kiện

Thứ 3, 13/06/2023 | 14:19:49
6,250 lượt xem
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được chỉnh lý theo hướng khẳng định rõ: vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị giao dịch từ 100 triệu đồng trở lên được giải quyết theo thủ tục rút gọn khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 13/6. (Ảnh: DUY LINH).

Sáng 13/6, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Đây là dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 này.

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, tại Kỳ họp thứ 5, trong phiên thảo luận ở hội trường, đã có 22 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến góp ý cho dự thảo Luật.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý và thể hiện như trong dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật. Theo đó, có 3 nội dung báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, một số ý kiến đề nghị bỏ điều kiện về giá trị tranh chấp và không nên hạn chế việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn chỉ vì giao dịch đó có giá trị hơn 100 triệu đồng, trong khi tất cả những điều kiện khác đều được thỏa mãn điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH).

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý và thể hiện như tại khoản 2, Điều 70 theo hướng khẳng định rõ: vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị giao dịch từ 100 triệu đồng trở lên được giải quyết theo thủ tục rút gọn khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự. Như vậy, sẽ không hạn chế việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn chỉ vì giao dịch đó có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.

Còn đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng, được giải quyết theo thủ tục rút gọn khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 70 dự thảo Luật.

“Quy định như vậy nhằm thể hiện tính chất đặc thù của vụ án về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì phần lớn các vụ việc của người tiêu dùng đều có giá trị nhỏ, xảy ra thường xuyên, liên tục; đồng thời, phù hợp với kinh nghiệm và xu hướng quốc tế. Ngay tại các nước có công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phát triển cũng áp dụng thủ tục rút gọn đối với các vụ việc có giá trị nhỏ”, Chủ nhiệm Lê Quang Huy nêu rõ.

Việc áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ việc có giá trị xác định nhằm bảo đảm tiết kiệm chi phí, nguồn lực xã hội phải bỏ ra để giải quyết các vụ việc có giá trị không lớn, góp phần tạo niềm tin cho người tiêu dùng và nâng cao ý thức pháp luật một cách hiệu quả đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, trên cơ sở tham khảo các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự, dự án Luật đã hoàn thiện các điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo hướng phù hợp với thực tiễn các vụ việc của người tiêu dùng, bảo đảm tính khả thi.

Về án phí đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có ý kiến đề nghị các quy định tại Điều 71 về án phí, lệ phí còn một số điểm cần phải được xem xét, tiếp tục chỉnh sửa cho phù hợp như: tên gọi của Điều 71 chưa phù hợp với các quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, bởi lẽ vụ án dân sự thì không đặt ra vấn đề lệ phí; nội dung của các Khoản 1, 2, 3 cần loại bỏ quy định về vấn đề lệ phí của tòa án.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: DUY LINH).

Theo Chủ nhiệm Lê Quang Huy, sau khi nghiên cứu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ luật Tố tụng dân sự và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/6/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, ý kiến đại biểu Quốc hội là xác đáng và xin tiếp thu, thể hiện như tại Điều 71 dự thảo Luật.

Về công khai thông tin của vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định việc công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng tại Điều 72, tránh gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hoặc lợi dụng quy định này để cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các luật có liên quan khác.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, quy định việc công khai thông tin chỉ áp dụng đối với vụ án do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện vì lợi ích công cộng. Việc công khai thông tin về vụ án là cần thiết nhằm bảo đảm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng liên quan đến vụ án.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để làm rõ quy định này, Điều 72 dự thảo Luật đã hoàn thiện theo hướng: Quy định rõ hơn nội dung chỉ công khai “thông báo về thụ lý vụ án của Tòa án” nhằm bảo đảm tính khách quan, chính xác của thông tin được thông báo; quy định rõ hơn hình thức thông báo là được thực hiện tại trụ sở và trang thông tin điện tử (nếu có) của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đồng thời, để bảo đảm cân bằng quyền lợi, nghĩa vụ giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh, luật hóa nghĩa vụ của bên thua, dự thảo Luật đã bổ sung khoản 3 tại Điều 72 về trách nhiệm của tổ chức xã hội công bố công khai kết quả giải quyết vụ án trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc vụ án.

Sau phần báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng được giải quyết theo thủ tục rút gọn khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 70 dự thảo Luật; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch điện tử, trên không gian mạng Internet và các nền tảng mạng xã hội, mua bán hàng online; bảo vệ người tiêu dùng trong giao dịch tài chính ngân hàng như khi người dân gửi tiền vào ngân hàng nhưng lại bị chuyển thành mua bảo hiểm; trách nhiệm của Hội đồng quản trị, cơ quan, tổ chức xã hội, kinh doanh trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến vào việc công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng tránh gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hoặc lợi dụng quy định này để cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức, cá nhân.

Theo: nhandan.vn