Thứ 7, 21/12/2024, 19:47[GMT+7]

Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm

Thứ 5, 12/10/2023 | 16:12:51
1,898 lượt xem
Nhìn chung mức lãi suất ở mức rất thấp so với cùng kỳ năm ngoái, dù các ngân hàng đều có những chính sách lãi suất riêng áp dụng cho các đối tượng khách hàng khác nhau, tuỳ thuộc vào giá trị tiền gửi, hay tình hình cân đối vốn của từng chi nhánh. Lãi suất huy động giảm là điều kiện cần để tiếp tục hạ lãi suất cho vay.

Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm - Ảnh minh hoạ

Cập nhật biểu lãi suất từ 33 ngân hàng cho thấy, đối với tiền gửi kỳ hạn 1 tháng, mức lãi suất cao nhất hiện nay là 4,75%/năm được áp dụng bởi các ngân hàng Bắc Á, NCB, SCB. Lãi suất tiết kiệm thấp nhất kỳ hạn 1 tháng là 3%/năm được áp dụng bởi 4 ngân hàng thương mại nhà nứơc là Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank…Lãi suất tiết kiệm cao nhất kỳ hạn 3 tháng là 4,75%/năm tại các ngân hàng Bắc Á, Bảo Việt, NCB, SCB…

Tại kỳ hạn 3 tháng, lãi suất của 4 ngân hàng thương mại nhà nước "Big 4" gồm Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank áp dụng mức 3,3-3,5%/năm

Lãi suất tiết kiệm còn tương đối cao ở kỳ hạn 6 tháng là 6,2%/năm, được áp dụng tại ngân hàng Đông Á, ngân hàng NCB khi áp dụng mức lãi suất 6,1%/năm, trong khi đó, một số ngân hàng thường có mức lãi suất huy động cao khác như HDBank, CBBank, PvcomBank…lãi suất chỉ còn 5,9%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 6 tháng. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng thấp nhất là 4,3%/năm, được áp dụng bởi Vietcombank, còn 3 ngân hàng thương mại nhà nước còn lại áp dụng mức lãi suất 4,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng.

Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 9 tháng không có sự chênh lệch lớn so với kỳ hạn 6 tháng. Lãi suất cao nhất đối với tiền gửi kỳ hạn 9 tháng là 6,3%/năm tại ngân hàng Đông Á. Tiếp đến là Bảo Việt và HDBank cùng 6%/năm. Lãi suất kiệm kiệm kỳ hạn 12 tháng cao nhất thuộc về GPBank với 6,55%/năm. Tiếp đến là Bảo Việt và NCB cùng 6,3%/năm, CBBank 6,2%/năm.

Ở kỳ hạn 18 tháng, lãi suất tiết kiệm cao nhất kỳ hạn 18 tháng là Publicbank với 6,95%/năm, Bảo Việt với lãi suất 6,6%/năm còn lãi suất tiết kiệm thấp nhất kỳ hạn 18 tháng và 24 tháng là ABBank với 4,1%/năm.

Theo tính toán, nhóm "Big 4" là VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank đều đã giảm lãi suất huy động xuống mức thấp lịch sử, thấp hơn cả giai đoạn COVID-19. Đây là các ngân hàng có mạng lưới hoạt động lớn nhất Việt Nam với các phòng giao dịch phủ khắp các địa phương trên cả nước. Đây cũng là những ngân hàng có quy mô tiền gửi khách hàng lớn nhất hệ thống. Tính đến cuối quý II, Agribank có số dư tiền gửi khách hàng đạt trên 1,686 triệu tỷ đồng, tăng 3,8% so với hồi đầu năm; Agribank và BIDV (gần 1,546 triệu tỷ đồng), Vietcombank (gần 1,327 triệu tỷ đồng), VietinBank (1,310 triệu tỷ đồng). Với việc chiếm gần một nửa thị phần huy động tiền gửi toàn hệ thống, động thái của nhóm Big4 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các ngân hàng tư nhân giảm thêm lãi suất huy động trong thời gian tới.

Nhìn lại cuối năm 2022, lãi suất tiết kiệm từng lên tới 11-12% một năm trong bối cảnh nhiều ngân hàng chạy đua huy động vốn, sang đến năm 2023 lãi suất vẫn khá cao. Kể từ quý 2/2023, sau khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện quyết liệt giảm lãi suất điều hành nhằm thực hiện nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người dân và DN tăng khả năng tiếp cận vốn và đóng góp vào việc phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, đến nay, mặt bằng lãi suất huy động đã hạ nhiệt. Bên cạnh đó, một nguyên nhân là tổng cầu của nền kinh tế thu hẹp dẫn đến khả năng hấp thụ vốn của các DN suy giảm khiến tăng trưởng tín dụng thấp.

Do lãi suất đầu vào giảm nên lãi suất đầu ra cũng giảm theo. Hiện mức lãi suất cho vay bình quân với khoản cho vay ngắn hạn còn khoảng 5,5 %-7%/năm. Còn lãi suất cho vay trung, dài hạn những khoản cho vay mới là khoảng 8,5-10%/năm. Có những khoản vay nợ trước đây chưa đến kỳ trả nợ thì có độ trễ trong việc hạ lãi suất do trước đây ngân hàng thương mại huy động lãi suất cao.

Theo baochinhphu.vn