Thống nhất tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ
Chiều 23/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
Không lấy phiếu tín nhiệm với người chờ nghỉ hưu
Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết này.
Kết quả cho thấy, có 470 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, (chiếm tỷ lệ 95,14%). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH).
Theo Nghị quyết, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ: Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn trong các trường hợp quy định tại Điều 13 của Nghị quyết này. Trường hợp một người đồng thời giữ nhiều chức vụ quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này, thì việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với tất cả các chức vụ đó.
Nghị quyết nêu rõ không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 13 đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu tín nhiệm.
Quang cảnh phiên họp của Quốc hội chiều 23/6. (Ảnh: DUY LINH).
Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, giúp họ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.
Về nguyên tắc, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là bảo đảm quyền và đề cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; bảo đảm quyền báo cáo, giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Đồng thời, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch; đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; bảo đảm sự ổn định và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ.
Về thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ.
Chỉ lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. (Ảnh: DUY LINH).
Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ: Về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm (Điều 2), có ý kiến đề nghị không quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ cấp xã để bảo đảm thống nhất với phạm vi đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định số 96-QĐ/TW.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến nêu trên và chỉnh lý khoản 2 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết theo hướng việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ được thực hiện tại Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
Về việc không lấy phiếu tín nhiệm đối với người mắc bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên, qua thảo luận, có ý kiến tán thành với dự thảo Nghị quyết và đề nghị bổ sung trường hợp nghỉ điều hành công tác từ 6 tháng trở lên vì lý do khác (không phải là vì lý do sức khỏe). Ngược lại, một số ý kiến đề nghị cần bám sát Quy định số 96-QĐ/TW về các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm để bảo đảm chặt chẽ, tránh bị lạm dụng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, lấy phiếu tín nhiệm là một kênh giám sát quan trọng của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Quy định số 96-QĐ/TW đã xác định cụ thể các trường hợp không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm.
Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý quy định tại khoản 5 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết theo hướng không lấy phiếu tín nhiệm đối với người đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu tín nhiệm.
Về hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm (Điều 12, Điều 17), có ý kiến tán thành với dự thảo Nghị quyết và cho rằng, cần có cơ chế cho người có phiếu tín nhiệm thấp chủ động xin từ chức, bổ sung thời hạn xin từ chức... Ngược lại, cũng có ý kiến đề nghị cần thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm luôn để bảo đảm tính nghiêm minh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo như sau: Các quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 12 của dự thảo Nghị quyết đã thể hiện nhất quán và đầy đủ tinh thần của Quy định số 96-QĐ/TW về việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm và yêu cầu tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Để phù hợp với phạm vi điều chỉnh, dự thảo Nghị quyết không quy định quá chi tiết tất cả các trường hợp về xử lý hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm cũng như thời hạn để người được lấy phiếu tín nhiệm xin từ chức mà nội dung này sẽ thực hiện theo các quy định khác có liên quan của Đảng và Nhà nước.
Đối với ý kiến đề nghị quy định người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số phiếu đánh giá “không tín nhiệm” thì Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét miễn nhiệm ngay tại kỳ họp đó mà không chờ đến kỳ họp sau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo như sau: Việc dự thảo Nghị quyết quy định việc xem xét miễn nhiệm đối với người có quá nửa tổng số phiếu đánh giá “không tín nhiệm” có thể được thực hiện tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất là để bảo đảm tính linh hoạt trong việc thực hiện các quy trình về công tác nhân sự.
Quy định như vậy cũng phù hợp với thực tiễn hoạt động của Hội đồng nhân dân ở địa phương, khi kỳ họp của Hội đồng nhân dân thường chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn.
Mặt khác, tại Điều 19 của dự thảo Nghị quyết đã bổ sung quy định về trách nhiệm báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm của Hội đồng nhân dân đến cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ và cơ quan cấp trên trực tiếp để thực hiện giám sát, nên các vấn đề về công tác cán bộ sẽ được theo sát và xử lý sớm nhất có thể, hạn chế để xảy ra tình trạng cán bộ có tín nhiệm thấp vẫn tiếp tục giữ chức vụ trong thời gian dài sau đó.
Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) gồm 22 điều và 7 Phụ lục kèm theo, sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8: Quốc hội thảo luận về các dự án luật 23.10.2024 | 16:17 PM
- Khẩn trương đưa các nghị quyết của HĐND tỉnh vào cuộc sống 29.08.2024 | 20:06 PM
- Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 26.07.2024 | 18:24 PM
- Kỳ họp thứ 7: Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật, nghị quyết 28.06.2024 | 16:09 PM
- Đồng chí Trần Thanh Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc hội 20.05.2024 | 16:33 PM
- Ngày làm việc thứ nhất Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII 16.05.2024 | 19:58 PM
- Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra vào chiều 2/5 01.05.2024 | 13:48 PM
- Xã luậnViết tiếp trang sử vàng của Đảng 03.02.2024 | 07:38 AM
- Triển khai quyết định bổ nhiệm Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh 22.01.2024 | 12:00 PM
- Đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và viếng các anh hùng liệt sĩ 01.12.2023 | 18:32 PM
Xem tin theo ngày
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”