Thứ 4, 13/11/2024, 02:11[GMT+7]

Nhu cầu vay mua nhà thấp dù lãi suất ngân hàng giảm

Thứ 2, 23/10/2023 | 10:14:17
2,919 lượt xem
Lãi suất cho vay mua nhà đã giảm 1 - 3%/năm so đầu năm nay, nhưng trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, nhu cầu vay mua nhà vẫn ở mức thấp.

Lãi suất cho vay mua nhà giảm nhưng người dân không mặn mà.

Theo khảo sát tại nhiều ngân hàng, hiện mức lãi cho vay mua nhà dao động từ 8-10%/năm. Cụ thể, tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, Agribank cho vay mua nhà với lãi suất năm đầu 8,5%/năm. Vietcombank có gói vay mua bất động sản với lãi suất 12 tháng đầu 8,5/năm, 18 tháng đầu 8,8%/năm, 36 tháng đầu 9,7%/năm. 

Tại PVcomBank, mức lãi suất cho vay mua nhà 9%/năm trong 6 tháng đầu, hoặc 10%/năm trong 12 tháng đầu, thời gian vay tối đa 25 năm và ngân hàng đưa ra nhiều phương án trả nợ, đồng thời cho phép ân hạn nợ gốc.

Mức lãi suất cho vay mua bất động sản tại Techcombank trong 6 tháng đầu là 8,5%/năm, 1 năm đầu áp dụng lãi suất 9%/năm.

ACB cũng tung ra gói cho vay mua bất động sản với lãi suất giảm nhiệt mạnh cùng nhiều chính sách hấp dẫn. Cụ thể, mức lãi suất năm đầu tiên dao động ở mức 8%/năm; lãi suất thả nổi từ năm thứ 2 được tính bằng lãi suất cơ sở cộng với biên độ 3%.

Các ngân hàng có vốn nước ngoài cũng vào cuộc giảm lãi suất cho vay mua nhà. Chẳng hạn, Shinhan Việt Nam cho vay mua nhà với lãi suất 8,3%/năm trong 6 tháng đầu và 9,7%/năm trong các năm sau đó; hoặc 8,5%/năm trong năm đầu, 9,3%/năm trong 2 năm đầu, 9,5%/năm trong 3 năm đầu.

Tại Wooribank, mức lãi suất cho vay năm đầu tiên giảm xuống còn 8%/năm, lãi suất năm sau thả nổi chỉ khoảng 8,8 - 9%/năm.

Đáng chú ý, từ đầu tháng 9, các ngân hàng còn cho người dân vay để trả nợ trước hạn ngân hàng khác theo Thông tư 06. Hiện nhiều nhà băng đã tung ra các mức lãi suất cho vay “đảo nợ” chỉ từ 6 - 6,9%/năm cho các khoản vay ngắn hạn và khoảng 8%/năm cho khoản vay trung và dài hạn.

Quy định mới này được áp dụng cho các khoản vay phục vụ đời sống như mua nhà, mua xe ô tô hay mua sắm đồ dùng trong nhà…

Ông Hoàng Hải - Cục Trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng - cho biết, tính đến 31/8 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 986.477 tỷ đồng, tăng thêm hơn 26.000 tỷ đồng so với ngày 30/7.

Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở là 266.248 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng là 40.622 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, chế xuất là 56.571 tỷ đồng; dư nợ đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng là 53.860 tỷ đồng....

Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, nguồn vốn chủ yếu cho chủ đầu tư còn về khách vay mua bất động sản chưa khả quan.

Theo một lãnh đạo nhóm ngân hàng quốc doanh, sở dĩ nhu cầu tín dụng bất động sản tiêu dùng của cá nhân hiện ở mức thấp là do kinh tế còn khó khăn, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Vì vậy, dù có nhu cầu về nhà ở song ngân hàng khó có thể kích cầu tín dụng mua nhà trong giai đoạn hiện tại.

Mặt khác, thị trường nhà đất vẫn trầm lắng, nên khách hàng chưa mặn mà với việc vay vốn mua nhà, mà kỳ vọng giá nhà cũng như lãi suất sẽ giảm thêm.

So với đầu năm, mặt bằng lãi suất cho vay hiện được xem là “dễ thở” và lãi suất đến cuối năm được dự đoán sẽ quay về mức thấp như thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát.

Liên quan đến lãi suất, nhiều chuyên gia khuyến nghị, người vay cần chú ý đến thời gian được hưởng lãi suất ưu đãi và biên độ điều chỉnh lãi suất. Bên cạnh đó, không nên vay quá 50% giá trị căn nhà và số tiền phải trả hàng tháng (bao gồm gốc, lãi) không vượt quá 30% thu nhập.

Khoảng thời gian 2-3 năm đầu là khó khăn và nhiều thách thức nhất, vì thế mỗi cá nhân phải dự phòng được nguồn thu nhập ổn định, bền vững để có thể hấp thụ khoản vay mà không khiến cuộc sống bị ảnh hưởng quá nhiều.

Theo vtc.vn