Thứ 2, 13/01/2025, 06:29[GMT+7]

Quốc hội duyệt đầu tư 1.930 tỷ đồng xây đường kết nối Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận

Thứ 3, 20/06/2023 | 10:40:12
3,699 lượt xem
Dự án được thực hiện từ năm 2023 đến hết năm 2027 với tổng mức đầu tư khoảng 1.930 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu dự án có tính chất liên kết vùng là 1.000 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương là 930 tỷ đồng.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết. (Ảnh: DUY LINH).

Sáng 20/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận, với 471/472 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (bằng 95,34% tổng số đại biểu Quốc hội).

Nghị quyết nêu rõ, mục tiêu của dự án nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển tỉnh Khánh Hòa theo Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án với đa số đại biểu tán thành. (Ảnh: DUY LINH).

Đồng thời, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung, tăng khả năng kết nối giao thông, vận chuyển hàng hóa liên vùng với các tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng.

Dự án được thực hiện trên địa bàn 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa theo hình thức đầu tư công. Quy mô đầu tư khoảng 56,9 km đường cấp III miền núi, tốc độ thiết kế là 60km/h. Đoạn qua địa hình khó khăn, hiểm trở, độ dốc cao, gấp khúc tốc độ thiết kế là 40km/h; 2 làn xe, tổng chiều rộng nền 9m, mặt đường rộng 6m, lề đường 2 bên 3m (gia cố lề mỗi bên 1m). 


Dự án gồm 2 dự án thành phần: bồi thường, hỗ trợ tái định cư; và xây lắp, được triển khai từ năm 2023 đến hết năm 2027 với tổng mức đầu tư khoảng 1.930 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu dự án có tính chất liên kết vùng là 1.000 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương là 930 tỷ đồng.

Quốc hội đồng ý chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng và chuyển mục đích sử dụng rừng khoảng 75,58ha để thực hiện dự án (đất rừng, rừng phòng hộ đầu nguồn khoảng 27,07ha; đất rừng, rừng đặc dụng khoảng 32,88ha; và đất rừng, rừng sản xuất khoảng 15,63ha).

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết trước khi Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua. (Ảnh: DUY LINH).

Đồng thời, cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù: giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa quyết định đầu tư dự án, trình tự lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định của pháp luật có liên quan đối với dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý.

Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện, quản lý và khai thác, vận hành Dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình; quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công khai, minh bạch và hiệu quả, không để trục lợi chính sách.

Theo: nhandan.vn