Thứ 5, 02/05/2024, 13:32[GMT+7]

Những HTX làm chủ công nghệ số

Thứ 5, 11/01/2024 | 21:33:39
5,715 lượt xem
Để bắt nhịp với tiến bộ khoa học công nghệ, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Hưng Hà đã thay đổi tư duy, cách làm nhằm tiếp cận gần hơn với nền nông nghiệp thông minh, từng bước làm chủ công nghệ số.

Chăm sóc cây dược liệu tại HTX Dược liệu Vân Đài.

Trên diện tích 3ha, HTX Dược liệu Vân Đài, xã Chí Hòa gieo trồng hơn 20 loại cây dược liệu gồm hoa hòe, ngưu tất, cà gai leo, ích mẫu, khổ sâm, bồ công anh, hoài sơn, xạ đen... Với định hướng xây dựng mô hình kinh tế nông nghiệp công nghệ cao hướng đến nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn, HTX từng bước cải tạo đất trồng theo hướng hữu cơ, áp dụng các công nghệ nhân giống và gắn kết với các đơn vị nghiên cứu, đơn vị thu mua chủ động phát triển sản phẩm chế biến để tạo mô hình kinh tế nông nghiệp tiêu biểu theo định hướng nông nghiệp công nghệ cao và bền vững. 

Ông Đặng Quang Chiêm, Giám đốc HTX cho biết: HTX đã ứng dụng phương pháp quản lý tổng hợp trên hệ thống điện thoại, máy tính và tưới, tiêu tự động cho toàn bộ HTX nhằm giảm nhân công, chi phí và nâng cao chất lượng cây trồng. Ngoài ra, HTX còn tổ chức liên kết với các HTX trong huyện để hỗ trợ giống cho người dân trong vùng trồng dược liệu, sau đó thu mua nguyên liệu cho bà con; phối hợp với Viện Nghiên cứu vi tảo và dược mỹ phẩm (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) để nghiên cứu, phát triển các sản phẩm như đông trùng hạ thảo, nấm dược liệu, nấm linh chi, tảo xoắn Spirulina và các loại trà dược liệu. Dù HTX mới thành lập nhưng đã xuất bán hàng chục tấn dược liệu các loại và giống cây trồng cho các cơ sở thu mua trong và ngoài tỉnh.

Hiện nay, HTX Dược liệu Vân Đài đang tạo việc làm cho hơn 40 lao động địa phương với thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Bà Đặng Thị Thúy, thôn Vân Đài cho biết: Tôi gắn bó với HTX từ khi mới đi vào sản xuất. Mỗi công đoạn từ trồng, chăm sóc đều yêu cầu kỹ thuật cao nên tôi cũng phải tỉ mỉ học hỏi để làm. Chúng tôi có thể vận hành hệ thống tưới tự động mọi lúc, mọi nơi; có thể kết hợp nước tưới với bón phân và kiểm soát lượng phân bón đúng tỷ lệ, giúp cây trồng sinh trưởng nhanh và tăng năng suất. Nhờ đó mà công việc cũng phù hợp với sức lao động và ngày lương.

Dự  kiến năm 2024 HTX Dược liệu Vân Đài tiếp tục mở rộng 6ha để trồng cây dược liệu tại cánh đồng thôn An Tiến, phấn đấu trở thành một trong những đơn vị tiêu biểu trong việc kết nối giữa các khu vực trồng, chế xuất và xuất khẩu dược liệu trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở để phát triển, nâng cao giá trị kinh tế của các sản phẩm chế biến từ dược liệu, thúc đẩy việc tiêu thụ các loại dược liệu, tạo việc làm, nâng cao thu nhập người dân.

HTX Nông trại hữu cơ Thái Bình, thôn Vĩnh Bảo, xã Minh Hòa cũng là một trong những HTX tiên phong ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Diện tích gần 20.000m2, được HTX quy hoạch thành 3 vùng tại cánh đồng thôn Vĩnh Bảo. Trong đó, hơn 1.000m2 bố trí xây dựng chuồng trại để trồng nấm và nuôi 6.000 con gà thịt; 1.000m2, làm nhà màng trồng các loại cây như: cà chua bi, nho hạ đen, nho sữa, bông cải xanh, cải bó xôi, xà lách thủy tinh, dưa lưới... được trồng theo công nghệ cao, sử dụng hệ thống tưới nước tự động bằng kỹ thuật nhỏ giọt hoặc phun sương; diện tích còn lại trồng măng tây, cây đu đủ đực và một số các loại cây ăn quả lâu năm. 

Bà Phạm Thị Hương, Phó Giám đốc HTX cho biết: Trồng trọt theo quy trình truyền thống, HTX sẽ phải mất nhiều chi phí thuê nhân công, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, còn khi ứng dụng công nghệ cao, mỗi vùng sản xuất đều được giám sát theo nhật ký điện tử nên lượng dinh dưỡng được giám sát chặt chẽ, không hao phí và có tính bao quát cao mà lao động thủ công khó có thể làm được. Thay vì phải thuê cả chục lao động, nay mọi hoạt động đều có thể điều khiển từ xa. Hệ thống tưới tự động không chỉ giúp cung cấp nước mà toàn bộ phân bón sử dụng bằng chế phẩm sinh học và các loại phân hữu cơ khác cũng được xử lý qua hệ thống tưới tự động để bón cho cây... Không chỉ tự động hóa trong quy trình sản xuất, việc tiêu thụ sản phẩm cũng dần được số hóa nhờ các trang thương mại điện tử nên giá trị sản phẩm cũng tăng cao hơn so với trước. Năm 2023, HTX thu được trên 12.000kg gà thịt, 20 tấn nấm sò, bào ngư, 4.000kg nho hạ đen, 10.000kg hoa đu đủ đực, hàng trăm ki-lô-gam măng tây và các loại hoa quả... Doanh thu hàng năm của HTX gần 10 tỷ đồng. Hiện tại, các loại rau, quả của HTX được đóng gói và tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên...

Đây là 2 trong nhiều HTX trên địa bàn huyện Hưng Hà chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ số trong sản xuất, nuôi trồng, bảo quản sản phẩm; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất, kinh doanh. Các HTX có sản phẩm, hàng hóa thực hiện bán các sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử, sử dụng website để giới thiệu, quảng bá, bán hàng, thực hiện phương thức tiếp thị trên các nền tảng số, quảng cáo trên facebook, google... góp phần tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản. Đây là hướng đi tất yếu để các HTX trên địa bàn huyện từng bước xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn.

HTX Nông trại hữu cơ Thái Bình, thôn Vĩnh Bảo, xã Minh Hòa sử dụng các trang thương mại điện tử để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.

Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày