Chủ nhật, 24/11/2024, 00:08[GMT+7]

Xác định trách nhiệm quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ

Thứ 4, 14/06/2023 | 08:35:07
5,648 lượt xem
Ngày 13/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Đây là dự án luật được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 5.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành nội dung thảo luận tại phiên họp. (Ảnh DUY LINH).

Sau phần báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ trưởng Quốc phòng đối với chữ ký số chuyên dùng công vụ; quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ; trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan trong việc quản lý hoạt động giao dịch điện tử nhưng phải bảo đảm sự phân cấp, phân quyền; dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ, chứng thực điện tử công; cách thức giao dịch điện tử; quản lý nhà nước về cơ sở dữ liệu trong giao dịch điện tử...

Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội có một một văn bản báo cáo để Chính phủ đóng góp ý kiến, nếu thống nhất được sẽ trình Quốc hội thông qua dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 5.

Về bố cục của dự án luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại về chức năng quản lý nhà nước. Trong quản lý nhà nước, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giao dịch điện tử. Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối giúp cho Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ trưởng Quốc phòng đối với chữ ký số chuyên dùng công vụ; các bộ, ngành liên quan thực hiện việc quản lý như thế nào cũng cần đề cập rõ hơn. Tuyệt đối không nhầm lẫn giữa chức năng quản lý nhà nước với cung ứng dịch vụ công.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý các cơ quan đối với việc biên tập lại Điều 31 về dịch vụ tin cậy và phải có hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, còn những nội dung khác trong văn bản tiếp thu, giải trình, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án luật tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường xây dựng báo cáo, tiếp thu giải trình, gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, xin ý kiến.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng: Về thực tiễn quản lý nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về giao dịch điện tử từ năm 2005 đến nay, trong đó có chữ ký số. Ban Cơ yếu Chính phủ được giao cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị từ năm 2007 đến nay. Do đó, quy định tại Điều 7 của dự thảo luật là phù hợp pháp luật hiện hành và thực tiễn quản lý nhà nước về giao dịch điện tử.

Để bảo đảm phù hợp phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, Điều 15 dự thảo luật chỉ quy định các yêu cầu kỹ thuật, cách thức chuyển đổi giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu phải đáp ứng và dẫn chiếu đến quy định của pháp luật có liên quan, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. 


Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy nên giữ quy định trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, Bộ trưởng Quốc phòng, ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại khoản 2, 3 Điều 7 của dự thảo luật để bảo đảm giao dịch điện tử được quản lý một cách toàn diện, đầy đủ trong tất cả các lĩnh vực, theo quy định pháp luật về giao dịch điện tử và pháp luật có liên quan.

Về chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu (Điều 15), qua nghiên cứu, rà soát, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, giá trị sử dụng hay giá trị pháp lý của văn bản chuyển đổi cũng như cơ quan, tổ chức chuyển đổi đã được quy định tại một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Để bảo đảm phù hợp phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, Điều 15 dự thảo luật chỉ quy định các yêu cầu kỹ thuật, cách thức chuyển đổi giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu phải đáp ứng và dẫn chiếu đến quy định của pháp luật có liên quan, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Sau phần báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng được giải quyết theo thủ tục rút gọn khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 70 dự thảo luật; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch điện tử, trên không gian mạng và các nền tảng mạng xã hội, mua bán hàng online; bảo vệ người tiêu dùng trong giao dịch tài chính ngân hàng như khi người dân gửi tiền vào ngân hàng nhưng lại bị chuyển thành mua bảo hiểm; trách nhiệm của hội đồng quản trị, cơ quan, tổ chức xã hội, kinh doanh trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...

Tại phiên họp hôm qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã báo cáo xin rút ngắn thời gian thực hiện dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận xuống còn 5 năm, từ năm 2023 đến hết năm 2027.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết về quyết định chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận. Phát biểu kết luận về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự thảo nghị quyết tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời lưu ý các cơ quan soạn thảo dự thảo nghị quyết bảo đảm tính khả thi.

Theo: nhandan.vn