Chủ nhật, 24/11/2024, 05:33[GMT+7]

Lợi bất cập hại từ đốt rơm, rạ

Thứ 5, 15/06/2023 | 08:19:05
1,645 lượt xem
Năm nào cũng vậy, cứ sau các vụ thu hoạch lúa, nhiều cánh đồng trên địa bàn tỉnh lại nghi ngút khói do việc đốt rơm, rạ của người dân. Thời tiết nắng nóng kết hợp khói bụi gây ra ngột ngạt, khó thở, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí từ việc đốt rơm, rạ, những năm qua, các sở, ngành, địa phương đã quan tâm, triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế, tiến tới đẩy lùi tình trạng đốt rơm, rạ. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất nông nghiệp về phương pháp thu gom, xử lý, tái sử dụng rơm, rạ và phụ phẩm cây trồng để làm nguyên liệu sản xuất như trồng nấm, phân vi sinh, hàng mỹ nghệ. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng đốt rơm, rạ tại các địa phương tuy có giảm nhưng chưa bền vững.

Những ngày này, khắp các cánh đồng trên địa bàn tỉnh không khó bắt gặp những đống rơm cuồn cuộn khói, gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông do lửa và khói làm hạn chế tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông. 

Ông Trần Văn Nhu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thanh (Kiến Xương) cho biết: Hiện nay, đa phần người dân không có nhu cầu sử dụng rơm, rạ trong đun nấu hàng ngày. Vì vậy, để hạn chế tình trạng đốt rơm, rạ, UBND xã đã chỉ đạo HTX DVNN, các đoàn thể tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp kỹ thuật xử lý rơm, rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học ngay trên đồng ruộng. Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn đốt rơm, rạ sớm để giải phóng đất.

Theo bà Nguyễn Thị Lê, thôn Điện Biên, xã Bình Thanh (Kiến Xương), nếu để rơm, rạ ở ruộng thì vụ mùa nông dân làm đất rất khó, thời gian làm đất ngắn nên rơm, rạ không hoai mục được. Do đó, sau khi thu hoạch lúa bà con thường thu dọn rơm, rạ trên đồng ruộng để phơi khô đốt lấy tro bón cho đất vừa giảm được công xử lý, đồng thời lại tiêu diệt được mầm mống dịch hại.

Nhưng trên thực tế, việc đốt rơm, rạ lợi ít hại nhiều khi mà khói rơm khuếch tán bay mù mịt gây ô nhiễm môi trường, nhất là những ngày này khi tại nhiều địa phương bị ảnh hưởng do cắt điện luân phiên. Thậm chí, đốt rơm, rạ còn làm mất chất dinh dưỡng của đất, tiêu diệt các loại thiên địch có ích dẫn đến phát sinh nhiều bệnh dịch hại lúa. Nếu đốt rơm, rạ tại đồng ruộng nhiều lần sẽ làm cho đất bị biến chất và trở nên chai cứng, khô cằn. Để lấy lại cân bằng sinh thái và làm tốt đất, nông dân phải sử dụng một lượng lớn phân bón hóa học, thuốc trừ sâu khiến chi phí sản xuất đội lên. 

Giãi bày về nguyên nhân đốt rơm, rạ, ông Vũ Đức Nghĩa, thôn Trung Lang, xã Nam Hải (Tiền Hải) cho biết: Đời sống của người dân ngày càng được cải thiện nên nhu cầu cuộc sống với những đồ dùng trong sinh hoạt cũng ngày càng hiện đại. Nấu cơm thì đã có nồi cơm điện. Thức ăn thì nấu bằng gas nên rơm, rạ không được tận dụng. Sau khi máy gặt lúa xong chỉ việc chở thóc về nhà còn rơm, rạ phát sinh phải xử lý chứ biết làm sao. Nếu không đốt thì chắc rơm, rạ cũng chất đống ở ngoài đồng, làm ổ cho chuột sinh sôi gây hại cho mùa màng. Cấm đốt là việc nên làm nhưng chính quyền cũng cần có biện pháp phù hợp để hướng dẫn người dân cách xử lý hiệu quả.

Nông dân xã Bình Thanh (Kiến Xương) đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường.

Bà Ngô Thị Bích Liên, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kiến Xương cho biết: Để hạn chế tình trạng nông dân đốt rơm, rạ sau thu hoạch, Phòng đã chủ động phối hợp với các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của việc đốt rơm, rạ đối với môi trường sống. Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn bà con áp dụng các biện pháp kỹ thuật để xử lý rơm, rạ sau thu hoạch. Khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn áp dụng các giải pháp ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm, rạ và phụ phẩm cây trồng thân thiện với môi trường nhằm cải tạo đất, tạo nguồn phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp, bảo đảm vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, việc triển khai chế phẩm này mới dừng lại ở các mô hình thí điểm, chưa được nhân rộng nên nhiều nông dân vẫn chưa biết và chưa mặn mà với việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm, rạ sau thu hoạch.

Việc người dân đốt rơm, rạ đã diễn ra nhiều năm, lặp đi lặp lại vào mỗi vụ thu hoạch lúa. Dù đã có những biện pháp tuyên truyền người dân không đốt rơm, rạ, vẫn còn những lý do khó giải quyết khiến người dân buộc phải đốt, gây ô nhiễm môi trường và nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2022, tại khoản 1 Điều 41 quy định: Phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính.


Đức Dũng