Niềm vui từ cây vụ đông sớm
Xã Đông Xá là địa phương có truyền thống trồng cây vụ đông sớm của huyện Đông Hưng, trong đó thế mạnh là cây bí đỏ được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. HTX đứng ra thu mua không chỉ giúp bà con yên tâm sản xuất mà còn góp phần điều tiết được giá thị trường, không còn tình trạng tư thương tự “làm giá” như trước đây. Về Đông Xá thời điểm này, không khí thu hoạch vụ đông tấp nập, khẩn trương chẳng khác 2 vụ lúa.
Duy trì trồng trên 1 mẫu vụ đông từ nhiều năm qua, đến nay bà Vũ Thị Dự, thôn Đông Bình Cách đã thu về hơn 10 triệu đồng từ cây bí. Bà Dự cho biết: Thu nhập cả năm của nông dân chúng tôi trông chờ vào vụ đông vì so với cấy lúa vụ đông cho thu nhập cao gấp nhiều lần. Giống được tỉnh, huyện hỗ trợ, HTX đứng ra thu mua sản phẩm nên chúng tôi yên tâm gieo trồng. Ngay từ tháng 8 âm lịch, khi lúa mùa mới uốn câu, tôi đã rẽ lúa đặt bầu cây bí. Nhờ trồng gối vụ nên bí cho thu hoạch sớm. Vụ đông năm nay cây bí ít sâu bệnh, thời tiết thuận lợi nên năng suất cao hơn. Đầu vụ giá thấp nhưng đến nay giá tăng dần, đạt 5.000 đồng/kg bí non, 7.000 đồng/kg bí già, trừ chi phí vẫn thu được trên 1 triệu đồng/sào. Chúng tôi thu hoạch rồi cân bán cho HTX, nhận tiền ngay nên ai cũng phấn khởi.
Đến nay bà Vũ Thị Dự, thôn Đông Bình Cách, xã Đông Xá (Đông Hưng) đã thu về hơn 10 triệu đồng từ cây bí.
Bà Trần Thị Thanh Hoài, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Đông Xá cho biết: Vụ đông nào cũng vậy, đồng ruộng ở đây “hoạt động hết công suất”. Xác định vai trò và tầm quan trọng của vụ đông, ngay từ đầu năm xã đã xây dựng kế hoạch làm đất, cung ứng các vật tư, phân bón, giống cây trồng chất lượng cho các hộ nông dân. Đồng thời, chú trọng thực hiện kiên cố hóa kênh mương, làm tốt công tác thủy lợi nội đồng, gia cố cầu cống đáp ứng yêu cầu sản xuất; khuyến cáo người dân bám sát lịch thời vụ, bám sát quá trình sinh trưởng, phát triển của cây để chăm sóc, tưới, tiêu cho phù hợp... Chúng tôi cũng đưa việc làm bầu đất ươm cây giống thành một trò chơi trong lễ hội truyền thống tổ chức hàng năm tại địa phương nhằm tạo khí thế sôi nổi, tuyên truyền, động viên người dân tích cực sản xuất vụ đông.
Tại vùng rau màu xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ), nông dân cũng bắt đầu thu hoạch rau vụ đông sớm. Với 4 sào su hào, ông Đào Văn Huynh, thôn An Phú 1 vừa thu về 30 triệu đồng sau gần 2 tháng trồng. Nhanh tay làm đất để trồng vụ su hào tiếp theo, ông Huynh cho biết: Nếu trồng lứa rau vụ đông cực sớm thì ngoài đợt rau chính vụ, nông dân còn trồng thêm được lứa rau phục vụ thị trường tiêu dùng dịp cuối năm. Thường vào mùa đông, nông dân Quỳnh Hải sẽ trồng từ 3 - 4 lứa su hào, trong đó lứa cực sớm tuy vất vả nhưng được giá nhất. Chúng tôi trồng từ nửa cuối tháng 8 âm lịch, đến đầu tháng 10 âm lịch được thu hoạch. Vụ su hào đầu tiên của năm nay, gia đình tôi không bán lẻ mà bán cho thương lái với giá 4.000 đồng/củ, họ tự cắt. Mỗi sào tôi trồng từ 2.300 - 2.400 gốc, với mức giá này tôi thu được trên 8 triệu đồng/sào, trừ chi phí lãi khoảng 5 - 6 triệu đồng/sào.
Su hào thu hoạch sớm mang lại thu nhập cao cho nông dân xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ).
Vụ đông năm nay toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 38.500ha, tăng 1.500ha so với kế hoạch sản xuất trồng trọt năm 2023; trong đó, nhóm cây ưa ấm khoảng 19.300ha. Nông dân chủ yếu trồng rau các loại, bí xanh, bí đỏ, ngô, lạc, đậu tương... Đây là những loại cây ưa ấm, phù hợp với thời tiết đầu vụ, thời gian sinh trưởng ngắn, nhanh cho thu hoạch. Đến nay đã có hơn 4.000ha cây ưa ấm cho thu hoạch, tập trung nhóm dưa bí, rau các loại. Do thu hoạch đầu vụ, cùng với thời điểm giao mùa nguồn cung rau, củ, quả chưa dồi dào... nên thị trường tiêu thụ thuận lợi và được giá. Hiệu quả kinh tế cây vụ đông sớm mang lại cao gấp 1,5 - 2 lần so với cây vụ đông chính vụ. Đây là điều kiện thuận lợi để khuyến khích người dân tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây vụ đông, đặc biệt là rau ưa lạnh để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Để bảo đảm về diện tích, giá trị sản xuất vụ đông, nông dân cần đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, hiệu quả trên đơn vị diện tích đất canh tác, nâng cao chất lượng nông sản... Đồng thời, theo dõi thị trường để có kế hoạch gieo trồng rau ngắn ngày, tránh tình trạng thu hoạch tập trung cùng thời điểm dẫn đến giá giảm.
Ngân Huyền
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Quỳnh Phụ: Triển khai cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai 07.12.2023 | 16:09 PM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- Ra mắt Tủ sách điện tử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- UBND tỉnh: Nghe và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng
- 11 gian hàng trưng bày tại ngày phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp
- Con người, quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước
- Chỉ thị số 33- CT/TU ngày 14/10/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
- Gặp mặt đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X
- Chống lãng phí
- Khai mạc lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2024
- Vũ Thư kỷ niệm 55 năm thành lập huyện (1969 – 2024)