Thứ 6, 22/11/2024, 04:46[GMT+7]

Nam Thịnh: Bảo đảm an toàn tàu thuyền mùa mưa bão

Thứ 5, 03/08/2023 | 22:35:45
918 lượt xem
Nam Thịnh là xã ven biển của huyện Tiền Hải, hàng năm thường chịu sự tác động trực tiếp của các cơn bão, triều cường. Để hạn chế rủi ro cho người và tài sản của ngư dân, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân trang bị đầy đủ các trang thiết bị an toàn cho người và tàu cá, bảo đảm an toàn khi ra khơi.

Tàu thuyền của ngư dân xã Nam Thịnh trang bị đầy đủ thiết bị an toàn trước khi ra khơi.

Tại cảng cá cửa Lân, các ngư dân đang kiểm tra lại máy móc, trang bị thêm thiết bị an toàn chuẩn bị hành trình đánh bắt hải sản dài ngày. Ông Bùi Văn Tỵ, thôn Quang Thịnh cho biết: Để bảo đảm an toàn cho những chuyến biển dài ngày, bên cạnh ngư cụ đầy đủ, chúng tôi đã gia cố tàu, sửa chữa máy móc, máy phát điện, trang bị đài, máy dự báo thời tiết, hệ thống thông tin liên lạc nhằm nắm bắt mọi thông tin thời tiết trên biển. Trong ứng phó bão số 1 vừa qua, việc liên lạc giữa ngư dân trên tàu hoạt động ngoài biển với cơ quan chức năng trong đất liền được duy trì thường xuyên. Ngư dân liên tục nhận được liên lạc của lực lượng Bộ đội Biên phòng và cơ quan chuyên môn về các vùng biển nguy hiểm, hướng đi của bão. Tàu của chúng tôi thực hiện nghiêm vào nơi tránh trú an toàn tại cảng cá trong tỉnh.

Trung tá Lê Trọng Anh, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Lân cho biết: Vào mùa mưa bão, tàu thuyền ngư dân xã Nam Thịnh cũng như các địa phương ven biển huyện Tiền Hải đánh bắt hải sản trên biển, nhất là ở ngoài khơi xa thường đối mặt với nhiều rủi ro, nguy hiểm. Để tàu cá của ngư dân hoạt động an toàn, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Lân đã nỗ lực đồng hành, kịp thời thông báo diễn biến thời tiết đến ngư dân, kêu gọi kịp thời và hướng dẫn bà con ngư dân neo đậu tàu thuyền bảo đảm an toàn khi có bão. Triển khai mọi biện pháp sẵn sàng tham gia bảo vệ tàu thuyền khi có tình huống thời tiết nguy hiểm. Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền đúng quy chuẩn kỹ thuật của cơ quan chức năng, góp phần quan trọng bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại tài sản cho ngư dân trong mùa mưa bão.

Ông Trần Quang Chất, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thịnh cho biết: Nam Thịnh có 200 tàu thuyền hoạt động trên biển. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra với cường độ mạnh và diễn biến khó lường, không theo quy luật, không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản mà còn gây khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Để chủ động phòng, chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, xã Nam Thịnh đã xây dựng mô hình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã đã thành lập tổ xung kích 190 người, 1 tổ giao thông hỏa tốc, 1 đội cứu thương, 1 đội cứu người bị nạn, 1 tổ xung kích trên biển gồm 15 tàu thuyền... chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó với thiên tai theo từng cấp độ, đồng thời xây dựng phương án phòng, chống thiên tai sát với tình hình thực tế, nâng cao năng lực điều hành, chỉ huy, tổ chức thực hiện ngay tại địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ”. Phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn, tập huấn neo đậu tránh trú bão và sử dụng thiết bị hàng hải, thông tin liên lạc giúp ngư dân sử dụng các thiết bị hiệu quả. Tăng cường tuyên truyền ngư dân và chủ tàu hiểu rõ lợi ích, tầm quan trọng và trách nhiệm đối với việc trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn tàu cá, kiên quyết không cho người và tàu cá ra khơi nếu chưa có đủ các trang thiết bị an toàn. Thành lập các tổ sản xuất trên biển để ngư dân tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi không may gặp rủi ro. Đồng thời, cùng với Bộ đội Biên phòng xây dựng phương án cứu hộ, cứu nạn trên biển khi có bão, sự cố xảy ra. Tăng cường tuyên truyền, vận động ngư dân và các tàu thuyền đánh bắt hải sản thường xuyên giữ liên lạc trên biển. Mỗi khi có bão, thường xuyên giám sát neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại các khu vực tránh trú bão đã được quy định, bảo đảm an toàn tính mạng, phương tiện và tài sản của ngư dân. Nghiêm cấm neo đậu tàu thuyền tại các cửa cống, nơi cảnh báo nguy hiểm. Rà soát, thống kê số lượng tàu thuyền khai thác hải sản xa bờ ở các vùng biển để chủ động cùng với gia đình chủ tàu thuyền liên lạc, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền tìm nơi trú ẩn an toàn khi có bão.

Cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra thiết bị an toàn đối với các tàu cá trước khi ra khơi đánh bắt hải sản. 

Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày