Thứ 2, 06/05/2024, 15:43[GMT+7]

Nhiều công trình phòng, chống lụt bão cần sớm cải tạo, nâng cấp

Thứ 4, 13/09/2023 | 08:12:49
2,395 lượt xem
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, một số cống tiêu thoát nước, đê điều phòng, chống lụt bão (PCLB) đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có một số công trình trọng điểm.

Cống Đắc Chúng, xã Quốc Tuấn (Kiến Xương) đã xuống cấp.

Huyện Tiền Hải hiện có 32 công trình cống dưới đê, phần lớn đã được xây dựng từ lâu, nhiều công trình đang xuống cấp nghiêm trọng. Qua kiểm tra, đánh giá, Tiền Hải có 6 công trình thuộc trọng điểm xung yếu, trong đó công trình cống Thoái (còn gọi là cống Nam Cường) tại Km16+500 trên tuyến đê biển 5, đoạn thuộc xã Nam Cường  thuộc diện xung yếu cấp tỉnh. 

Ông Phạm Thanh Bình, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Tháng 9/2022, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xử lý cấp bách cho công trình này với tổng kinh phí khoảng 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, do dự án đang được cấp có thẩm quyền tổng hợp, bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nên chưa được bố trí vốn để triển khai.

Một dự án cấp bách khác là dự án xử lý cấp bách tuyến đê I xã Bình Thanh, xã Bình Định, xã Hồng Tiến (Kiến Xương) là dự án trọng điểm mà tỉnh đang quyết tâm triển khai và được HĐND tỉnh đưa vào nghị quyết triển khai từ ngày 4/3/2021. Việc thực hiện dự án sẽ nâng cấp toàn bộ tuyến đê bối thành đê chính bảo vệ các xã Bình Thanh, Bình Định, Hồng Tiến đang nằm ngoài phía đê chính hiện nay. Kinh phí thực hiện dự án dự kiến gần 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh đang xây dựng lại phương án thiết kế theo chỉ đạo của Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Do đó dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư để phê duyệt dự án và bố trí nguồn vốn đầu tư. 

Ông Cao Kim Duyên, xã Hồng Tiến cho biết: Người dân chúng tôi thường xuyên đi lại liên huyện giữa Kiến Xương - Tiền Hải và huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định (qua phà Cồn Nhất) qua tuyến đê này. Tuy nhiên, mặt đê xuống cấp từ nhiều năm nay. Mặt đê hẹp, nhiều ổ trâu, ổ gà nên ảnh hưởng tới việc đi lại, giao thương của người dân. Chúng tôi rất mong Nhà nước sớm đầu tư, mở rộng mặt đường đê để phục vụ bà con đi lại cũng như phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

Ông Bùi Quang Lệ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Toàn tỉnh hiện có 4 trọng điểm xung yếu cấp tỉnh, 39 trọng điểm xung yếu cấp huyện. Để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều trong mùa mưa bão, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh giao ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện kiểm tra, phân loại các trọng điểm xung yếu của đê, kè, cống ở từng tuyến đê. Trên cơ sở đó, các huyện, thành phố và các ngành liên quan lập phương án hộ đê, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện bảo đảm xử lý kịp thời sự cố xảy ra; đối với các cống đã hoành triệt dưới đê, xét thấy không an toàn phải hoành triệt lại; kiểm tra các cửa khẩu, băng két qua đê, chuẩn bị sẵn đất và bao tải dự trữ để xử lý khi có sự cố...

Phần tường cánh và thân cống Thoái (Tiền Hải) đã bị nứt gãy, hư hỏng nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Mạnh Khương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Đi đôi với biện pháp trên, để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, trong giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh cũng đã quan tâm đầu tư kinh phí hàng nghìn tỷ đồng, lồng ghép từ các nguồn vốn để hỗ trợ củng cố, nâng cấp, cải tạo hệ thống đê điều, thủy lợi, hạ tầng giao thông đa mục tiêu gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống thiên tai, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển du lịch. Ngoài ra, các công trình PCLB, giảm nhẹ thiên tai, nhất là các tuyến đê biển được đầu tư nâng cấp, sửa chữa kịp thời đã và đang phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, trước tình trạng xuống cấp, hư hỏng của một số công trình PCLB, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ưu tiên đầu tư kinh phí khẩn trương hoàn thiện các công trình trọng điểm PCLB, kết hợp xử lý các công trình cầu, cống thủy lợi, tuyến kè xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống dân sinh. Đồng thời, các ngành chức năng của tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương chủ động xây dựng phương án PCLB phù hợp, hiệu quả; tăng cường tuyên truyền nâng cao kiến thức phòng, chống thiên tai cho người dân; chủ động triển khai phương châm “4 tại chỗ”.

Nguyễn Thơi

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày