Thứ 6, 22/11/2024, 16:41[GMT+7]

Nam Hải: Triển vọng từ mô hình trồng sâm Bố Chính

Chủ nhật, 12/11/2023 | 19:53:44
1,900 lượt xem
Những năm qua, xã Nam Hải (Tiền Hải) tích cực chuyển đổi cây trồng góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Trong đó, đã đưa cây sâm Bố Chính vào thâm canh, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.

Nông dân xã Nam Hải thu hoạch củ sâm Bố Chính.

Ông Trần Quang Vinh, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Nam Hải cho biết: Sau khi đi tham quan một số mô hình trồng sâm Bố Chính ở một số tỉnh, tại các điểm tham quan cho thấy có nhiều điểm tương đồng về chất đất như tại địa phương. Đầu năm 2023, HTX đã đưa cây sâm Bố Chính về trồng trên những thửa ruộng ven sông Lân vốn chỉ trồng ngô, khoai, hiệu quả kinh tế thấp. Cây sâm Bố Chính bước đầu được trồng thí điểm 1,5 mẫu. Ban đầu cũng có nhiều bỡ ngỡ khi áp dụng trồng sâm Bố Chính, vì đây là cây trồng mới được thí điểm trên địa bàn huyện Tiền Hải nhưng chúng tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Cũng như các loại cây khác, sâm Bố Chính phù hợp với đất phù sa ven sông vì giàu chất dinh dưỡng, có khả năng thoát nước tốt. Trước khi gieo trồng, đất phải xử lý theo quy trình yêu cầu của doanh nghiệp liên kết sản xuất. Do là cây dược liệu nên nguồn phân bón chuyên dùng phải bảo đảm không có hóa chất tồn dư trong sản phẩm sau khi thu hoạch. Mô hình được HTX cung ứng phân bón chuyên dùng, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, sản xuất theo quy trình hữu cơ. Đến nay, diện tích sâm Bố Chính đã thu hoạch, được doanh nghiệp về thu mua tại ruộng. Mô hình này bước đầu đạt hiệu quả kinh tế ổn định cho nông dân.

Ông Phạm Văn Vương, thôn Nội Lang Bắc, xã Nam Hải cho biết: Nhận thấy cây sâm Bố Chính là giống mới có giá trị kinh tế cao nên tôi đã đầu tư trồng trên diện tích đất ven sông Lân. Sâm Bố Chính là cây dược liệu, nên được bón phân hữu cơ để sản phẩm không bị nhiễm bất kỳ hóa chất nào. Sau 3 tháng trồng, cây sâm nở hoa sẽ cho thu hoạch sản phẩm hoa và từ 9 tháng trở đi, người trồng có thể thu hoạch củ hay rễ cây. Giá thành củ, rễ phụ thuộc vào chất lượng, từ 200.000 - 600.000 đồng/kg. Cây sâm Bố Chính sau khi đủ thời gian thu hoạch trừ chi phí đầu vào, nhân công thì bình quân lợi nhuận từ 10 - 25 triệu đồng/sào, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, rau màu. Cây sâm Bố Chính giờ là cây thoát nghèo của gia đình tôi. Với thành công bước đầu, tôi hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sâm cho các hộ dân khi có nhu cầu.

Theo y học cổ truyền, sâm Bố Chính có một số tác dụng chính: Các sản phẩm từ cây sâm Bố Chính như hoa, lá, thân phơi khô làm trà uống giúp hạ nhiệt, giảm mỡ máu hay gan nhiễm mỡ, huyết áp, tác dụng hạ sốt, tác dụng bồi bổ cơ thể, tăng cường chức năng tiêu hóa, hỗ trợ điều trị ung thư. Củ hay rễ cây sâm Bố Chính dùng để ngâm rượu, chế biến bột dinh dưỡng, bột làm đẹp da. Thời gian tới, xã Nam Hải sẽ xây dựng kế hoạch quy vùng sản xuất trồng sâm Bố Chính theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm lâu dài cho người dân địa phương, sẽ tạo ra sản phẩm nông nghiệp theo hình thức sản xuất an toàn, có giá trị kinh tế cao.

Chuyển đổi cây trồng để tăng giá trị trên cùng một diện tích đất đang là hướng đi đúng đắn và lâu dài của xã Nam Hải. Mô hình trồng sâm Bố Chính bước đầu đã giúp một số hộ dân xã Nam Hải mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp, song để đầu ra bảo đảm, rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc định hướng quy hoạch vùng trồng, liên kết với doanh nghiệp, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho nông dân.

Nông dân xã Nam Hải, huyện Tiền Hải thu hoạch hoa sâm Bố Chính.

Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày