Thứ 4, 15/01/2025, 12:17[GMT+7]

Tiền gửi ngân hàng vẫn tăng mạnh bất chấp lãi suất giảm sâu

Thứ 4, 08/11/2023 | 15:06:17
2,152 lượt xem
Dòng tiền nhàn rỗi của người dân vẫn tiếp tục chảy vào hệ thống ngân hàng bất chấp lãi suất tiết kiệm liên tục giảm sâu.

Theo báo cáo tài chính quý III/2023 được các ngân hàng niêm yết công bố, số dư tiền gửi của hầu hết các ngân hàng đều tăng trưởng dương sau 9 tháng. Trong đó, quán quân tiền gửi hiện là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với số dư tuyệt đối lên đến 1,58 triệu tỷ đồng, tăng 7,5% so với hồi đầu năm; tiền gửi có kỳ hạn chiếm khoảng 84% số này.

Các vị trí kế tiếp thuộc về 2 ngân hàng lớn khác gồm Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) với số dư tiền gửi lần lượt là 1,35 triệu tỷ đồng và 1,31 triệu tỷ đồng. Tăng trưởng tại 2 ngân hàng trên so với hồi đầu năm lần lượt ở mức 8% và 5%.

Tuy nhiên, đây chưa phải là những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tiền gửi cao nhất trong 9 tháng năm 2023. Báo cáo tài chính chỉ ra tốc độ tăng trưởng tiền gửi mạnh nhất thuộc về Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Tính chung 9 tháng, HDBank tăng đến 58,3% số dư tiền gửi so với đầu năm, mức tăng cao nhất toàn ngành, đạt hơn 341.000 tỷ đồng. Riêng trong quý III, tăng trưởng tiền gửi tại HDBank cũng lên tới 10,4%.

Còn tại VPBank, tốc độ tăng trưởng tiền gửi ghi nhận ở mức 39% so với hồi đầu năm, đạt hơn 421.000 tỷ đồng. Động lực tăng trưởng vốn huy động chủ yếu đến từ khối khách hàng cá nhân của ngân hàng mẹ với mức tăng tới 60% so với đầu năm.

Ngoài VPBank và HDBank, nhiều ngân hàng cũng đạt mức tăng trưởng tiền gửi mạnh sau 9 tháng như: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) với 24,9%; Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) với 22%, Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) với 21%... Ở chiều ngược lại, chỉ riêng Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) giảm nhẹ tiền gửi khách hàng 0,6% so với hồi đầu năm.

Danh sách trên chưa bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) bởi hiện, ngân hàng này chưa công bố báo cáo tài chính quý III/2023. Tuy nhiên, tại báo cáo tài chính bán niên trước đó, số dư tiền gửi của Agribank đã dẫn đầu hệ thống với hơn 1,69 triệu tỷ đồng khi kết thúc 6 tháng đầu năm 2023.

Cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính đến cuối tháng 8/2023, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng đạt hơn 12,4 triệu tỷ đồng, tăng hơn 5,3% so với đầu năm. Trong đó, số dư tiền gửi của dân cư chiếm hơn 6,4 triệu tỷ đồng, tăng tới 11,8% so với đầu năm.

Các số liệu trên phần nào phản ánh khẩu vị rủi ro của người dân. Giữa bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, các kênh đầu tư khác biến động khó lường, tiền gửi ngân hàng vẫn là kênh hút khách dù lãi suất huy động liên tục giảm sâu kể từ cuối quý I đến nay.

Thống kê đến sáng 8/11, lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 12 tháng phổ biến ở mức từ 5,1-5,5%/năm, giảm mạnh so với mức đỉnh hồi đầu năm, từ 9-10%/năm.

VPBank vừa cập nhật giảm lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng từ 0,15-0,2%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 1 - 2 tháng trực tuyến giảm còn 3,7%/năm; kỳ hạn 3 - 5 tháng còn 3,8%/năm.

Tương tự tại VietBank và NamABank, lãi suất các kỳ hạn ngắn đồng loạt giảm.

Thay vì mức chung 4,4%/năm, VietBank đã hạ lãi suất kỳ hạn từ 1-3 tháng xuống dao động từ 3,9-4,1%/năm; các kỳ hạn 4 và 5 tháng từ 4,2-4,3%/năm. NamABank cũng giảm lãi suất các kỳ hạn từ 1-3 tháng từ mức chung 4,65%/năm xuống còn từ 3,6-4,2%/năm...

Không riêng các kỳ hạn ngắn, nhiều ngân hàng như Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank)... còn giảm lãi suất đối với nhiều kỳ hạn tiền gửi trên 6 tháng.

Lãi suất các kỳ hạn từ 12-13 tháng tại NCB hiện còn 5,8%/năm, kỳ hạn từ 15-60 tháng còn 6%/năm, giảm 0,1%/năm so với trước. Lãi suất kỳ hạn 6-8 tháng tại ngân hàng này giảm còn 5,5%/năm; kỳ hạn từ 9-11 tháng còn 5,65%/năm, giảm 0,2%/năm so với biểu lãi suất trước đó.

Có bước giảm tương tự, Techcombank đã hạ lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 12-36 tháng xuống còn 5,25%/năm; kỳ hạn từ 9-11 tháng còn 4,8%/năm; kỳ hạn từ 6-8 tháng còn 4,75%/năm. Các mức lãi suất này đã giảm từ 0,1-0,2%/năm so với trước.

Trong khi đó, BaoVietBank có bước giảm mạnh hơn đối với kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng. Lãi suất các kỳ hạn trên hiện xuống còn từ 5,5-5,6%/năm, giảm 0,3%/năm so với hồi đầu tháng 11. Lãi suất các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên giảm 0,2%/năm so với trước, đưa lãi suất cao nhất tại BaoVietBank xuống còn 6,2%/năm.

Xu hướng giảm lãi suất huy động vẫn có khả năng tiếp diễn trong thời gian tới. Dù mức giảm được dự báo sẽ chậm lại nhưng giới chuyên gia cho rằng sẽ có sự dịch chuyển dòng tiền từ tiết kiệm ngân hàng sang các kênh đầu tư sinh lời khác.

Theo ông Trần Xuân Bách, Chuyên gia Phân tích và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thị trường bất động sản đang ấm dần lên nhờ các chính sách hỗ trợ, dự báo thanh khoản thị trường sẽ cải thiện từ nửa đầu năm 2024 trở đi. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán cũng đang là kênh đầu tư hấp dẫn dòng vốn với tỷ suất sinh lời từ đầu năm đến nay tương đối tích cực gần 14%.

"Trong bối cảnh lãi suất thấp, sự dịch chuyển dòng tiền đầu tư là tất yếu. Tuy nhiên, dịch chuyển ít hay nhiều còn phụ thuộc độ am hiểu và khẩu vị rủi ro nhà đầu tư", ông Bách nhấn mạnh.

Theo vtv.vn