Thứ 6, 22/11/2024, 03:08[GMT+7]

Vi phạm hành lang đê điều ở Thái Thụy

Thứ 2, 17/07/2023 | 08:53:34
4,523 lượt xem
Mặc dù các cấp, ngành huyện Thái Thụy đã tích cực vào cuộc kiểm tra, xử lý, tuy nhiên tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ đê điều để chất tải vật liệu xây dựng, xây dựng mố cẩu, tường rào, lều tạm... đang diễn ra và tồn tại nhiều năm trên địa bàn huyện. Trong khi đó, tiến độ xử lý và giải tỏa các vi phạm tại một số xã còn chậm, vì thế đang trực tiếp làm ảnh hưởng đến sự an toàn và hiệu quả của công trình đê điều, nhất là trong mùa mưa bão sắp tới.

Chất tải cát ngay trên thân đê sông tả Trà Lý, thuộc địa bàn xã Thái Phúc (Thái Thụy).

Tuyến đê sông tả Trà Lý đi qua địa bàn xã Thái Phúc có chiều dài khoảng 4km. Hiện nay, trên tuyến đê này có nhiều điểm phần hành lang an toàn bảo vệ đê điều đã bị lấn chiếm nghiêm trọng. Cụ thể các vi phạm ở đây là xây dựng mố cẩu ngay sát chân đê để chuyển vật liệu xây dựng từ các tàu thuyền neo đậu dưới lòng sông Trà Lý rồi chuyển vào chân đê; tập kết vật liệu xây dựng trong hành lang bảo vệ đê. 

Theo ông Vũ Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã: Trên địa bàn xã hiện có 2 bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng và 4 mố cẩu để chuyển vật liệu xây dựng nằm ở khu vực ngoài tuyến đê sông tả Trà Lý. Do các bến bãi và mố cẩu trên được hình thành, xây dựng và tồn tại từ nhiều năm nay nên rất khó để xử lý và giải tỏa. Địa phương tuyệt đối không để phát sinh những vi phạm mới. Như vừa qua chúng tôi đã kiểm tra phát hiện và tháo dỡ kịp thời một cá nhân có hành vi cắm cọc để chuẩn bị xây dựng mố cẩu.

Toàn huyện Thái Thụy hiện có 87,3km đê thuộc địa bàn của 20 xã, thị trấn, trong đó có 19,7km đê sông, 36,5km đê cửa sông và 31,1km đê biển. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, những năm qua, huyện Thái Thụy đã tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các địa phương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi. Tuy nhiên, do hệ thống công trình đê điều trên địa bàn Thái Thụy được phân bố trên diện rộng và trải dài khắp các địa phương trong huyện nên tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi vẫn còn phát sinh, nhất là tại các xã ven sông có hoạt động bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng. 

Xây dựng mố cẩu sát chân đê sông tả Trà Lý, thuộc địa bàn xã Thái Phúc.

Theo báo cáo của Hạt Quản lý đê điều huyện Thái Thụy: Từ đầu năm đến nay, trên toàn tuyến đê huyện xảy ra 3 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, phòng, chống thiên tai. Các hành vi vi phạm trên đã được cán bộ Hạt Quản lý đê điều huyện cùng cán bộ UBND các xã phát hiện, lập biên bản và xử lý. Các trường hợp vi phạm gồm: hộ bà Nguyễn Thị Hạnh, vi phạm đổ dầm bê tông cốt thép trên nền mố cẩu cũ, vị trí tại Km44+900 đê sông tả Trà Lý (Sơn Hà); hộ ông Nguyễn Hữu Đính vi phạm hút cát ngoài bãi sông cách chân đê từ 200 - 300m đổ vào hành lang bảo vệ đê phía đồng, vị trí Km0+100 đê cửa sông tả Diêm Hộ (xã Thụy Liên); hộ ông Nguyễn Văn Khuê, vi phạm xây dựng lều tạm trông coi đầm cách chân đê phía sông 300m, vị trí khu vực bãi nổi, cù lao tương ứng Km1+ 500 đê hữu sông Diêm Hộ (xã Thái Nguyên). Trong số các vụ vi phạm trên có 2 vụ đã được xử lý triệt để, còn 1 vụ vi phạm của hộ bà Nguyễn Thị Hạnh đến nay vẫn chưa được chính quyền xã giải tỏa theo quy định của pháp luật.

Ngoài những vi phạm đã được lập biên bản, xử lý trên thì tại một số bến bãi chất tải vật liệu xây dựng quá cao vào chân đê, mái đê, trong hành lang bảo vệ đê điều và bãi sông, điển hình là các xã: Thái Phúc, Thái Thọ, Thụy Ninh, Thụy Việt, Thụy Quỳnh. Hiện tượng đổ rác thải lên thân đê, chân đê như tại các xã: Sơn Hà, Thụy Việt, Thụy Hải.., đặc biệt rác thải đổ lên mái đê, hành lang bảo vệ đê phía đồng tại Km24+300 đến Km24+400, đê sông Hữu Hóa, xã Thụy Việt. 

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều huyện Thái Thụy: Đơn vị đã cử lực lượng thường xuyên kiểm tra phát hiện các vi phạm đê điều, kiến nghị các cấp chính quyền xử lý dứt điểm các vi phạm, tuy nhiên hiệu quả xử lý chưa được cao. Hiện nay, đơn vị đã báo cáo tình hình vi phạm trên và kiến nghị với UBND huyện tiếp tục có công văn để chỉ đạo các phòng, ban có liên quan phối hợp cùng các xã, thị trấn thực hiện và có biện pháp hữu hiệu giải quyết dứt điểm các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều còn tồn tại, tái phạm và phát sinh theo pháp luật hiện hành.


Trần Tuấn