Thứ 7, 18/05/2024, 01:02[GMT+7]

Hưng Hà: Chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 7, 02/12/2023 | 21:31:22
931 lượt xem
Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, để chủ động phòng, chống, huyện Hưng Hà đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hạn chế thấp nhất các ổ dịch phát sinh, ngăn ngừa bệnh dịch lây lan, bảo đảm an toàn cho đàn lợn phục vụ thị trường tết Nguyên đán sắp tới.

Ông Đỗ Tiến Luyện, xã Duyên Hải (Hưng Hà) rắc vôi bột để tiêu độc, khử trùng chuồng trại.

Mô hình nuôi lợn của anh Nguyễn Đình Bính, thôn Đại An, xã Thống Nhất được xây dựng từ năm 2012 với 10 ô chuồng trên diện tích 5 sào ruộng chuyển đổi. Những ngày đầu chăn nuôi, gia đình anh gặp nhiều khó khăn, thiệt hại vì dịch bệnh nhưng anh không nản chí mà tiếp tục tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của các hộ trên địa bàn huyện, đồng thời tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật chăn nuôi nên đàn lợn phát triển ổn định. Hiện tại, gia đình anh nuôi 10 lợn nái, 100 lợn thịt, mỗi năm xuất ra thị trường 2 lứa lợn, thu nhập hơn 200 triệu đồng. Anh Bính chia sẻ: Để bảo đảm an toàn cho đàn lợn, các khu chuồng trại của gia đình được xây dựng khép kín, hiện đại, có hệ thống điều hòa không khí, bảo đảm nhiệt độ chuồng nuôi từ 26 - 28 độ C tạo điều kiện thuận lợi để đàn lợn sinh trưởng, phát triển tốt và chống được dịch bệnh. Ngoài ra, gia đình tôi còn thường xuyên tổng vệ sinh khu vực chuồng trại chăn nuôi, phun thuốc khử khuẩn, tiêm vắc-xin phòng bệnh để bảo vệ đàn lợn trước nguy cơ bệnh dịch tái phát.

Thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, ông Đỗ Văn Tụ, tổ dân phố Văn, thị trấn Hưng Nhân đã tiêm phòng đầy đủ vắc-xin phòng bệnh và phun khử trùng xung quanh khu chăn nuôi, các chuồng nuôi; phát quang bụi rậm, khơi thông, vệ sinh cống rãnh; thực hiện quy trình chăn nuôi phù hợp tùy theo giai đoạn phát triển, bổ sung men vi sinh kích thích quá trình tiêu hóa, tăng khả năng hấp thụ thức ăn cho đàn lợn. Nhờ đó, hơn 250 lợn thịt, 20 lợn nái của gia đình ông phát triển ổn định, sẵn sàng phục vụ thị trường tết. Ông Tụ chia sẻ: Thời tiết giao mùa và bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, nguy cơ tái phát bệnh dịch rất cao. Do đó, gia đình tôi tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống bệnh dịch. Tôi thấy việc tiêm vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi rất cần thiết, tránh thiệt hại xảy ra, giúp người dân yên tâm đầu tư chăn nuôi.

Là địa phương giáp ranh với tỉnh Hưng Yên nên công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi được thị trấn Hưng Nhân chú trọng. Hiện nay, thị trấn có gần 200 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn gần 5.000 con, trong đó lợn nái hơn 500 con, lợn thịt hơn 2.000 con, còn lại là lợn choai và lợn con. 

Bà Trần Thị Hiện, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y thị trấn cho biết: Để bảo đảm an toàn cho đàn lợn, địa phương đã trích kinh phí gần 20 triệu đồng mua hóa chất và vôi bột để phun tiêu độc khử trùng trên toàn địa bàn. Đồng thời, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dịch; cẩn trọng tái đàn và kiểm soát chặt chẽ từ lựa chọn con giống, thức ăn chăn nuôi rõ nguồn gốc; thường xuyên theo dõi đàn lợn để có hướng xử lý kịp thời khi bệnh dịch xảy ra.

Huyện Hưng Hà hiện có 1.116 gia trại chăn nuôi lợn quy mô từ 20 - 100 con với tổng đàn lợn 104.686 con. Từ đầu năm đến nay, UBND huyện đã cấp 800 lít hóa chất hỗ trợ các địa phương; các xã, thị trấn và người dân mua bổ sung 3.642 lít hóa chất, hơn 85.000kg vôi bột để tổ chức phun tiêu độc khử trùng tại các chuồng trại, chợ, bãi rác..., ước khoảng 9,2 triệu mét vuông. 

Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn, UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn giám sát, thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh; các cơ quan chức năng chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, giết mổ, buôn bán lợn bị bệnh trên địa bàn; quan tâm, chú trọng công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp cán bộ, người dân nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch bệnh, từ đó tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đồng thời, hướng dẫn người dân khi phát hiện lợn có triệu chứng bị bệnh phải báo cáo ngay với chính quyền địa phương để xử lý kịp thời và thực hiện tốt “5 không”: không giấu dịch; không mua bán, không vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn ốm, chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Người dân xã Đông Đô tập trung chăm sóc đàn lợn.

Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày