Thứ 6, 17/05/2024, 11:19[GMT+7]

Nuôi cua trong hộp nhựa hiệu quả kinh tế cao

Chủ nhật, 12/11/2023 | 19:36:07
1,749 lượt xem
Cua biển là loại hải sản có giá trị kinh tế cao, có thể được chế biến thành các món ăn ngon nên rất được thị trường ưa chuộng. Nắm bắt nhu cầu đó, anh Bùi Đình Tuyên, thôn Tam Đồng, xã Thụy Hải (Thái Thụy) đã mạnh dạn áp dụng nuôi cua biển trong hộp nhựa, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Tuyên đầu tư hết 50 triệu đồng cho khu nuôi cua biển.

Anh Bùi Đình Tuyên trước đây làm nghề lái tàu biển, thường xuyên đi lại và chứng kiến ngư dân mua bán cua biển với giá trị cao, gia đình anh lại có sẵn đầm nuôi trồng thủy sản nên anh luôn ấp ủ mong muốn nuôi thành công cua biển để mang lại thu nhập cao cho gia đình. Giữa năm 2022, anh trở về địa phương và dốc vốn liếng đầu tư nuôi cua biển. 

Anh Tuyên chia sẻ: Thời điểm tôi nuôi cua biển gia đình ai cũng cấm bởi kinh nghiệm chưa có, kiến thức thì chỉ biết về con cua biển nuôi dưới nước, chứ cua nuôi trong hộp thì cần đầu tư gì, làm như thế nào bản thân hoàn toàn không có. Nhưng với quyết tâm, tôi đã đi thăm một số mô hình nuôi cua của các hộ trên địa bàn xã, ngoài tỉnh để học tập kinh nghiệm và tìm nhập giống. Tôi thường nhập cua biển có kích thước từ 150 - 200 gam/con để đem về nuôi trong hộp.

Để nuôi được cua trong hộp, anh Tuyên phải xây dựng hệ thống nhà nuôi khép kín, bảo đảm thông thoáng khí, hạn chế ánh nắng, giữ nhiệt độ ở mức mát mẻ. Ngoài 50 triệu đồng tiền đầu tư mua hộp nuôi và hệ thống sục khí, anh chủ động tìm hiểu một số loại thuốc, vi sinh vật giúp lọc nước sạch hơn để nuôi cua. Anh chế tạo hệ thống dẫn nước tuần hoàn từ bể này sang bể khác rồi đi vào bể lọc, như vậy sẽ tiết kiệm được chi phí đầu tư xử lý nước và hạn chế vi sinh vật ngoại lai xâm nhập vào hộp nuôi cua. Anh thường mua các loại don, hến để làm thức ăn cho cua, đến khi cua đạt trọng lượng yêu cầu thì anh thả nuôi kết hợp cùng tôm sú sẽ giúp tiết kiệm tối đa chi phí thức ăn chăn nuôi cho gia đình. Anh tập trung nuôi, phát triển 4 loại cua thương phẩm gồm: cua gạch, cua thịt, cua cốm và cua lột. Với một con cua tùy theo từng giai đoạn phát triển của cua mà anh xuất bán cho thương lái, như vậy sẽ cho nguồn thu nhập cao mà lại chiều lòng và giữ chân được khách hàng lớn ở các tỉnh, thành phố. Trong 4 loại cua của mình, anh Tuyên tập trung nhất vào làm cua cốm và cua lột bởi đây là 2 loại cua có chất lượng thịt thơm ngon, dinh dưỡng cao nên giá thành bán sẽ cao.

Đối với cua gạch, anh Tuyên cũng có thể theo dõi được sự phát triển của lượng gạch trong từng con cua bằng hệ thống đèn soi chiếu của mình. Theo như anh cho biết, trước kia những người mua cua muốn xem cua có gạch hay không thì thường kiểm tra bằng cách lật yếm của cua hoặc bóp thân cua, tuy nhiên làm như vậy sẽ khiến cua bị yếu và chết. Chính vì thế, anh đã đầu tư hệ thống đèn soi chiếu để kiểm tra hàm lượng gạch trong cua, nếu khách hàng muốn mua gạch lỏng hay loại cua đặc gạch thì anh đều có thể đáp ứng. Mỗi tháng anh thả nuôi từ 1.000 - 3.000 cua kích thước nhỏ và từ 3.000 - 5.000 cua kích thước lớn, chỉ cần khi thu hoạch cua đạt 1/3 số lượng giống thả nuôi là anh đã có lãi. Ngoài ra, anh nuôi thêm cả tôm sú, cá vược, cá nâu... sau khi trừ chi phí mô hình nuôi thủy sản tổng hợp của gia đình anh cho thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng/năm.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thụy Hải đánh giá: Mô hình nuôi cua trong hộp nhựa của anh Bùi Đình Tuyên là một trong những mô hình tiêu biểu hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển. Địa phương cũng đã có một số hội viên tham gia nuôi cua trong hộp nhựa nhưng theo đánh giá thì hộ anh Tuyên là đa dạng sản phẩm và đáp ứng được nhu cầu của nhiều khách hàng. Hội Nông dân xã cũng ủng hộ và tạo điều kiện về vốn, khoa học kỹ thuật để giúp đỡ những hội viên có cách làm hay, sáng tạo như nhà anh Tuyên, từ đó giúp đỡ hội viên nông dân xã Thụy Hải làm giàu trên quê hương.

Tiến Đạt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày