Chủ nhật, 24/11/2024, 09:14[GMT+7]

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6: Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua các dự án luật

Thứ 2, 27/11/2023 | 15:41:29
8,390 lượt xem
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 27/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước và tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Luật. Kết quả biểu quyết, có 431 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 87,25%); Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Căn cước.

Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tham dự phiên họp ngày 27/11.

Dự thảo Luật được thông qua có 7 chương, 46 điều, áp dụng đối với công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, trừ các trường hợp có quy định cụ thể trong Luật.

Tiếp đó, với 423 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 85,63%); Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi).

Dự thảo Luật được thông qua có 13 chương, 198 điều, quy định về sở hữu, phát triển, quản lý vận hành, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ các trường hợp có quy định cụ thể và các điều khoản chuyển tiếp khác.

Tiếp tục chương trình làm việc buổi sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và các báo cáo của Chính phủ về: Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Qua thảo luận, đã có 28 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, có 6 lượt đại biểu Quốc hội có ý kiến tranh luận. Không khí thảo luận rất khẩn trương, sôi nổi, các vị đại biểu Quốc hội phát biểu rất thẳng thắn, sâu sắc và trí tuệ, tâm huyết về nhiều nội dung bao quát, quan trọng của dự thảo Luật, vừa thể hiện tính toàn diện, vừa cụ thể, chi tiết gắn với các điều, khoản quy định cụ thể của dự thảo Luật Thủ đô với tinh thần xây dựng và trách nhiệm rất cao.

Đối với 3 báo cáo của Chính phủ về thí điểm áp dụng mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Chí Minh, các đại biểu cơ bản thống nhất, các ý kiến của các đại biểu sẽ được tổng hợp để bổ sung kết luận của Quốc hội về nội dung này vào nghị quyết chung của Kỳ họp, theo hướng tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn các nghị quyết Quốc hội để đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới, phát huy hiệu quả nhất các cơ chế đặc thù mà Quốc hội đã dành cho các địa phương.

Buổi chiều, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp, sau khi nghe trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua luật này. Kết quả, có 468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 94,74%), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Dự thảo Luật được thông qua có 10 chương, 86 điều, quy định về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Tiếp đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp ở hội trường thảo luận về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Tham gia thảo luận, các vị đại biểu thể hiện nhất trí với việc sửa đổi Luật Lưu trữ là cần thiết để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục kịp thời bất cập, hạn chế trong thực tiễn về công tác lưu trữ hiện nay, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử. Với mục tiêu phát triển lưu trữ tư nhân, Nhà nước có những chính sách công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền sở hữu, quyền sở hữu trí tuệ đối với tài liệu lưu trữ tư nhân, tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dịch vụ lưu trữ, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ. Ngoài ra, các đại biểu đã tham gia góp ý vào các nội dung cụ thể như: Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ thuộc Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam, thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ thuộc các ngành quốc phòng, công an, ngoại giao; lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số; hoạt động lưu trữ tư và hoạt động dịch vụ lưu trữ...

Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)