Thứ 6, 02/08/2024, 07:11[GMT+7]

Lễ Phật đản hướng về cuộc sống an nhiên

Thứ 2, 16/05/2016 | 09:18:58
1,832 lượt xem
Cứ tới rằm tháng 4, Phật tử cả nước lại long trọng tổ chức ngày lễ lớn của Phật giáo - đại lễ Phật đản. Năm nay, trong không khí tưng bừng, phấn khởi hướng tới những sự kiện quan trọng của đất nước, ngày đại lễ càng mang nhiều ý nghĩa. Ngoài việc tưởng nhớ về cuộc đời, công lao đối với chúng sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, các Phật tử còn được răn dạy về thái độ đúng đắn với môi trường và về quyền lợi, trách nhiệm trong bầu cử của mỗi công dân.

Từ năm 1999, Ðại lễ Phật đản vào ngày rằm tháng 4 đã được Liên hợp quốc công nhận là lễ hội văn hóa tâm linh thế giới. Cùng với lễ Phật thành đạo, lễ Phật nhập niết bàn, ngày lễ Phật đản cấu thành nên lễ Tam hợp mà Liên hợp quốc gọi là Vesak.

Cội nguồn ngày lễ Phật đản

Rằm tháng 4 hàng năm là dịp kỷ niệm ngày sinh của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài xuất thân là thái tử Tất Ðạt Ða. Dù lớn lên ở hoàng cung nhưng trong các chuyến du ngoạn ngoại thành, chứng kiến cảnh sinh, lão, bệnh, tử, ngài luôn trăn trở, tìm cách cứu giúp chúng sinh có thể thoát khỏi trầm luân. Lìa bỏ cuộc sống nhung lụa, ngài lên đường tìm đạo giải thoát. Sau nhiều năm tu hành khổ hạnh chốn rừng già, ngài đi khắp nơi truyền pháp, đem chân lý giác ngộ giảng dạy cho tất cả mọi người. Bởi vậy mà giờ đây các buổi lễ của Phật giáo, trong đó quan trọng nhất là lễ Phật đản đều với ý nghĩa dẫn dắt con người đến với điều thiện, xoa dịu những khổ đau của cuộc đời. Mỗi người hãy "bước vào cửa đạo", tự rèn luyện, tu tâm dưỡng tính thay vì chỉ bước vào cửa chùa rồi thôi.

Tìm về chốn bình yên

Hàng năm, Ðại lễ Phật đản được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức long trọng. Ngoài buổi lễ chính vào đúng ngày rằm tháng 4 với hàng nghìn Phật tử tham gia, các chùa còn tổ chức nhiều hoạt động như văn nghệ mừng ngày Phật đản với chủ đề ca ngợi Phật giáo, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước... Cùng với đó là lễ phóng sinh, các buổi thuyết giảng Phật pháp. Ðối với mỗi Phật tử, niềm hạnh phúc là được cùng các quý sư cô, sư bác kết hoa, nấu nước thơm, trang trí lễ đài, dọn dẹp sân chùa... Niềm hạnh phúc trong ngày Ðản sinh như một điều gì đó rất đỗi tự nhiên từ trong tâm thức mà mọi công việc đều được thực hiện sao cho không gây tốn kém, không phung phí vốn là đạo lý nhà Phật.

Phật tử chùa Phúc Minh chuẩn bị cho Ðại lễ Phật đản. Ảnh: Minh Đức

Quan trọng nhất trong mỗi lễ kỷ niệm ngày sinh của đức Phật là nghi thức tắm tượng Phật xuất phát từ truyền thuyết có hai vị Long vương phun hai dòng nước, một dòng nóng, một dòng lạnh tắm cho thái tử Tất Ðạt Ða trong ngày ngài sinh ra. Hai dòng nước ấy tượng trưng cho những nghịch cảnh của cuộc đời, cho những buồn vui, sướng khổ mà mỗi người đều trải qua. Các Phật tử, không phân biệt tuổi tác, địa vị, giàu nghèo đều hoan hỉ xếp hàng, tâm niệm Phật, miệng niệm Phật, kiên nhẫn chờ đợi tới lượt mình tiến lên lễ đài múc gáo nước thơm tưới lên hai vai của tượng Phật sơ sinh. Trong khi tắm Phật, mỗi người lắng lòng thanh tịnh, tâm nguyện rằng: Dù trên đời có gặp nghịch cảnh hay thuận cảnh, phải lòng hay trái lòng, tâm vẫn phải bình tĩnh, thản nhiên. Việc làm này phần nào giúp chuyển hóa tâm trạng của con người từ phiền não, khổ đau thành an lạc, hạnh phúc.

Ngày Phật đản còn là ngày không sát sinh. Từ trước đó, các Phật tử thường phóng sinh những con vật bé nhỏ như chim, cá... với ý nghĩa tạo niềm vui, hiến dâng sự sống. Ðây cũng là sự từ bi để báo ơn đức Phật. Ngoài ra, tất cả Phật tử đều ăn chay để bày tỏ lòng thành. Việc ăn chay trong ngày Phật đản ý nghĩa sâu xa còn là mong ước gột sạch mọi tội lỗi.

Trong dịp diễn ra Ðại lễ Phật đản, các hoạt động thiện nguyện, quyên góp, thăm hỏi động viên những gia đình có hoàn cảnh khó khăn cũng được Giáo hội Phật giáo tỉnh và một số chùa tổ chức. Tại một số nước châu Á như Sri Lanka, trong ngày Phật đản không ai bị đói bụng vì mỗi nhà đều làm một mâm cơm để trước cửa, ai cũng có thể ăn.

Giữa nhịp sống hối hả thường nhật, ngày Phật đản cùng những ngày lễ khác của Phật giáo như níu kéo mỗi người vào một không gian thanh tịnh để có thể sống chậm hơn, cảm nhận cuộc sống ý nhị, sâu sắc hơn. Và rồi, sau mỗi lần đi chùa về có thể bớt đi những đố kị, kiêu căng, ích kỷ nhỏ nhoi, có thể sống hiền hòa, biết bao dung, tha thứ. Ðồng thời, mỗi Phật tử hãy truyền đi những giáo lý tốt đẹp tới những người xung quanh để cuộc sống thêm tươi đẹp, bình an và hạnh phúc.

Thầy Thích Trí Sử, Trưởng ban Trị sự Phật giáo thành phố Thái Bình

 

Thực hiện lời dạy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, các tăng ni, Phật tử luôn cố gắng rèn luyện tâm trí, đạo đức, hành động. Ðặc biệt, trong Ðại lễ Phật đản, chúng tôi truyền tải đến các tín đồ, Phật tử nói riêng, nhân dân nói chung thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đặc biệt là hướng tới kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc. Chúng tôi cũng vận động tăng ni, Phật tử tham gia bỏ phiếu để thực hiện quyền và nghĩa vụ của cử tri và hoàn thành tốt công việc Ðảng, Nhà nước giao cho. Bên cạnh đó, các tín đồ, Phật tử cũng động viên nhau người góp công, người góp của phần nào xoa dịu nỗi đau của những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

Bà Vũ Thị Lý, Thành phố Hồ Chí Minh

Trở về quê hương tham dự Ðại lễ Phật đản, tôi cảm thấy rất xúc động và vinh dự được tham gia một buổi lễ hoành tráng và nghiêm trang. Ðã là người con Phật, tôi cũng như các Phật tử khác coi ngày này là ngày vô cùng trọng đại, bởi vậy mà tất cả mọi người tham dự rất đông đủ, vui mừng. Mỗi Phật tử cần có trách nhiệm góp phần duy trì đạo pháp, xây dựng Phật giáo ngày càng tốt đẹp.

Ông Vũ Ðăng Tiên, phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình

Tôi được nghe thầy giáo hóa về con người, cách cách sống có đạo lý, biết kính trên nhường dưới, sống tôn trọng pháp luật, tôn trọng sự tôn nghiêm nơi cửa Phật... Sau khi được nghe thầy giáo hóa, tôi cảm thấy rất phấn khởi, tự hào, thực hiện lời dạy của thầy, tôi sống thoải mái, chan hòa, làm việc tốt cho mọi người, cho mình, cho thiên nhiên...

Chùa Sùng Nghiêm tổ chức Ðại lễ Phật đản

Hòa chung niềm hân hoan của ngày lễ Phật đản 2016 đang bắt đầu náo nức trên mọi miền Tổ quốc, chùa Sùng Nghiêm (thành phố Thái Bình) đã tổ chức Ðại lễ Phật đản.

Tham dự ngày lễ lớn của Phật giáo - Ðại lễ Phật đản 2016 tại chùa Sùng Nghiêm có hàng trăm Phật tử, trong không khí tưng bừng, phấn khởi hướng tới những sự kiện quan trọng của đất nước. Lễ Phật đản là ngày lễ có vai trò quan trọng, diễn ra với nhiều hoạt động đa dạng như các chương trình văn nghệ mang chủ đề Phật giáo, ca ngợi quê hương, đất nước, đặc biệt trong đó là lễ dâng hương, lễ tắm Phật..., thu hút sự tham gia không chỉ của Phật tử mà còn của cán bộ, nhân dân địa phương. Buổi lễ không chỉ với mục đích thành kính tri ân đức Phật mà còn cầu mong cho mọi người, mọi nhà được an lành, hạnh phúc. Thông qua Ðại lễ Phật đản năm nay giúp các Phật tử, quần chúng nhân dân hiểu hơn nữa về Phật pháp, đưa đạo pháp gần hơn nữa với cuộc sống.

Anh Tú

  • Từ khóa