Chủ nhật, 12/01/2025, 20:49[GMT+7]

Thảo luận tổ trước kỳ họp thứ sáu, HĐND tỉnh khóa XVII

Thứ 2, 10/07/2023 | 19:00:14
12,482 lượt xem
Chiều ngày 10/7, HĐND tỉnh chia tổ thảo luận về các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp thứ sáu. Dự thảo luận tổ có các đồng chí: Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII.

Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự thảo luận tại tổ thành phố Thái Bình.

Video: 100723-_th%E1%BA%A3o_lu%E1%BA%ADn_t%E1%BB%95_tr%C6%B0%E1%BB%9Bc_k%E1%BB%B3_h%E1%BB%8Dp_th%E1%BB%A9_6_h%C4%91nd_t%E1%BB%89nh_kh%C3%B3a_xvii.mp4?_t=1688997420

Qua nghiên cứu, thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết trình kỳ họp. Các đại biểu ghi nhận, đánh giá dù còn nhiều khó khăn song với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, sự vào cuộc tích cực của các tầng lớp nhân dân kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm đạt được những kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,77%, xếp thứ 5 của vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 10 toàn quốc. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì ổn định và tăng trưởng khá. Đến nay, toàn tỉnh có 25 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, năm 2023 có 28 xã đăng ký về đích nông thôn mới nâng cao. Tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư, giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo đảm việc làm cho người lao động… Một số dự án, công trình trọng điểm, công trình kết nối quan trọng được tập trung nguồn lực để sớm hoàn thành, tạo động lực cho thu hút đầu tư và phát triển kinh tế của tỉnh. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chỉ đạo toàn diện, an sinh xã hội được bảo đảm và phục vụ tốt đời sống nhân dân. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Đồng chí Đặng Thanh Giang, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ Vũ Thư.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích kỹ lưỡng những kết quả đạt được, chỉ rõ những vướng mắc, khó khăn, hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm.

Các đại biểu cho rằng để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 là 11% sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức, các cấp, các ngành phải có quyết tâm chính trị cao với giải pháp quyết liệt, đồng bộ. Trước hết, tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả; trong đó chú trọng hỗ trợ tích tụ đất đai, tập trung thực hiện các mô hình nông nghiệp hữu cơ, mô hình VietGAP cho các xã về đích nông thôn mới nâng cao và cấp mã số vùng trồng; chỉ đạo quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Hỗ trợ các địa phương xây dựng, phát triển các vùng chăn nuôi trọng điểm. Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sử dụng đất, các hoạt động khai thác khoáng sản và xử lý kịp thời các điểm “nóng” về môi trường. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, các tuyến giao thông kết nối, tạo động lực cho thu hút đầu tư. Tháo gỡ thực chất những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính. Tăng cường quản lý về chất lượng nước và giải quyết tình trạng thiếu nước sạch ở nông thôn. Triển khai hiệu quả nền tảng chuyển đổi số; các nghị quyết, đề án, kế hoạch về chuyển đổi số của tỉnh; chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy xây dựng chính quyền số. Cùng với đó, các cấp, các ngành chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng nhân dân, giải quyết những vấn đề vướng mắc, phát sinh ngay từ cơ sở. Làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân...

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến thể hiện sâu sắc, đề xuất những giải pháp mới, trách nhiệm xung quanh các nhóm vấn đề được đưa ra thảo luận tại kỳ họp về cơ chế, chính sách, quản lý đất đai, xử lý rác thải bảo vệ môi trường, an ninh trật tự an toàn xã hội…

Các ý kiến thảo luận tại tổ của các đại biểu HĐND tỉnh sẽ được tổng hợp báo cáo tại kỳ họp HĐND tỉnh sáng ngày 12/7.

Đồng chí Nguyễn Văn Giang, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy dự thảo luận tại tổ Hưng Hà.

Thảo luận tại tổ Quỳnh Phụ.    

Thảo luận tại tổ Tiền Hải .

Thảo luận tại tổ Kiến Xương.

Thảo luận tại tổ Đông Hưng.

Thảo luận tại tổ Thái Thụy.




Đại biểu Trần Hữu Hiệp, Giám đốc Sở Tư pháp


Qua thảo luận, các đại biểu tổ Đông Hưng đều thống nhất với nội dung các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp và đánh giá: Trong bối cảnh khó khăn, Thái Bình đạt được kết quả phát triển kinh tế - xã hội như báo cáo đánh giá của UBND tỉnh là một nỗ lực lớn. Tuy nhiên, dự báo tình hình 6 tháng cuối năm 2023 sẽ còn nhiều yếu tố tác động nên việc thực hiện các mục tiêu đề ra sẽ còn khó khăn hơn, nhất là thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, theo tôi tỉnh cần chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát lại toàn bộ các giải pháp, đánh giá lại kịch bản tăng trưởng, từ đó từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Trước hết, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chú trọng xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Chủ động nắm bắt tình hình, tháo gỡ thực chất những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp dệt may để bảo đảm việc làm, ổn định đời sống cho người lao động. Cùng với đó, rà soát, đánh giá lại các nguồn dư địa, có giải pháp tăng thu ngân sách nhà nước, từ đó cân đối nguồn lực đầu tư hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm; quan tâm đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư... Các tờ trình liên quan đến các cơ chế, chính sách trình tại kỳ họp lần này đều là những nội dung quan trọng, liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, vì vậy các đại biểu đều đồng tình và mong muốn các nghị quyết sớm được ban hành để triển khai thực hiện.


Đại biểu Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy


Thời gian qua, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu chỉ đạo quyết liệt, sát sao, triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu, công tác quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường đã được tập trung làm tốt, tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được đẩy nhanh hơn. Tuy nhiên, ở một số địa phương, đơn vị vẫn còn tình trạng tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, làm lấn, làm trái quy định; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân vẫn còn chậm, thủ tục còn rườm rà. Đại biểu đề nghị HĐND tỉnh sớm tổ chức giám sát chuyên đề về công tác quản lý, giải quyết các thủ tục liên quan đến đất đai cho người dân; cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục có giải pháp quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên và môi trường đúng quy định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý, sử dụng đất đai, xử lý dứt điểm các tồn tại, kiên quyết không để xảy ra vi phạm mới, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.


Đại biểu Nguyễn Đức Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Vũ Ninh (Kiến Xương)


Từ kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh, đại biểu đã chất vấn về tình trạng thiếu nước cục bộ ở một số địa phương, chất lượng nước của một số nhà máy nước chưa bảo đảm. Trong phần trả lời của mình, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, đến nay tình trạng này vẫn chưa được cải thiện là mấy, cử tri một số địa phương vẫn có ý kiến, kiến nghị, đặc biệt là các xã, thị trấn sử dụng nước của các nhà máy nước do Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long cung cấp. Vì vậy, tôi đề nghị HĐND tỉnh, các sở, ngành liên quan tiến hành kiểm tra, giám sát quy trình cấp nước sạch của các nhà máy nước trên địa bàn toàn tỉnh, nếu nhà máy nước nào dân kiến nghị nhiều lần mà vẫn chưa cải thiện về công suất, chất lượng thì điều chỉnh quy hoạch, chuyển doanh nghiệp có thực lực quản lý, điều hành.


Đại biểu Trần Văn Toản, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh


Hiện nay, hoạt động của các HTX gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn sản xuất, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Cùng với đó, trình độ của xã viên còn nhiều hạn chế, chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả chưa cao. Trong giải pháp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tỉnh đã có nhiều chủ trương hỗ trợ phát triển HTX, tuy nhiên các cơ chế, chính sách chưa tạo được sức bật cho kinh tế HTX. Vì vậy, tôi đề nghị HĐND tỉnh thảo luận, ban hành các nghị quyết hỗ trợ cho các HTX phát triển; trong đó thành lập quỹ hỗ trợ HTX, hỗ trợ tập huấn nâng cao trình độ cho xã viên, thúc đẩy tích tụ ruộng đất và sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển. Tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi tư duy của người dân từ sản xuất nông nghiệp thuần tuý sang kinh tế nông nghiệp, về xu thế tất yếu phải phát triển kinh tế, HTX để tạo đồng thuận trong nhân dân góp phần thúc đẩy HTX nông nghiệp phát triển.

Đại biểu Đặng Thị Thu Hằng, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Vũ Thắng (Kiến Xương)


Ngành Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực vượt khó, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, hoàn thành chương trình, kế hoạch năm học 2022 - 2023. Đặc biệt đã có nhiều đổi mới, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ. Một trong những đổi mới đó là tổ chức các kỳ thi nghiêm túc, an toàn, bảo đảm chất lượng, trong đó có kỳ thi vào lớp 10 công lập và lớp 10 chuyên tổ chức một đợt, giảm áp lực cho học sinh, lại có nguyện vọng 2 thêm cơ hội cho học sinh không đỗ đợt 1, các trường ở vùng sâu vùng xa sau nhiều năm thiếu học sinh đã tuyển đủ. Tình trạng dạy thêm, học thêm đã hạn chế giảm áp lực cho học sinh và phụ huynh, học sinh nhất là học sinh tiểu học và THCS có thời gian rèn luyện sức khỏe, vui chơi để phát triển toàn diện hơn. Để tạo thuận lợi cho các nhà trường thực hiện hiệu quả các chương trình, phương pháp giáo dục mới, tỉnh cần có cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ đồng bộ trang thiết bị dạy và học đáp ứng yêu cầu hiện nay.


Nhóm phóng viên