Thứ 7, 23/11/2024, 03:31[GMT+7]

Đông Hưng: Giá rau thấp, người trồng giảm thu

Chủ nhật, 07/01/2024 | 21:09:54
3,682 lượt xem
Thời điểm này, nông dân các địa phương trên địa bàn huyện Đông Hưng đang tập trung thu hoạch cây vụ đông ưa lạnh. Năm nay tiếp tục là một năm được mùa song người trồng vẫn buồn vì giá bán thấp.

Ông Nguyễn Đình Uẩn, xã An Châu (Đông Hưng) chăm sóc ruộng bắp cải sắp cho thu hoạch.

Video: 110124-VU_DONG_DONG_HUNG.mp4?_t=1704942004

 

Dù chỉ có một mình song nhiều năm liền ông Nguyễn Đình Uẩn, thôn Kim Châu 2, xã An Châu vẫn trồng cây vụ đông nhiều nhất xã. Với kinh nghiệm hàng chục năm trồng rau ưa lạnh, ruộng rau nào của nhà ông cũng xanh mướt, cây to đều, cho năng suất cao. Giá súp lơ hiện giảm một nửa so với năm ngoái khiến thu nhập của ông giảm đi nhiều. 

Ông Uẩn chia sẻ: Hàng chục năm nay tôi đều tận dụng đất trống giữa 2 vụ lúa để trồng cây vụ đông. Làm vụ đông vất vả, sớm hôm trên đồng ruộng, nỗi lo luôn thường trực, nào là lo mất mùa, lo nông sản làm ra không tiêu thụ được, lo giá bán thấp... Vụ đông năm nay tôi trồng 1,6 mẫu, cây chủ lực vẫn là cây truyền thống của địa phương như su hào, bắp cải, súp lơ, ớt. So với năm ngoái diện tích tăng thêm 4 sào. Thời tiết đầu vụ có mưa to song nhờ HTX DVNN xã chủ động tiêu nước, chúng tôi chăm sóc rau sau mưa theo hướng dẫn nên rau hồi phục nhanh, phát triển tốt, ruộng nào cũng đẹp. Thế nhưng đến lúc thu hoạch thì giá rau lại thấp. Năm ngoái bán tại ruộng 10.000 đồng/hoa súp lơ, năm nay chỉ có 5.000 đồng/hoa, bắp cải giá cũng giảm 1/4 so với năm ngoái. Su hào, súp lơ của gia đình đã thu được khoảng 40 - 50 triệu đồng, còn lại không đáng kể.

Ở ruộng gần đó, bà Nguyễn Thị Liên, thôn Kim Châu 2, xã An Châu vừa nhanh tay thu hoạch súp lơ vừa kể: Hai vợ chồng đã có tuổi nhưng tiếc ruộng, lại được hỗ trợ giống rau, năm nào cũng tranh thủ trồng vụ đông. Năm nay gia đình trồng 5 sào su hào, súp lơ, bắp cải. Rau được mùa, su hào củ to, hoa súp lơ đều, bắp cải cuộn chặt nhưng giá bán không được như mọi năm. Đến nay, gia đình đã bán được gần 20 triệu đồng. Để bảo đảm an toàn cho người dùng, rau bán được là gia đình tổ chức bắt sâu thủ công, tối ra đồng đánh chuột bảo vệ rau. Giá rau cao như năm ngoái mới tương xứng với công lao “một nắng, hai sương” bà con bỏ ra.

Năm nay, nông dân xã Lô Giang trồng 180ha cây vụ đông, tăng khoảng 20ha so với năm 2022. Trong đó, ngô trên 30ha, khoai tây trên 30ha, bí trên 25ha, còn lại là các loại rau màu khác. Thời tiết thuận lợi, cây vụ đông đều sinh trưởng, phát triển tốt. Nhưng điệp khúc “được mùa, mất giá” lại xuất hiện khiến nông dân lo lắng. 

Ông Nguyễn Xuân Thoại, Giám đốc HTX DVNN xã Lô Giang cho biết: Bà con chủ yếu trồng cây vụ đông trên đất lúa, diện tích mở rộng phần lớn là cây ngô, trồng tập trung ở cánh đồng thôn Minh Đức và thôn An Bình. Ngô thu sớm bán còn được 4 - 4,5 triệu đồng/sào, còn lứa ngô sau giờ mới thu chỉ được 3 - 3,5 triệu đồng/sào. 

Ông Nguyễn Văn Nhan, thôn Minh Đức, xã Lô Giang chia sẻ: So với năm ngoái thì thu nhập trồng vụ đông giảm 1/4. Vì trồng trên đất lúa, muốn để lại chờ giá tăng nhưng rau, ngô quá lứa già không bán được sẽ càng thất thu. Mong giá tăng dần cho bà con đỡ thiệt thòi.

Vụ đông năm nay huyện Đông Hưng trồng trên 5.000ha, trong đó trên 2.700ha cây ưa lạnh, chủ lực là bí, ngô, khoai tây, su hào, bắp cải, súp lơ... tập trung ở các xã An Châu, Lô Giang, Đông Xá, Trọng Quan, Mê Linh... Hiện nay, một số loại cây đang vào mùa thu hoạch, giá bán thấp hơn mọi năm, vì vậy việc tiêu thụ của bà con cũng gặp khó. Thương lái về tận ruộng mua ít hơn, chỉ chọn hàng chất lượng, hàng nhỏ, mã xấu là loại, người trồng phải tự đi chợ bán. 

Bà Bùi Thị Mừng, xã Lô Giang cho biết: Tôi thu mua rau cho bà con một số xã chuyên trồng cây vụ đông ở Đông Hưng nhiều năm rồi. Bà con xã An Châu có nhiều kinh nghiệm trồng, chăm sóc rau vụ đông, vì vậy rau ở đây đều, đẹp, người tiêu dùng ưa thích hơn các loại rau trồng ở một số địa phương khác. Tôi cố gắng thu mua với giá sát thị trường cho bà con song vẫn rẻ hơn năm ngoái.

Nhiều năm nay, việc sản xuất rau của nông dân trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Đông Hưng nói riêng vẫn gặp khó khăn ở khâu tiêu thụ sản phẩm, nhất là rau xanh bởi hầu hết phụ thuộc vào các thương lái, do đó nghịch lý “được mùa, mất giá” vẫn diễn ra. Để bảo đảm chất lượng và ổn định đầu ra cho cây vụ đông, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa việc liên kết “4 nhà” nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

Cây vụ đông trên đồng đất Lô Giang. 

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày