Thứ 5, 02/05/2024, 14:59[GMT+7]

Thi đua phát triển kinh tế VAC

Thứ 4, 10/01/2024 | 20:57:21
463 lượt xem
Thi đua phát triển kinh tế VAC, thời gian qua, các cấp hội làm vườn trong tỉnh đã xây dựng nhiều chương trình hành động cụ thể hỗ trợ hội viên.

Mô hình VAC của anh Trần Đức Thiệm, xã Điệp Nông (Hưng Hà).

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh cho biết: Năm 2023, phong trào phát triển kinh tế VAC tiếp tục được các cấp hội làm vườn trong tỉnh quan tâm, phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản được duy trì ổn định; tổng giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt trên 29.700 tỷ đồng. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất theo cánh đồng lớn, cánh đồng có liên kết bao tiêu sản phẩm tiếp tục được triển khai thực hiện. Phong trào tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất quy mô lớn của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ngày càng phát triển với tổng diện tích toàn tỉnh 11.216ha. Hội viên hội làm vườn các cấp đã tham gia liên kết hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa với quy mô hàng trăm héc-ta và tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất cho năng suất, hiệu quả cao. Các mô hình chăn nuôi theo hình thức trang trại, quy trình chăn nuôi an toàn, VietGAP được ứng dụng rộng rãi; sản lượng từ chăn nuôi của các trang trại chiếm 63% sản lượng chăn nuôi toàn tỉnh. Việc phát triển các mô hình trồng cây, nuôi con đặc sản vẫn được duy trì tốt và cho thu nhập ổn định.

Để hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, hội làm vườn các cấp đã duy trì thực hiện tốt các chương trình, dự án và dịch vụ VAC. Hội Làm vườn tỉnh đã cung ứng hàng triệu cây, con giống chất lượng và vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi cho hội viên; liên kết với Hội Nông dân tỉnh tín chấp với các tổ chức tín dụng giúp hội viên, nông dân vay vốn đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, các cấp hội làm vườn trong tỉnh đã phối hợp tổ chức 177 lớp tập huấn, hội thảo với nội dung phong phú, đa dạng về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Phối hợp tổ chức 169 lớp dạy nghề cho trên 5.600 hội viên tham dự.

Từ sự hỗ trợ tích cực của hội làm vườn các cấp về giống, vốn, kỹ thuật, nhiều hội viên, nông dân đã mạnh dạn xây dựng mô hình sản xuất VAC cho hiệu quả cao. Trong đó, anh Vũ Văn My, xã Hồng Dũng (Thái Thụy) là một điển hình. Nhận thấy việc cấy lúa vất vả, năng suất thấp, năm 2003 anh đã mạnh dạn chuyển đổi 1,2 mẫu ruộng chiêm trũng để xây dựng mô hình VAC. Sau khi được đi tham quan một số mô hình và tập huấn về kiến thức chăn nuôi do Hội Làm vườn xã tổ chức, anh đã áp dụng vào xây dựng mô hình của mình theo hướng khoa học, bài bản. Anh xây 3 chuồng nuôi gà và đào ao thả cá để tạo không gian thoáng mát, tăng thu nhập. Anh My cho biết: Hiện tại, gia đình tôi duy trì nuôi khoảng 4.000 con gà ri lai. Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tôi đã đầu tư cải thiện chuồng nuôi, lắp đặt hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống tự động. Nhờ đó mỗi năm tôi xuất ra thị trường khoảng 10 tấn gà thịt, cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng.

Mô hình nuôi gà ri lai của anh Vũ Văn My (người bên phải), xã Hồng Dũng (Thái Thụy) cho hiệu quả cao.

Giống như anh My, chị Vũ Thị Thủy, xã Đoan Hùng (Hưng Hà) cũng rất tích cực tham gia các chương trình tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Làm vườn xã tổ chức. Vì vậy, mô hình VAC của gia đình chị không chỉ phát triển tốt, cho hiệu quả cao mà còn đứng vững trước những tác động của dịch bệnh. Trên diện tích vườn rộng 1 mẫu, chị Thủy đầu tư xây dựng chuồng trại rộng 500m2, nuôi 130 con lợn nái và lợn thịt; đồng thời đào ao, trồng bưởi Diễn xung quanh. 

Đưa chúng tôi đi thăm mô hình, chị Thủy phấn khởi chia sẻ: Được sự tư vấn, hỗ trợ của Hội Làm vườn xã, gia đình tôi đã đầu tư chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chủ động vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi. Vì vậy, năm 2019 nhiều gia đình điêu đứng vì ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi thì gia đình tôi không bị thiệt hại nhiều. Hiện tại, mỗi năm tôi xuất được 3 lứa lợn, khoảng hơn 45 tấn lợn thịt; sau khi trừ các khoản chi phí cho thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Cùng với việc bán các sản phẩm từ cây ăn quả, gia đình tôi có thu nhập khá ổn định.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Hội Làm vườn tỉnh sẽ tiếp tục vận động hội viên, nông dân trong tỉnh thực hiện phong trào phát triển kinh tế VAC theo hướng nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ hội viên xây dựng và nhân rộng mô hình vườn hữu cơ, trang trại VAC 4.0, kinh tế VAC tuần hoàn không chất thải. Các cấp hội làm vườn triển khai thực hiện tốt các chương trình phối hợp tổ chức đào tạo nghề, tập huấn nâng cao kỹ năng tay nghề cho hội viên; làm tốt công tác dịch vụ VAC và tăng cường phối hợp với các tổ chức tín dụng giúp hội viên được vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mô hình kinh tế VAC của gia đình chị Vũ Thị Thủy, xã Đoan Hùng (Hưng Hà) cho thu lãi trên 200 triệu đồng/năm. 

Nguyễn Triệu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày