Thứ 6, 22/11/2024, 00:46[GMT+7]

Xúc động ký ức một thời gian khó

Thứ 6, 22/12/2023 | 17:02:05
3,047 lượt xem
Những ngày cuối năm, nếu như cái se lạnh thường khiến cho ta hoài niệm về những điều xưa cũ thì trưng bày chuyên đề “Thái Bình - dấu ấn thời bao cấp” tại Bảo tàng tỉnh là một điểm đến không thể bỏ qua. Tại đây, trong khi các em nhỏ hào hứng với những món đồ lần đầu tiên nhìn thấy, lần đầu tiên được trải nghiệm cách sử dụng thì đối với những người đã trải qua thời kỳ bao cấp, cảm xúc là sự nghẹn ngào, xúc động bởi những hiện vật, hình ảnh được trưng bày làm sống dậy trong họ miền ký ức về một thời gian khó đã trôi qua.

Du khách hoài niệm với những hình ảnh về thời kỳ bao cấp tại trưng bày.

Nghẹn ngào với những kỷ niệm thời bao cấp

Chậm rãi sắp xếp lại chiếc gối đôi, nhìn ngắm căn phòng thời bao cấp được tái hiện tại trưng bày, bà Phạm Thị Thái, phường Tiền Phong (thành phố Thái Bình) nghẹn ngào chia sẻ: Gia đình tôi có một số hiện vật hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh, trong đó phần nhiều là được ông nhà tôi mang về từ chiến trường, một số được họ hàng tặng trong các dịp đặc biệt, tôi cùng các con cháu đều trân trọng, giữ gìn. Tôi rất xúc động và biết ơn khi cuộc sống hiện nay đã đổi mới, hiện đại nhưng Bảo tàng tỉnh vẫn sưu tập lại những hiện vật, hình ảnh trước đây để cho thế hệ hôm nay và mai sau thêm hiểu về cuộc sống ông bà mình đã trải qua.

Cùng chung niềm xúc động như bà Thái, ông Phạm Văn Hạnh, thị trấn An Bài (Quỳnh Phụ) cho biết, ấn tượng nhất đối với ông là gian bếp đun rơm bởi ông như gặp lại hình ảnh gian bếp của nhà mình nhiều năm về trước. Từng vật dụng đều gợi nên cảm xúc hoài niệm, trong đó gia đình ông đã hiến tặng Bảo tàng tỉnh cối đá giã gạo và chum đá đựng nước mưa, những vật dụng đã gắn liền với những bữa cơm quây quần của gia đình. Ông Hạnh mong muốn khi đến với trưng bày, các bạn trẻ sẽ hiểu hơn về những năm tháng gian khó, mọi nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống thường ngày chưa sẵn có như hiện nay.

Ông Hà Duy Thám, phường Bồ Xuyên (thành phố Thái Bình) bồi hồi xúc động: Với những người đã sống trong thời kỳ bao cấp như chúng tôi, quả thực sẽ không khi nào có thể quên những năm tháng dù vất vả, thiếu thốn đủ bề về vật chất nhưng tình người ấm áp tuyệt vời! Nghĩ lại thời bao cấp, tôi nhớ căn phòng 9m2 nhà tập thể của gia đình mình, nơi mà mọi vật dụng thiết yếu đều để dưới gầm giường, đến khi gia đình khá giả hơn mới có điều kiện mua được chạn bát, tủ gỗ... Nhìn lại những kỷ vật về một thời đã qua như tem phiếu, tivi đen trắng, đài cassette... hay không gian cửa hàng mậu dịch quốc doanh được tái hiện, tôi rất xúc động, cảm ơn vì cuộc sống hiện nay đã thay đổi rất nhiều, tốt đẹp hơn. Chỉ mong hàng năm, Bảo tàng tỉnh đều tổ chức những trưng bày chuyên đề ý nghĩa như thế này để chúng tôi được ôn lại những kỷ niệm trước đây, chỉ bảo cho các cháu những điều các cháu chưa khi nào trải qua.

Cùng những học sinh khối lớp 5 của mình đến Bảo tàng tỉnh tham quan trưng bày, thầy giáo Nguyễn Hoàng Long, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong cho biết: Các em học sinh đều rất hào hứng xếp hàng chờ mua bánh ngọt, nước uống bằng tem phiếu. Hình ảnh ấy khiến cho tôi nhớ đến tuổi thơ chính bản thân mình của nhiều năm về trước, cũng đi “xếp gạch” nhận chỗ để chờ được mua những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, đồ dùng dành cho gia đình mình. Tôi giảng giải với các em học sinh về những năm tháng gian khó ấy và mong các em hiểu ông bà, bố mẹ của mình đã vượt qua biết bao khó khăn, mong rằng đó là động lực để các em cố gắng, nỗ lực học tập, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Học sinh trải nghiệm mua thực phẩm bằng tem phiếu tại cửa hàng mậu dịch.

Hàng nghìn tư liệu, hiện vật được sưu tầm

Khác với đa số trưng bày chuyên đề đã thực hiện tại Bảo tàng tỉnh, hàng nghìn tư liệu, hiện vật, hình ảnh của “Thái Bình - dấu ấn thời bao cấp” được trưng bày theo phương pháp sắp đặt, tái hiện đa dạng không gian như cửa hàng mậu dịch, phòng khách, phòng ngủ, gian bếp... qua đó giúp mỗi người xem như “bước vào” đời sống xã hội của nhân dân Thái Bình trong một giai đoạn lịch sử quan trọng. Ngoài ra, tại không gian trưng bày cũng diễn ra các hoạt động trải nghiệm như: xếp hàng chờ mua lương thực, thực phẩm thời bao cấp, làm mành rèm củ ấu, trò chơi rồng rắn lên mây, ô ăn quan, bắn bi, làm trâu lá mít... giúp khách tham quan, đặc biệt là học sinh, sinh viên có cơ hội trải nghiệm các trò chơi dân gian thời bao cấp. 

Ông Đỗ Quốc Tuấn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh chia sẻ: Trải qua gần 40 năm, đất nước đã có nhiều thay đổi to lớn, cuộc sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao nhưng ký ức về thời kỳ bao cấp vẫn để lại những ấn tượng khó quên trong cuộc sống của nhiều thế hệ người dân Thái Bình. Trở ngại khá lớn trong công tác sưu tầm phục vụ cho trưng bày của Bảo tàng tỉnh là phần nhiều vật dụng trong giai đoạn này cho đến nay không còn được sử dụng và lưu giữ, ngoài ra, cũng đã có nhiều nhà sưu tầm mua về những hiện vật thời bao cấp để bổ sung cho bộ sưu tập của bản thân. Bởi vậy, cán bộ của Bảo tàng tỉnh đã đầu tư nhiều thời gian, công sức để tìm kiếm, sưu tầm cũng như tái hiện trọn vẹn nhất từng không gian trưng bày, mang đến cho người xem những dấu ấn khó quên.

Chị Nguyễn Việt Hà, cán bộ sưu tầm nghiệp vụ, Bảo tàng tỉnh cho biết: Bởi đa số hiện vật cho đến ngày nay đều không còn được sử dụng nữa mà được các gia đình gìn giữ như một kỷ niệm nên mỗi hiện vật đều mang trong mình câu chuyện riêng về quá trình chủ nhân của hiện vật đã vượt qua gian khó, để lại cho chúng tôi những ấn tượng trong quá trình sưu tầm. Ngoài ra, trong quá trình này, chúng tôi còn sưu tầm được những hiện vật quý hiếm như kỷ vật kháng chiến, hiện vật được Bác Hồ tặng cho cá nhân cũng đã được hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh để giới thiệu tới công chúng. Sự tin tưởng này là động lực lớn đối với mỗi cán bộ Bảo tàng tỉnh.

Thông qua các hoạt động trải nghiệm, trưng bày chuyên đề “Thái Bình - dấu ấn thời bao cấp” đã góp phần giữ gìn, khơi dậy và phát huy truyền thống cách mạng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tin tưởng, với thời gian trưng bày khá dài ngày, đây sẽ là điểm đến không bỏ lỡ của người dân trong tỉnh cũng như du khách khi về với mảnh đất Thái Bình.

Tú Anh