Thứ 5, 02/05/2024, 09:56[GMT+7]

Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ sáu, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026

Thứ 3, 11/07/2023 | 08:30:45
14,642 lượt xem
Sáng ngày 11/7, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc trọng thể kỳ họp thứ sáu đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, thảo luận và thống nhất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023; đồng thời xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác của tỉnh.

Các đại biểu dự kỳ họp.

Video: 110723-KHAI_M%E1%BA%A0C_TR%E1%BB%8CNG_TH%E1%BB%82_K%E1%BB%B2_H%E1%BB%8CP_H%C4%90ND_T%E1%BB%88NH.mp4?_t=1689059091

 

Dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh; các vị đại biểu Quốc hội khóa XV, các vị đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, lãnh đạo các huyện, thành phố.

Toàn cảnh kỳ họp.

Phát huy dân chủ, trách nhiệm trong thảo luận, quyết định đúng đắn các vấn đề

Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ tập trung thảo luận, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; chỉ rõ những ưu điểm, mặt hạn chế, phân tích nguyên nhân và đề ra giải pháp hiệu quả khắc phục những tồn tại, hạn chế để thực hiện bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023. Đồng thời thảo luận, cho ý kiến, xem xét, thông qua một số cơ chế, chính sách quan trọng hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, tích tụ, tập trung đất đai phát triển nông nghiệp - nông thôn nhằm khuyến khích, tạo động lực để các xã đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững cả về quy mô, chất lượng, hiệu quả, thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.

Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc kỳ họp.

Tại kỳ họp, trên cơ sở xem xét báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp; các báo cáo về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri và kết quả thực hiện nội dung trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ năm; báo cáo giám sát chuyên đề của Thường trực và các ban, HĐND tỉnh sẽ dành thời gian tối đa, thỏa đáng tiến hành chất vấn thủ trưởng các sở, ngành,thành viên của UBND tỉnh về những vấn đề liên quan được đông đảo cử tri, nhân dân quan tâm. Đồng thời, xem xét, quyết định theo thẩm quyền các vấn đề quan trọng khác trong chương trình kỳ họp đã được các vị đại biểu HĐND tỉnh nhất trí thông qua.

Những nội dung được xem xét, thảo luận và quyết định tại kỳ họp lần này có ý nghĩa rất quan trọng, thay mặt chủ tọa kỳ họp, đồng chí Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh phát huy dân chủ, trách nhiệm, thẳng thắn trong thảo luận, tranh luận, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm; thể hiện rõ quan điểm đối với từng nội dung, nhất là đối với các dự thảo nghị quyết để HĐND tỉnh đưa ra những quyết định đúng đắn, sát tình hình thực tiễn, bảo đảm đúng pháp luật, có chất lượng và có tính khả thi cao, vì sự phát triển của tỉnh, đáp ứng niềm tin, sự mong đợi của cử tri và nhân dân.

(Toàn văn phát biểu khai mạc kỳ họp xem Tại đây)

Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,77% so với cùng kỳ năm 2022

Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.

Đoàn chủ tọa kỳ họp.

Báo cáo đánh giá: 6 tháng đầu năm, bên cạnh những thuận lợi còn nhiều khó khăn, thách thức song ngay từ đầu năm Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đánh giá đúng tình hình, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương; thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp; khai thác tối đa các nguồn thu, tiết giảm nguồn chi để tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư… Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và nỗ lực khắc phục khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản ổn định và đạt được một số kết quả tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 31.095 tỷ đồng, tăng 7,77% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn bình quân cả nước, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố của cả nước và đứng thứ 5/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng; trong đó, công nghiệp tăng 15,17% đứng đầu khu vực đồng bằng sông Hồng và thứ 3 cả nước.

Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tại kỳ họp.

Đến ngày 27/6/2023, toàn tỉnh đã chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư, cấp và điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 62 dự án với tổng số vốn đăng ký 4.073,9 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nước ngoài đạt 62,65 triệu USD. Sản xuất nông, lâm, thủy sản duy trì ổn định và tăng trưởng khá. Toàn tỉnh đã có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 113 sản phẩm đạt OCOP 3, 4 sao. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.168 triệu USD, tăng 4,5%; kim ngạch nhập khẩu đạt 891 triệu USD, giảm 25,3% so với cùng kỳ. Tổng lượng khách du lịch đạt 452.659 lượt, tăng 14,6% so với cùng kỳ, doanh thu đạt 312,3 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng thực hiện 13.009,3 tỷ đồng, đạt 62% dự toán. Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt 26.772 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2022. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chỉ đạo toàn diện, có nhiều khởi sắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và phục vụ đời sống nhân dân. Các cấp, các ngành đã tập trung thực hiện tốt việc chăm lo cho các đối tượng gia đình người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội, nhất là trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Kỷ cương, kỷ luật hành chính trong các cơ quan nhà nước được tăng cường; cải cách hành chính có chuyển biến tích cực, các chỉ số cải cách hành chính năm 2022 đều tăng điểm và tăng bậc so với năm 2021. Công tác quốc phòng, quân sự được tăng cường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Báo cáo của UBND tỉnh cũng chỉ rõ một số hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023, nguyên nhân của những hạn chế; trên cơ sở đánh giá, dự báo tình hình, những khó khăn, thuận lợi, xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023.

Đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Tại kỳ họp, đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri trước, sau kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh khóa XVII.

Thảo luận nhiều tờ trình quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Tiếp đó, đồng chí Vũ Kim Cứ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công và chương trình mục tiêu quốc gia 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. 

Đồng chí Vũ Kim Cứ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công và chương trình mục tiêu quốc gia cùng 5 tờ trình trình kỳ họp.

Đồng chí cũng báo cáo các tờ trình của UBND tỉnh: Sửa đổi, bổ sung điều 4 quy định nguyên tắc tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương, mức đối ứng ngân sách địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thái Bình ban hành kèm theo Nghị quyết số 10/2022/NQ-HĐND ngày 24 tháng 8 năm 2022 của HĐND tỉnh; Phân bổ bổ sung kế hoạch vốn Chính phủ vay về cho vay lại năm 2023; phê duyệt phương án phân bổ chi tiết kế hoạch vốn từ nguồn sửa chữa lớn; Ban hành quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2028; phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương bổ sung hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Đồng chí Phạm Hồng Tùng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính báo cáo tờ trình tại kỳ họp.

Đồng chí Phạm Hồng Tùng, Giám đốc Sở Tài chính báo cáo tình hình thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và dự kiến thực hiện thu, chi ngân sách năm 2023. Đồng chí báo cáo các tờ trình của UBND tỉnh về việc: Ban hành Nghị quyết quy định mức thu lệ phí đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến một phần hoặc toàn trình trên địa bàn tỉnh Thái Bình; ban hành Nghị quyết quy định mức chi cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Thái Bình; ban hành Nghị quyết quy định mức thu, đơn vị tính và tỷ lệ điều tiết phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Bình; ban hành Nghị quyết sửa đổi điểm 1.2 mục IV Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND ngày 13/12/2016 của HĐND tỉnh ban hành quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí theo Luật Phí và lệ phí năm 2015 thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh trên địa bàn tỉnh Thái Bình và bãi bỏ Nghị quyết số 06/2017/NQ-HĐND ngày 14/7/2017 của HĐND tỉnh quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định đề án bảo vệ môi trường chi tiết trên địa bàn tỉnh Thái Bình.Đồng chí Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tờ trình tại kỳ họp.

Đồng chí Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo các tờ trình của UBND tỉnh về việc: Ban hành một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến hết năm 2025; ban hành quy định mức thưởng cho các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2019 - 2022.

Đồng chí Trịnh Quang Hiệp, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ báo cáo tờ trình tại kỳ họp.

Đồng chí Trịnh Quang Hiệp, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ báo cáo các tờ trình của UBND tỉnh về việc: Ban hành Nghị quyết quy định định mức lập dự toán kinh phí, định mức chi đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước và một số định mức chi hoạt động thẩm định công nghệ dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Bình; ban hành Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2023-2025.

Đồng chí Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường  báo cáo tờ trình tại kỳ họp

Đồng chí Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo các tờ trình của UBND tỉnh về việc: Bổ sung danh mục dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2023; chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh Thái Bình; bãi bỏ toàn bộ Quyết định số 3059/QĐ-UB ngày 08 tháng 12 năm 2004 của UBND tỉnh về việc thu hồi đất.

Đồng chí Phạm Việt Anh, Giám đốc Sở Xây dựng báo cáo tờ trình tại kỳ họp.

Đồng chí Phạm Việt Anh, Giám đốc Sở Xây dựng báo cáo tờ trình của UBND tỉnh về việc thông qua Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2030.

Thành tựu Thái Bình đạt được góp phần vào sự phát triển chung của cả nước

Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần vào thành công chung của cả nước.

Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp.

Để đưa Thái Bình tiếp tục phát triển toàn diện và bền vững, đồng chí đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa, tổ chức tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, tạo sự thống nhất đồng bộ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị nói chung và HĐND nói riêng và lan tỏa tới các tầng lớp nhân dân để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và các nhóm giải pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết  HĐND tỉnh đã đề ra. Thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác cải cách hành chính. Tiếp tục nêu cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, các ngành, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Rà soát, điều chỉnh và bổ sung kịp thời cơ chế, chính sách theo hướng công khai, minh bạch, thông thoáng, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút được các dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, hàm lượng công nghệ cao... Nắm chắc tình hình ở cơ sở, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường công tác vận động quần chúng, để tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh của nhân dân trong xây dựng và phát triển tỉnh. Giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Cùng với đó, HĐND tỉnh cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng ngày càng chuyên nghiệp; chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu lực của HĐND, Thường trực HĐND, các ban, tổ, đại biểu HĐND tỉnh và các cấp trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, bảo đảm thực hiện kịp thời các quy định và quyết định của cơ quan nhà nước cấp trên và của cấp ủy, chính quyền địa phương. Tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phấn đấu tạo chuyển biến rõ rệt và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND, từ đó làm tốt nhiệm vụ kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ở địa phương; đổi mới công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; chú trọng công tác chuẩn bị nội dung kỳ họp; bảo đảm đúng quy trình, nội dung kỳ họp, xây dựng và thông qua các nghị quyết, công tác triển khai thực hiện nghị quyết, việc giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp; tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động thẩm tra, giám sát của các ban, các tổ đại biểu của HĐND tỉnh. Tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu tại kỳ họp cuối năm 2023 theo Nghị quyết số 96/2023/QH15 vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, bảo đảm nghiêm túc, tránh hình thức và đánh giá đúng về uy tín, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ.

Đồng chí cũng đề nghị Thường trực HĐND tỉnh cần bám sát sự lãnh đạo của Đảng và các cơ quan nhà nước ở trung ương, sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, tăng cường giữ mối liên hệ, phối hợp với Ủy ban MTTQ, UBND và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đồng thời giữ mối liên hệ chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quá trình hoạt động để tạo sự kết nối giữa Trung ương và địa phương, nâng cao chất lượng và hiệu quả  hoạt động.

(Toàn văn phát biểu chỉ đạo xem Tại đây)


“Tôi tin tưởng rằng, với kết quả đạt được tại kỳ họp, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, nắm chắc cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và cả nhiệm kỳ. HĐND tỉnh Thái Bình ngày càng khẳng định vững chắc vị trí, vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước, đại diện xứng đáng cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân tỉnh Thái Bình.”  
Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.



Đồng chí Vũ Ngọc Trì, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại kỳ họp.

Cũng tại phiên họp buổi sáng, đồng chí Vũ Ngọc Trì, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ sáu, HĐND tỉnh khóa XVII và tờ trình về chương trình giám sát năm 2024 của HĐND tỉnh. Đại diện các ban HĐND tỉnh báo cáo kết quả thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp.

Buổi chiều, HĐND tỉnh tiếp tục chia 8 tổ thảo luận, đóng góp ý kiến vào các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp.

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu trên phần mềm Kỳ họp không giấy tờ.

Tin: Mạnh Cường

Ảnh: Trịnh Cường - Nguyễn Triệu

Bà Trần Thị Hương, xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư

Theo dõi kỳ họp thứ sáu, HĐND tỉnh khóa XVII, tôi thấy các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo, tiếp thu, nghiên cứu, giải quyết. Trong đó, nhiều kiến nghị đã được giải quyết kịp thời, dứt điểm; từ đó đã góp phần ổn định an ninh chính trị tại các địa phương, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đây là nỗ lực lớn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo và sự vào cuộc của các ngành, địa phương. Tôi mong Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh làm tốt việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri, bảo đảm đúng, trúng và rõ các vấn đề cử tri quan tâm, rõ địa chỉ, nội dung cụ thể, tạo thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Cùng với đó, tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Bà Đặng Thị Liên, tổ 3, phường Đề Thám, thành phố Thái Bình

Trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, kinh tế của tỉnh vẫn duy trì phát triển ổn định với tốc độ tăng trưởng khá... Đây là những con số thể hiện sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp đã quyết liệt triển khai, thực hiện toàn diện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò điều hành của chính quyền các cấp. Tuy nhiên, qua theo dõi tôi thấy việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần được tập trung tháo gỡ, khắc phục. Do đó tôi mong rằng HĐND tỉnh sẽ tập trung thảo luận đánh giá toàn diện kết quả đạt được, chỉ rõ những ưu điểm, mặt hạn chế, phân tích nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục để thực hiện bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023 đã đề ra. Cùng với đó quan tâm chăm lo đời sống, tạo việc làm cho người lao động; chú trọng giải quyết tốt các ý kiến, kiến nghị của cử tri và những vấn đề nhân dân bức xúc ở cơ sở.

Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc HTX SXKD DNNN xã Bình Thanh (Kiến Xương)

Tại kỳ họp thứ sáu, HĐND tỉnh đã thảo luận nhiều tờ trình quan trọng, liên quan đến thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các cơ chế, chính sách đầu tư vào một số lĩnh vực. Trong đó có 2 tờ trình về cơ chế hỗ trợ nông thôn mới (NTM), tích tụ tập trung đất đai đều rất phù hợp với thực tế hiện nay của tỉnh. Đây đều là những cơ chế tạo “cú hích” nhằm tạo động lực để người dân đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, giúp các doanh nghiệp có được vùng nguyên liệu ổn định và các địa phương tập trung xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Những cơ chế, chính sách này được ban hành đã phần nào đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng cho những người tích tụ ruộng đất và các địa phương phấn đấu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên theo tôi khi thực hiện nên đơn giản hóa phần thủ tục hồ sơ về cơ chế hỗ trợ tích tụ đất đai, liên kết sản xuất như việc bỏ qua phần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ cùng hoàn thiện một bộ hồ sơ. Có như vậy, cơ sở mới dễ tiếp cận được nguồn hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Xuân Phương - Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày