Thứ 6, 03/05/2024, 13:12[GMT+7]

Tuyệt đối không lơ là, chủ quan trong phòng, chống thiên tai

Thứ 6, 21/07/2023 | 08:33:28
1,906 lượt xem
Thiệt hại do thiên tai gây ra ở thời điểm nào cũng để lại những hậu quả khôn lường. Mấy năm trở lại đây Thái Bình không có bão mạnh nên tâm lý chủ quan đã xuất hiện trong một bộ phận nhân dân và lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai. Do đó, yêu cầu đặt ra là tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong phòng, chống thiên tai.

Công trình cống Mang (Quỳnh Phụ) hoàn thành, bảo đảm an toàn phòng, chống thiên tai.

Thiên tai khó lường

Cơn bão số 8 năm 2021 không ảnh hưởng trực tiếp đến Thái Bình, tuy nhiên ảnh hưởng của hoàn lưu gây mưa to kết hợp với gió mạnh cùng với tác động của triều cường đã làm vỡ, sạt lở đoạn đê bao dài khoảng gần 30m tại Km43+300 thuộc địa phận xã Trà Giang (Kiến Xương) trên đê hữu Trà Lý, gây ngập úng khoảng 70ha lúa, hoa màu và đầm vùng nuôi thủy sản của nhân dân.

Ông Trần Quốc Hội, Chủ tịch UBND xã Trà Giang cho biết: Ngay sau khi sự cố xảy ra, chính quyền địa phương đã nhanh chóng huy động lực lượng, vật tư, phương tiện tại chỗ triển khai ngay các biện pháp xử lý giờ đầu, đồng thời báo cáo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) huyện có phương án hỗ trợ, xử lý sự cố nhanh nhất. Do đó đã hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho nhân dân.

Xa hơn nữa, tháng 9/2017, do ảnh hưởng của đợt xả 3 cửa đáy thủy điện Hòa Bình và tác động của triều cường, mưa lớn khiến mực nước sông Hồng dâng cao, hàng chục đoạn đê bao trên triền sông Hồng thuộc các xã Vũ Vân (Vũ Thư), Vũ Hòa, Vũ Bình, Minh Tân, Bình Thanh (Kiến Xương) bị tràn, nhấn chìm hàng trăm héc-ta lúa, hoa màu, cây ăn quả, nhiều diện tích thủy sản bị mất trắng, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Đây là những minh chứng về sự khó lường của thiên tai, đặc biệt là do tác động của biến đổi khí hậu; gần đây, thiên tai xảy ra với tần suất cao, cường độ mạnh và diễn biến phức tạp hơn. Chỉ cần lơ là, chủ quan thì hậu quả khôn lường.

Cán bộ, nhân viên Hạt Quản lý đê huyện Đông Hưng kiểm tra kho vật tư dự trữ phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.

Không lơ là, chủ quan với thiên tai

Tại hội nghị trực tuyến triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 1 tổ chức ngày 17/7/2023 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN đã đánh giá cao công tác chuẩn bị, kinh nghiệm của các địa phương, đơn vị trong ứng phó với bão, lũ, thiên tai. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng bày tỏ lo ngại, chính những kinh nghiệm, sự thành thục trong công tác chuẩn bị đó có thể dẫn đến mất cảnh giác, chủ quan. Do đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu: Các địa phương, đơn vị cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, đặc biệt không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; chủ động, linh hoạt, phối hợp tốt trong xử lý các tình huống; chuẩn bị chu đáo nhất có thể cho các tình huống, các biện pháp ứng phó với bão nhằm mục tiêu không có thiệt hại về người và giảm tối đa thiệt hại về tài sản cho nhân dân.

Thực tế cho thấy, do biến đổi khí hậu Việt Nam thường xuyên xuất hiện hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, hạn hán, dông, lốc, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... Các cơn bão dần không theo quy luật và khó dự báo, có cường độ, hướng đi phức tạp hơn. Do đó, các phương án, kế hoạch ứng phó cần được cập nhật thường xuyên, phải được cụ thể hóa để ứng với từng thời điểm, từng tình huống có thể xảy ra.

Ông Lê Nguyên Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy cho biết: Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, huyện đã giao các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị bố trí nhân lực, vật tư, phương tiện phục vụ công tác hộ đê tại các trọng điểm xung yếu. Trong đó, huy động khoảng 5.300m3 đất, 5.000 cây tre, gần 240.000 bao tải; lực lượng xung kích hơn 2.000 người. Đồng thời, xây dựng kế hoạch kiểm tra, phân loại các trọng điểm xung yếu của đê, kè, cống ở từng tuyến đê trên địa bàn huyện, từ đó có phương án bảo đảm an toàn.

Tại hội nghị tổng kết công tác PCTT và TKCN của tỉnh năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã nhấn mạnh đến tâm lý chủ quan trong nhân dân và một bộ phận lực lượng làm công tác PCTT và TKCN cũng như việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, để bảo đảm chủ động PCTT và TKCN năm 2023, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của trung ương và của tỉnh để triển khai hiệu quả công tác PCTT và TKCN ngay từ đầu năm.

Trên phạm vi cả nước, năm 2022 thiên tai bão lũ đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng. Con số này cao gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021.


Bên cạnh đó, nhận thức rõ tầm quan trọng của sự chủ động trong công tác PCTT, những năm qua tỉnh đã đầu tư cứng hóa hệ thống đê sông, đê biển. Riêng trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 đã đầu tư gần 1.000 tỷ đồng để xây mới, nâng cấp nhiều công trình thủy lợi, đê điều quan trọng. Hầu hết các công trình đều được hoàn thành đúng kế hoạch. 

Ông Nguyễn Mạnh Khương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Toàn tỉnh hiện có 12 công trình thủy lợi, đê điều đang được triển khai thi công. Đến nay các công trình đã hoàn thành đúng kế hoạch, đáp ứng yêu cầu PCTT. Ngoài ra, để bảo đảm an toàn hệ thống đê trong mùa mưa bão, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã yêu cầu các địa phương, đơn vị tiến hành kiểm tra, phân loại các trọng điểm xung yếu của đê, kè, cống ở từng tuyến đê; lập phương án hộ đê, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện bảo đảm xử lý kịp thời khi sự cố xảy ra; kiểm tra các cống đã hoành triệt dưới đê, xét thấy không an toàn phải hoành triệt lại; kiểm tra các cửa khẩu, băng két qua đê, chuẩn bị sẵn đất và bao tải dự trữ để xử lý khi có sự cố...

Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường với những yếu tố cực đoan, bất thường gây hậu quả nặng nề cho sản xuất và đời sống nhân dân. Vì vậy, việc chủ động các phương án ứng phó, xử lý kịp thời các tình huống xảy ra là đặc biệt quan trọng để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Đó cũng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị cũng như toàn thể nhân dân.

Thi công láng nhựa mái đê tại đê tả Hồng Hà II, thuộc địa phận xã Minh Tân (Kiến Xương).

Nguyễn Thơi

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày