Thứ 6, 22/11/2024, 12:21[GMT+7]

Hỏi đáp về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Thứ 2, 27/11/2023 | 08:55:03
7,580 lượt xem

Ảnh minh họa.

Câu 14: Việc hòa giải có thể thực hiện ngoài trụ sở Tòa án hay không?

Trả lời:

Việc hòa giải có thể thực hiện ngoài trụ sở Tòa án theo quy định về phương thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án tại Điều 22 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, cụ thể:

- Hòa giải, đối thoại có thể được tiến hành trong một hoặc nhiều phiên.

- Việc hòa giải, đối thoại được tiến hành tại trụ sở Tòa án hoặc có thể ngoài trụ sở Tòa án theo lựa chọn của các bên.

- Phiên hòa giải, đối thoại có thể dược thực hiện bằng hình thức trực tiếp hoặc hình thức phù hợp khác theo đề nghị của các bên.

- Hòa giải viên có thể tiến hành hòa giải, đối thoại có mặt các bên hoặc gặp riêng từng bên; yêu cầu mỗi bên trình bày ý kiến của mình về các vấn đề của vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính; đề xuất phương án, giải pháp hòa giải, đối thoại.

Trường hợp một trong các bên có người đại diện, người phiên dịch thì Hòa giải viên phải mời họ cùng tham gia hòa giải, đối thoại.

Câu 15: Pháp luật quy định về nhiệm vụ của Hòa giải viên trong quá trình tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 23 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, nhiệm vụ của Hòa giải viên trong quá trình tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án bao gồm:

- Phổ biến, giải thích quyền, nghĩa vụ của các bên.

- Tạo điều kiện để các bên đề xuất, trao đổi về phương án, giải pháp giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính.

- Phân tích tính hiệu quả, khả thi của từng phương án, giải pháp giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính; hỗ trợ các bên đạt được sự thỏa thuận, thống nhất.

Câu 16: Việc tiến hành phiên hòa giải, đối thoại tại Tòa án được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 24 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án về việc tiến hành phiên hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau:

- Khi các bên đồng ý gặp nhau để thống nhất phương án giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính, Hòa giải viên ấn định thời gian, địa điểm tiến hành phiên hòa giải, đối thoại và thông báo cho các bên, người đại diện, người phiên dịch chậm nhất là 05 ngày trước ngày mở phiên hòa giải, đối thoại.

- Việc thông báo có thể được thực hiện bằng văn bản hoặc hình thức khác thuận tiện cho các bên.

Câu 17: Pháp luật quy định về việc tiến hành phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 27 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án về việc tiến hành phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau:

- Khi các bên đạt được sự thỏa thuận, thống nhất với nhau về việc giải quyết toàn bộ hoặc một phần vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính, Hòa giải viên ấn định thời gian, địa điểm mở phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại.

Phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại có thể được tổ chức ngay sau phiên hòa giải, đối thoại hoặc vào thời gian phù hợp khác.

Hòa giải viên phải thông báo cho những người là thành phần phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại gồm có: Hòa giải viên; các bên, người đại diện, người phiên dịch; Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại hoặc Thẩm phán khác do Chánh án Tòa án phân công (sau đây gọi chung là Thẩm phán tham gia phiên họp).

- Hòa giải viên tiến hành phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại trụ sở Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc.

Câu 18: Pháp luật quy định về thành phần phiên hòa giải, đối thoại tại Tòa án như thế nào?

Trả lời:

Về thành phần phiên hòa giải, đối thoại tại Tòa án được quy định tại Điều 25 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, như sau:

- Thành phần phiên hòa giải, đối thoại gồm có:

+ Hòa giải viên;

+ Các bên, người đại diện, người phiên dịch;

+ Người được mời tham gia hòa giải, đối thoại trong trường hợp cần thiết.

- Các bên có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia hòa giải, đối thoại; đồng thời phải thông báo bằng văn bản về họ, tên, địa chỉ của người đại diện cho bên kia và 

Hòa giải viên biết. Đối với hòa giải việc ly hôn, các bên trong quan hệ vợ, chồng phải trực tiếp tham gia hòa giải.

Quyền và nghĩa vụ của người đại diện của các bên được xác định theo quy định của Bộ luật Dân sự.

- Người bị kiện trong khiếu kiện hành chính có thể ủy quyền cho người đại diện tham gia đối thoại. Người đại diện theo ủy quyền phải có đầy đủ thẩm quyền để giải quyết khiếu kiện.

(còn nữa)

Lê Thủy
(Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp)