Chủ nhật, 28/04/2024, 14:06[GMT+7]

Tập trung chăm sóc lúa mùa

Thứ 7, 22/07/2023 | 08:20:16
1,660 lượt xem
Thời điểm này, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa mùa. Nhằm bảo đảm cho lúa phát triển tốt, cho năng suất cao, nông dân các địa phương đang tập trung tỉa dặm, bón thúc.

Nông dân huyện Kiến Xương tập trung chăm sóc lúa mùa.

Sau bão số 1, những cơn mưa tuy ngắn, lượng mưa không lớn nhưng đã bổ sung nguồn nước, làm dịu nhiệt trên đồng ruộng sau thời gian dài nắng hạn. Quan trọng hơn, mưa xuất hiện đúng vào giai đoạn lúa mùa cần nước tưới và chăm sóc, bón thúc để chuẩn bị cho kỳ đẻ nhánh vì thế rất được bà con nông dân đón đợi. 

Bà Trần Thị Vân, xã Nam Cao (Kiến Xương) chia sẻ: Mưa không nhiều nhưng đi kèm các đợt sấm, chớp chính là nguồn đạm tự nhiên quý giá, “thúc” cho lúa phát triển trong giai đoạn đẻ nhánh. Đợt này, ốc bươu vàng xuất hiện tương đối nhiều, cắn phá lúa non nên tôi tận dụng thời gian bắt thủ công đồng thời dặm lại những cây bị ốc cắn phá.

Vụ mùa năm nay thời tiết bất thuận khi mưa ít, nền nhiệt độ tăng cao so với trung bình nhiều năm, các đợt nắng nóng kéo dài gây khó khăn cho sản xuất. Nhận định được những khó khăn về nguồn nước, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình đã chủ động tích trữ nước trong hệ thống từ sớm phục vụ các địa phương và nông dân làm đất, gieo cấy lúa mùa. 

Ông Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Công ty cho biết: Vụ mùa năm nay nắng nóng bất thường kéo dài, lượng mưa ít, dòng chảy kém, Công ty đã chủ động khai thác tối đa kỳ triều cường trong tháng 6 để lấy nước tích trữ hệ thống với mực nước tích trữ cao hơn mọi năm, mục tiêu cao nhất là phục vụ đủ nước trong các giai đoạn sản xuất. Sau bão số 1, căn cứ vào tình hình thời tiết, Công ty đã cho mở các cống chủ lực lấy nước đưa nước vào đồng ruộng để nông dân khép kín diện tích gieo cấy đồng thời tưới dưỡng phục vụ chăm sóc lúa bởi đây là thời kỳ quan trọng giúp cây lúa đẻ nhánh khỏe, tỷ lệ nhánh hữu hiệu cao. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục bám sát diễn biến thời tiết để có các biện pháp linh hoạt, chủ động trong điều hành nước.

Nông dân huyện Đông Hưng tỉa dặm lúa mùa.

Đến nay, các địa phương trong tỉnh cơ bản hoàn thành gieo cấy 76.000ha lúa mùa, bước vào giai đoạn tưới dưỡng. Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, các địa phương cần lưu ý duy trì đủ nước; hướng dẫn nông dân bón thúc đợt 1 phù hợp, cân đối chất dinh dưỡng. 

Bà Phạm Thị Hiên, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình cho biết: Giai đoạn lúa mới cấy cần giữ mực nước nông thường xuyên để lúa nhanh bén rễ hồi xanh, tăng khả năng chống nóng cho cây, tăng hiệu quả khi sử dụng phân bón, đồng thời hạn chế cỏ dại và lúa cỏ phát triển. Giai đoạn lúa đẻ nhánh giữ mực nước xăm xắp mặt ruộng để cây lúa đẻ nhánh khỏe, đẻ nhánh tập trung. Giai đoạn cuối đẻ nhánh, rút cạn nước để nứt nẻ chân chim từ 5 - 7 ngày, hạn chế lúa đẻ nhánh vô hiệu và giúp cứng cây, hạn chế sâu bệnh, rễ ăn sâu, tăng khả năng chống đổ cho lúa. Khi lúa đứng cái làm đòng đến chín đỏ đuôi cần giữ mực nước nông trên ruộng. Vụ mùa, từ khi cấy đến khi cây lúa bắt đầu làm đòng khoảng 30 - 35 ngày tùy từng giống, nên nếu bón phân quá muộn, lúa tốt muộn dễ gây hiện tượng bị bạc lá và đẻ nhánh lai rai. Do đó, bà con chỉ bón thúc 1 lần, bón sớm, ngay khi cây bén rễ hồi xanh, tốt nhất là bón sau cấy 5 - 7 ngày, chậm nhất không quá 10 ngày. Bón xong kết hợp tỉa dặm để dùa đục nước tăng khả năng hấp thụ phân bón. Nên bón phân lúc chiều mát và khi mực nước láng mặt ruộng để hạn chế mất phân do bay hơi. Cần tiếp tục kiểm tra phòng, trừ ốc bươu vàng kịp thời, đặc biệt là trên các chân trũng và sau các trận mưa lớn, tăng cường các biện pháp thủ công như bắt trứng ốc và ốc trưởng thành trên các bờ mương, bờ máng, bờ ruộng; chăng lưới mắt nhỏ ở đầu các kênh dẫn nước vào ruộng. Ngoài ra, bà con cần thường xuyên thăm đồng để sớm phát hiện các đối tượng sâu bệnh gây hại và có biện pháp phòng, trừ kịp thời theo khuyến cáo của ngành chuyên môn.

Sản xuất vụ mùa luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn của thời tiết. Năm nay, thời tiết càng phức tạp hơn khi nắng nóng đầu vụ ảnh hưởng tới sinh trưởng của mạ, lúa mới cấy. Tuy nhiên, vẫn trực chờ nguy cơ xảy ra các trận mưa với cường độ lớn trong thời gian ngắn. Vì vậy, cùng với việc tập trung tưới dưỡng theo các giai đoạn lúa sinh trưởng, rất cần sự linh hoạt, chủ động chống úng của ngành nông nghiệp, các địa phương và người dân.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày