Thứ 5, 02/05/2024, 16:01[GMT+7]

Việt Nam đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống

Thứ 3, 17/10/2023 | 21:24:35
468 lượt xem
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định Việt Nam có thể đảm bảo an ninh lương thực trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Đến nay, nhiều diện tích lúa Thu Đông đã cho thu hoạch và đem lại lợi nhuận tốt cho nông dân. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, với việc đảm bảo sản lượng 43 triệu tấn lúa, Việt Nam sẽ cung ứng cho thị trường thế giới trên 7,5 triệu tấn gạo năm nay, góp phần chung tay đảm bảo an ninh lương thực trên thế giới.

Hiện nhiều quốc gia vẫn phải đối mặt với tình trạng giá lương thực leo thang, đẩy áp lực lạm phát tăng theo. "Cơn khát" lương thực dường như chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều nước đã phải tung ra các giải pháp nhằm ổn định thị trường gạo như thắt chặt xuất khẩu, tăng nhập khẩu để tăng dự trữ…

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng cho biết, trước tình hình giá gạo trên thị trường thế giới tăng, với lợi thế tự nhiên của vùng đồng bằng Sông Cửu Long, ngành nông nghiệp đã hướng dẫn nhiều địa phương gia tăng diện tích sản xuất vụ Thu Đông. Điều này vừa góp phần tăng cung ứng nguồn lương thực cho khu vực và thế giới, đồng thời mang lại thu nhập cho nông dân. Đến nay, nhiều diện tích lúa Thu Đông đã cho thu hoạch và đem lại lợi nhuận tốt cho nông dân.

Nối tiếp mùa vụ, nhằm "né" hạn mặn trước dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 ở đồng bằng Sông Cửu Long sẽ xuất hiện sớm, ngành nông nghiệp chỉ đạo một số địa phương xuống giống sớm vụ Đông Xuân 2023 - 2024.

Hiện gạo vẫn là mặt hàng tiêu dùng lương thực chính của hộ gia đình. Do vậy, việc giữ đất lúa là cần thiết để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; đồng thời bảo đảm sinh kế, thu nhập cho người trồng lúa trên cơ sở phát huy nguồn lực của Nhà nước, nhân dân và các thành phần kinh tế.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện an ninh lương thực không chỉ lúa gạo mà còn cả thực phẩm. Việt Nam có thể sản xuất rau quả với 19 triệu tấn, 7,6 tấn thịt các loại, 18,5 tỷ quả trứng, 1,2 triệu tấn sữa, thủy sản trên 9 triệu tấn... Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam luôn đảm bảo an ninh lương thực trong mọi hoàn cảnh.

Riêng trong chăn nuôi, từ đầu năm, nhờ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát nên chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển tốt. Tổng đàn vật nuôi đều tăng (trừ đàn trâu tiếp tục có xu hướng giảm do diện tích chăn thả thu hẹp, hiệu quả kinh tế không cao). Sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 5,83 triệu tấn trong chín tháng, tăng 6,14% so cùng kỳ năm 2022.

Theo vtv.vn


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày