Thứ 6, 22/11/2024, 04:27[GMT+7]

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm

Thứ 3, 04/07/2023 | 15:13:19
10,884 lượt xem
Ngày 4/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023.

Các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Video: 040723_-_CP_Hop_truc_tuyen.mp4?_t=1688480913

 

Dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình có các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành.

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2023, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia. 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 3,29% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 54% dự toán. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2022; giải ngân vốn đầu tư công đã có bước cải thiện đáng kể, ước đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tổng vốn FDI ước đạt trên 10 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2022. Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục có chuyển biến, sản xuất công nghiệp dần được cải thiện với giá trị tăng thêm quý II ước tăng 1,56% so với cùng kỳ năm 2022. Các vấn đề tồn đọng, vướng mắc tiếp tục được tập trung tháo gỡ, nhất là về thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, dự án đầu tư, bước đầu tạo chuyển biến tích cực, tác động khơi thông dòng tiền, nguồn lực của nền kinh tế, củng cố thêm niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin và truyền thông tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh; công tác an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân được chú trọng thực hiện Quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Công tác đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực, hiệu quả, đi vào thực chất. 

Các đại biểu dự hội nghị tập trung thảo luận về: Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2023; báo cáo việc huy động nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài và tỷ lệ vay lại vốn vay nước ngoài của các dự án vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. 

 Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình. 

Buổi chiều, các đại biểu tập trung góp ý vào dự thảo nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. 

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm là do có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân và doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế; tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, đó là tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,72%, thấp hơn so với kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/ NQ-CP (6,2%), trong đó 4 địa phương tăng trưởng âm (Bắc Ninh, Quảng Nam, Lai Châu, Bà Rịa - Vũng Tàu); tình hình xuất nhập khẩu chưa có nhiều khởi sắc; dư nợ tín dụng tăng trưởng thấp; thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm; sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn; thủ tục hành chính một số lĩnh vực còn nặng nề, chưa thông thoáng, đặc biệt còn có tình trạng vướng mắc pháp lý ở nhiều dự án đầu tư chậm được các cấp, các ngành giải quyết; đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo... 

Thủ tướng cho rằng, bối cảnh 6 tháng cuối năm sẽ có nhiều khó khăn hơn thời cơ, thuận lợi nên đòi hỏi phải tăng cường phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình trong và ngoài nước để có phản ứng, chính sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả; đồng thời, chuẩn bị kỹ các phương án, kịch bản, giải pháp ứng phó, dứt khoát không để bị động, bất ngờ. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải linh hoạt, có giải pháp đúng, tập trung thực hiện hiệu quả với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt hơn nữa, kiên trì, bền bỉ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ; giữ được ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, trong đó đặc biệt ưu tiên tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm đời sống nhân dân; rà soát cơ chế, chính sách, có giải pháp cụ thể, phù hợp để tập trung hỗ trợ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công; tập trung nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; không được đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, xử lý nghiêm các vi phạm nếu có; thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng, trong đó lưu ý đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện các công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia đi qua địa phương; tập trung tháo gỡ khó khăn, khắc phục ngay tình trạng sản xuất, kinh doanh trì trệ, khôi phục và tìm kiếm thị trường, đơn hàng mới; bảo đảm an sinh xã hội, việc làm và đời sống nhân dân, trong đó lưu ý việc tăng lương và kiểm soát giá; thúc đẩy các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giữ vững ổn định chính trị; giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề quan trọng, cấp bách và mới phát sinh. 

Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả hơn; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng, hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát; tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, bảo đảm nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, thực hiện các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho sản xuất, kinh doanh; đồng thời kêu gọi, đề nghị cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực, cố gắng hơn nữa, tăng cường tiết kiệm chi phí, đổi mới quản trị doanh nghiệp, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả; các bộ, ngành, địa phương đồng hành, phối hợp chặt chẽ cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đồng thời rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Minh Hương