Thứ 6, 22/11/2024, 23:07[GMT+7]

Đông Đô: Nông dân thận trọng tái đàn dịp tết Nguyên đán

Thứ 3, 24/10/2023 | 07:26:42
1,464 lượt xem
Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là đến tết Nguyên đán năm 2024, đây cũng là thời điểm các hộ chăn nuôi bắt đầu tái đàn để kịp thời cung ứng nguồn thực phẩm vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của giá lợn hơi thì xuống thấp, giá lợn giống lại tăng cao, tuy giá thức ăn chăn nuôi đã giảm nhưng vẫn ở mức cao khiến nhiều nông dân xã Đông Đô (Hưng Hà) phải thận trọng trong việc tái đàn vật nuôi.

Ông Mai Văn Tứ, thôn Chí Linh, xã Đông Đô chỉ tái đàn khoảng 40 con lợn phục vụ dịp tết Nguyên đán năm 2024.

Trước đây, có thời điểm gia đình ông Mai Văn Tứ, thôn Chí Linh nuôi hàng chục con lợn nái và trên 200 con lợn thịt. Thông thường, từ tháng 10 gia đình ông đã tập trung tái đàn phục vụ thị trường tết Nguyên đán, tuy nhiên thời điểm này, ông Tứ nuôi gần 80 con lợn thịt và chỉ tái đàn cầm chừng trên 40 con lợn con. 

Ông Tứ chia sẻ: Thời điểm này, giá lợn hơi giảm xuống còn 51.000 - 53.000 đồng/kg, chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi vẫn dao động trên 325.000 đồng/bao loại 25kg. Do đó, thay vì tái đàn ồ ạt, chúng tôi chỉ tái đàn rải rác để cầm chừng, nhiều chuồng trại tôi phải bỏ không dù đang vào thời kỳ cao điểm.

Cùng chung tâm lý e dè như ông Mai Văn Tứ, hiện nay, gia đình ông Nguyễn Văn Sung, thôn Chí Linh chỉ nuôi 4 con lợn nái, 50 con lợn thịt giảm một nửa so với năm 2022. Với kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi lợn, ông Nguyễn Văn Sung tính toán: Để nuôi một con lợn thịt đạt 100kg, chúng tôi phải sử dụng 9 bao cám loại 2 với giá 325.000 đồng và 1 bao cám loại 1 với giá 470.000 đồng, riêng mua lợn giống giao động từ 1,6 - 1,8 triệu đồng, tính ra chi phí nuôi một con lợn đến lúc xuất bán mất gần 5 triệu đồng. Nếu giá bán vụ tết Nguyên đán vẫn giữ ở mức như hiện nay thì người chăn nuôi chắc chắn thua lỗ nên chúng tôi cũng chỉ tái đàn khoảng 20 con lợn thịt, không dám nuôi nhiều. 

Anh Đinh Văn Mừng, thôn Đông Đô Kỳ, xã Đông Đô giảm một nửa tổng số đàn nuôi để bảo đảm an toàn.

Cắt giảm quy mô đàn, bổ sung thêm các loại thức ăn từ cám gạo, ngô, rau xanh… nhằm giảm tối đa chi phí, nuôi cầm chừng để chờ giá lên là các biện pháp mà nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Đông Đô đang áp dụng. Hiện nay, xã Đông Đô có trên 200 hộ chăn nuôi lợn theo mô hình gia trại. Trung bình một năm, toàn xã nuôi trên 12.000 con lợn. Tuy nhiên năm nay, tổng đàn lợn của toàn xã giảm khoảng 10 - 15%, thậm chí nhiều hộ bỏ trống chuồng mặc dù đang bước vào thời kỳ cao điểm. 

Ông Nguyễn Viết Luyến, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã cho biết: Để giữ vững tổng đàn, chúng tôi khuyến cáo người chăn nuôi thận trọng tái đàn, tăng đàn linh hoạt, giữ vững đàn lợn nái, lợn giống, ưu tiên thực hiện xây dựng vùng chăn nuôi trọng điểm gắn với con vật nuôi chủ lực, tiến tới giảm chăn nuôi nhỏ lẻ trong cộng đồng dân cư. Trong quá trình tái đàn, người dân thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường chăn nuôi, nghiêm túc trong công tác phòng, chống dịch bệnh; khi tái đàn vật nuôi cần nhập con giống khỏe mạnh, có nguồn gốc xuất xứ, xác nhận giống đã được cơ quan thú y kiểm dịch, kiểm tra đầy đủ, không nhập con giống không rõ nguồn hay con giống ở vùng có dịch để tránh thiệt hại và ảnh hưởng tới tình hình an toàn dịch bệnh trên địa bàn, bảo đảm việc tái đàn ổn định. Đồng thời, khuyến khích người dân tham gia các lớp tập huấn nâng cao kiến thức chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển chăn nuôi bền vững.

Thức ăn chăn nuôi vẫn ở giá cao khiến anh Hà Văn Oánh, thôn Mậu Lâm, xã Đông Đô gặp khó khăn trong quá trình tái đàn lợn.

Không chỉ riêng xã Đông Đô, đây còn là tình trạng chung của các xã, thị trấn ở huyện Hưng Hà. Thiết nghĩ, để ổn định chăn nuôi, các cấp, các ngành cần có những cơ chế, chính sách định hướng phát triển chăn nuôi trang trại, chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ, chế biến công nghiệp, tạo nền tảng để hình thành liên kết chuỗi nhằm chủ động đầu ra trong tiêu thụ sản phẩm để nông dân yên tâm đầu tư phát triển chăn nuôi.

Thanh Thuỷ

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày