Thứ 2, 13/01/2025, 07:02[GMT+7]

Xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Thứ 3, 20/06/2023 | 14:56:04
5,045 lượt xem
Bên cạnh góp phần củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở, việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cũng nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn trong xây dựng, hoạt động, quản lý và sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. (Ảnh: DUY LINH).

Bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 20/6, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nêu rõ việc xây dựng luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; giảm chi ngân sách nhà nước; cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

Dự án luật nhằm mục đích xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở do Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, các lực lượng chức năng, trong đó Công an nhân dân làm nòng cốt thực hiện; pháp điển hóa văn bản quy phạm pháp luật về các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để quy định trong văn bản luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn trong xây dựng, hoạt động, quản lý, sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.

Dự thảo Luật gồm 5 chương, 31 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Quang cảnh phiên họp của Quốc hội sáng 20/6. (Ảnh: DUY LINH).

Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, dự thảo luật quy định tiêu chuẩn về lý lịch, trình độ văn hóa, sức khỏe của người được tuyển chọn tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự của từng vùng miền.

Bên cạnh đó, luật cũng quy định quan hệ công tác với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Công an cấp xã và quan hệ phối hợp với các cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn cấp xã; các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến tổ chức, hoạt động, xây dựng, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định kiện toàn thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và được bố trí theo mô hình tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương…

Rà soát các quy định, bảo đảm thống nhất và khả thi

Thẩm tra nội dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành luật với những lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ và cơ bản tán thành với tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật do Chính phủ trình, vì đã khái quát đầy đủ và tương đối thống nhất với nội dung dự thảo luật, phù hợp với mục tiêu xây dựng luật.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, dự án luật có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, đáp ứng các yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến; đồng thời cho rằng dự thảo Luật đã quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp quy định của Hiến pháp, pháp luật có liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới. (Ảnh: DUY LINH).

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cũng nêu rõ, do nội dung dự thảo luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân và một số lực lượng khác có liên quan ở cơ sở, nên đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, bảo đảm chặt chẽ, khả thi khi áp dụng luật.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí với quy định về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở như dự thảo luật và nhất trí với các tiêu chuẩn tuyển chọn, hồ sơ tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại Điều 4, gắn với quy định thẩm tra hồ sơ, bầu vào Tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại Điều 13.

Về quan hệ công tác, phối hợp của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và huy động lực lượng thực hiện bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Điều 5), đa số ý kiến của Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với quy định theo nguyên tắc đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền và sự chỉ huy, chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan Công an.

Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết quy định cụ thể nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong dự thảo Luật, đồng thời đề nghị tiếp tục hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ cho phù hợp với vị trí, chức năng của lực lượng này.

Ủy ban cũng cơ bản nhất trí với dự thảo luật quy định giao Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì thực hiện quản lý nhà nước về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đồng thời tiếp tục rà soát nội dung cụ thể về trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương để tiếp thu cho phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, hợp lý và khả thi.

Về bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đa số ý kiến nhất trí với dự thảo luật và đề nghị quy định chi trả phụ cấp hàng tháng (hoặc hàng quý) đối với Tổ trưởng, Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh, trật tự.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, mức độ bảo đảm còn rất hạn chế so với yêu cầu nhiệm vụ. Khi kiện toàn, tổ chức lại lực lượng thì cần phải quan tâm hơn nữa thực hiện chế độ, chính sách, điều kiện đảm bảo hoạt động cho lực lượng nhằm động viên, khuyến khích, thu hút người dân tham gia, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Vì vậy, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị đánh giá kỹ, tính toán đủ mức kinh phí mà ngân sách nhà nước phải bảo đảm để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, động viên, khuyến khích được người dân tham gia, phù hợp với khả năng chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước làm cơ sở để Quốc hội xem xét quyết định.

Theo: nhandan.vn